Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn ngân hàng

NHẬT PHONG 22/04/2015 10:10

Thị trường tín dụng mấy tháng qua đã bắt đầu sôi động. Nhiều gói tín dụng lớn đã đổ vào các dự án thủy điện, đóng tàu và nhiều cuộc kết nối ngân hàng – doanh nghiệp cho kết quả khả quan. Đó là sự chuyển biến đáng mừng cho doanh nghiệp khi giới ngân hàng đã có thể nhìn vào các dự án khả thi hay “điều kiện tín chấp” để tiến hành ký kết các hợp đồng cho vay. Tuy nhiên, phân tích kỹ thì thấy không nhiều doanh nghiệp được hưởng niềm vui vay vốn từ các chương trình kết nối này.

Nhìn vào con số công bố của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Quảng Nam sẽ thấy rất rõ khi số doanh nghiệp vừa và nhỏ có quan hệ tín dụng với các ngân hàng thương mại (chiếm 94,73% doanh nghiệp vay vốn ngân hàng) chỉ đạt dư nợ 4.624 tỷ đồng, chiếm 26,46%/tổng dư nợ cho vay doanh nghiệp trong vòng mấy tháng qua. Các cuộc kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp cũng chỉ mang đến con số dư nợ 1.669 tỷ đồng, chiếm 6,01%/tổng dư nợ cho vay. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Quảng Nam thừa nhận số doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện gặp nhiều khó khăn, tài chính không lành mạnh, khả năng quản trị chưa đáp ứng yêu cầu, khả năng mở rộng sản xuất hạn chế, nên dù các ngân hàng sẵn sàng cung ứng nguồn vốn ưu đãi vẫn khó có thể tiếp cận vốn. Đó là do không đáp ứng các tiêu chí theo quy định của ngân hàng, có nợ xấu hoặc không có tài sản thế chấp. Có lẽ “điều kiện” ở đây chính là tài sản thế chấp, không nợ xấu, nhưng hiện tại số doanh nghiệp bảo đảm đúng yêu cầu của ngân hàng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Sinh lực doanh nghiệp đã gần kiệt khi phải đối mặt với khó khăn trong suốt thời gian dài, nên khó vượt qua “cửa ải” thế chấp để tiếp cận vốn ngân hàng. Thực tế nhiều doanh nghiệp đã tìm được đối tác, chỉ cần vay được tiền xây nhà xưởng để có thể đưa thiết bị vào sản xuất, sinh lãi, nhưng không tài sản thế chấp nên đành để cơ hội vụt qua. Không ít doanh nghiệp đã mang phương án, lặn lội đến các ngân hàng điều trần, đàm phán, nhưng cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Không còn cách nào khác họ phải tìm đến những cuộc đối thoại với mong muốn được giúp đỡ nhưng không biết có tìm được vốn mở rộng sản xuất hay không…

Tín dụng ngân hàng được xem là kênh dẫn vốn vô cùng quan trọng cho toàn bộ nền kinh tế thúc đẩy tăng trưởng. Đó chỉ là chỉ số đánh giá khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế. Nhưng nếu tín dụng doanh nghiệp không tăng, sản xuất đình đốn sẽ là dấu hiệu không tốt của nền kinh tế. Giới ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 13 - 15% nhưng có lẽ tăng trưởng tín dụng chỉ có ý nghĩa thực sự khi doanh nghiệp với tay được đến đồng vốn lãi suất thấp và không còn bị ám ảnh bởi khoản nợ đang tồn tại. Cho dù ngân hàng có cái lý của riêng mình để từ chối khơi dòng tín dụng thì cũng nên tìm ra giải pháp trực tiếp, nhanh chóng, hiệu quả để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đang trong giai đoạn khó khăn. Sự hỗ trợ thiết thực của ngân hàng sẽ giúp doanh nghiệp phục hồi, sống được và sẽ “nuôi” lại ngân hàng. Còn nếu vẫn cứ tiếp tục điệp khúc cho vay phải đủ chuẩn hay đủ điều kiện thì sẽ không giải quyết được vấn đề gì cho việc phục hồi và phát triển kinh tế Quảng Nam. Tại sao ngân hàng không nghĩ đến chuyện cho doanh nghiệp cầm cố hàng tồn kho để lấy tiền sản xuất hoặc Ngân hàng Nhà nước có thể mở một chương trình đặc biệt để các ngân hàng thương mại vay tiền rồi cho doanh nghiệp vay lại nhằm giải quyết hàng tồn kho, giải cứu nền kinh tế? Sự “hy vọng” ấy cũng chỉ là lý thuyết, bởi sẽ rất khó để các ngân hàng từ bỏ lợi nhuận, bảo đảm an toàn hệ thống chỉ bằng những lời kêu gọi. Rốt cuộc, câu chuyện kết nối ngân hàng - doanh nghiệp cũng còn nhiều rào cản lớn.

NHẬT PHONG

NHẬT PHONG