Lợi ích kép từ bán hàng nông sản

ALĂNG NGƯỚC 15/04/2015 09:56

Không chỉ kiếm thêm thu nhập, công việc buôn bán các mặt hàng nông sản trên tuyến đường Hồ Chí Minh của đồng bào bản địa mà còn đa dạng hóa sản phẩm du lịch cộng đồng, thu hút du khách đến với huyện Nam Giang.

Tăng thêm thu nhập

Cuối chiều, bên vệ đường trước ngõ làng, bà Alăng Thị Nôi, ở thôn Pà Lanh, xã Cà Dy (Nam Giang) cùng vài phụ nữ trong làng chào bán các mặt hàng nông sản cho khách. Trên chiếc bàn nhựa bày sẵn những bó rau rừng, nải chuối, ớt, gừng... khá bắt mắt. Dù đã hơn 60 tuổi, nhưng bà Nôi vẫn đều đặn ngồi bán hàng nông sản cho du khách mỗi ngày. Công việc tuy đơn giản nhưng đã giúp bà có thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình từ nhiều năm nay. “Tranh thủ sau buổi lên rẫy, chị em hái rau rừng để chiều đem bán. Ngày nào cũng thế, ai cũng mang nông sản chào bán cho khách qua đường, giúp tăng thêm thu nhập gia đình” - bà Nôi cho hay. Theo ông Bh’nướch Phước - Chủ tịch UBND xã Cà Dy, dù con đường Hồ Chí Minh đã được mở từ nhiều năm trước nhưng người dân bản địa vẫn chưa biết tận dụng cơ hội buôn bán các mặt hàng nông sản cho du khách và người đi đường. Tuy nhiên, khoảng vài năm trở lại đây, khi nhu cầu mua tăng cao, nhiều hộ dân mới bắt đầu ý thức bán hàng nông sản cho du khách. Cứ thế, sau mỗi lần lên rẫy, đồng bào tranh thủ hái rau, bẻ măng rừng, cùng một số nông sản được trồng trên đất rẫy để mang về bán cho khách đi đường. Dần dà, công việc này trở nên quen thuộc với người dân bản địa, góp vào sự hình thành những “chợ nông sản” trên tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa phận huyện Nam Giang.

Du khách tìm mua các mặt hàng nông sản của người dân trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Du khách tìm mua các mặt hàng nông sản của người dân trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua địa phận xã, hàng chục “chợ nông sản” được người dân địa phương bày bán, phục vụ du khách và người dân khu vực ghé mua. Chị Arâl Thị Bươn ở thôn Pà Lanh cho biết, trung bình mỗi ngày có hàng chục khách dừng chân mua nông sản của chị. Do phần lớn hàng nông sản được trồng trên đất rẫy, chất lượng đảm bảo nên thường được du khách ưa chuộng tìm mua. Như chị Bươn, mỗi ngày ngồi bán cũng thu về trên dưới 200 nghìn đồng, góp thêm điều kiện ổn định cuộc sống gia đình. “Có lúc khách mua đông, người dân không đủ nông sản để bán. Khách đến đây mua, họ yên tâm vì ở đây toàn bán nông sản sạch, tự nhiên” - chị Bươn nói. Cũng theo chị Bươn, hằng năm vào những ngày cận Tết Nguyên đán “chợ nông sản” thường đón rất đông khách tìm mua. Từ việc bán các loại rau, củ, quả... cho khách trên tuyến đường Hồ Chí Minh, thỉnh thoảng nhiều hộ dân cũng kiếm thu nhập gần chục triệu đồng. “Năm ngoái, nhiều người còn bán cả thịt xông khói kèm hạt tiêu rừng cho du khách, giá được lắm!” - chị Bươn cho biết thêm.

Gắn kết du lịch cộng đồng

Không chỉ xuất hiện thời vụ vào mùa thu hoạch lòn bon, măng rừng... “chợ nông sản” giờ có quanh năm và trở nên quen thuộc với người đi đường. Khách mua có khi là những người dân bản địa, khách qua đường hay du khách theo các tour du lịch cộng đồng. Ngoài các điểm tham quan theo lịch cố định, đến với Nam Giang hôm nay, du khách còn có thêm cơ hội được mua sắm theo nhu cầu từ các điểm bán hàng nông sản trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại. “Chợ nông sản” bây giờ không chỉ là điểm mua bán, mà còn là nơi tham quan lý tưởng cho nhiều du khách ghé thăm. Anh Cường - một du khách ở TP.Đà Nẵng chia sẻ, trước đây đến với Nam Giang, nhiều người chỉ quan tâm đến các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng như thác Grăng, làng dệt Za Ra, nhà truyền thống huyện... Bây giờ, khi các điểm du lịch đó trở nên quá quen thuộc, không gian mua bán hàng nông sản dọc trên tuyến đường lại thu hút khá nhiều du khách. Dù chỉ vài phút dừng chân, nhưng các điểm “chợ nông sản” lại tạo cho du khách một cảm giác thoải mái, giản dị như chính phong cách sống vốn có của người vùng cao.

Sự gắn kết từ các điểm mua bán hàng nông sản của người dân bản địa đối với các dự án du lịch cộng đồng cũng là một trong những thuận lợi để địa phương phát huy thế mạnh trong phát triển du lịch. Khi nhu cầu mua sắm, tham quan ngày càng được “du lịch hóa”, “thương mại hóa” thì việc phát triển loại hình du lịch cộng đồng có thêm cơ hội phát triển ở Nam Giang. Cùng với chợ phiên Abát (xã Chà Vàl); làng nghề dệt Za Ra, thác Grăng (xã Ta Bhing)... “chợ nông sản” của người dân ở xã Cà Dy và thị trấn Thạnh Mỹ sẽ tạo điều kiện để phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng đặc trưng, níu chân du khách đến với Nam Giang nhiều hơn. Bà Phạm Thị Như - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho rằng, việc hình thành và quảng bá các sản phẩm du lịch cộng đồng tại địa phương trong thời gian qua không nằm ngoài mục đích thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân địa phương. Qua đó, vừa tạo cơ hội để quảng bá hình ảnh về văn hóa, con người Nam Giang đến với du khách, vừa phát triển du lịch cộng đồng gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững và bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống cho đồng bào các dân tộc thiểu số cộng cư trên địa bàn huyện.

ALĂNG NGƯỚC

ALĂNG NGƯỚC