Liên kết phát triển làng nghề

NGUYỄN DƯƠNG 13/04/2015 09:30

Làng nghề là nhân tố quan trọng trong việc gìn giữ nghề truyền thống, tạo thu nhập cải thiện đời sống người dân địa phương. Để duy trì và phát triển làng nghề bền vững, rất cần có sự phối hợp, liên kết và hoạt động theo các mô hình hợp tác xã (HTX).

Cần hỗ trợ

Tính đến cuối năm 2013, toàn tỉnh có 89 làng nghề đang hoạt động sản xuất những mặt hàng truyền thống, đặc sản với dấu ấn văn hóa đa dạng của các cộng đồng cư dân như: gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng, đèn lồng Hội An, đúc đồng Phước Kiều, tơ lụa Mã Châu... Nhưng những làng nghề này đang đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó chủ yếu vẫn là không tìm được đầu ra cho sản phẩm, cơ sở vật chất, mẫu mã hàng hóa chưa đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Theo số liệu điều tra của Liên minh HTX tỉnh, trong 950 hộ nghề tại 128 thôn của 54 xã trên địa bàn Quảng Nam thì có đến 747 hộ (chiếm 78,6%) đều kiến nghị được hỗ trợ về việc quảng bá sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ, ổn định các sản phẩm làng nghề. Hiện nay, sản phẩm hàng hóa tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn được tạo ra chủ yếu bởi thành phần kinh tế tư nhân mà nòng cốt là kinh tế cá thể tiểu chủ, các doanh nghiệp nhỏ và kinh tế tập thể là các tổ hợp tác, hợp tác xã. Cả hai thành phần kinh tế này đang là các chủ thể sản xuất kinh doanh sản phẩm tiểu thủ công nghiệp.

HTX có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì và phát triển làng nghề. TRONG ẢNH: Dệt thổ cẩm Zơ Ra là một trong những làng nghề hoạt động theo mô hình HTX. Ảnh: N.D
HTX có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì và phát triển làng nghề. TRONG ẢNH: Dệt thổ cẩm Zơ Ra là một trong những làng nghề hoạt động theo mô hình HTX. Ảnh: N.D

Việc gìn giữ, phát triển các làng nghề đang được UBND tỉnh chú trọng đặc biệt. Trong 5 năm (2011 - 2015), UBND tỉnh đã hỗ trợ hơn 33,8 tỷ đồng cho nguồn vốn khuyến công (trong đó nguồn vốn khuyến công của tỉnh hơn 28,5 tỷ đồng, khuyến công quốc gia hơn 5,2 tỷ đồng). Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng chỉ đạo ngành công thương tập trung triển khai thực hiện chương trình xây dựng một số xã nghề tại các địa phương nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Đồng thời triển khai lồng ghép các chương trình, dự án phi chính phủ để phát triển các làng nghề... Tuy nhiên, các làng nghề hiện nay vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc định hướng phát triển ổn định, bền vững. Theo ông Nguyễn Thanh Tài, nguyên Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, tùy theo mức độ phát triển của sản phẩm nghề trong nền kinh tế thị trường mà có sự phát triển của loại hình kinh tế phù hợp. Để phát triển sản phẩm nghề cần có các giải pháp riêng, nhưng để phát triển loại hình kinh tế nào tác động hỗ trợ phát triển sản phẩm nghề tốt nhất thì cần phải được nghiên cứu đầy đủ theo hướng hỗ trợ phát triển làng nghề, như vậy mới có hướng đi phù hợp nhất.

Hướng đi mở

Thị trường đầu ra cho sản phẩm luôn là bài toán khó đối với các làng nghề hiện nay. Làng mộc Văn Hà, mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, nghề dệt vải thổ cẩm của người Cơ Tu... đều gặp phải khó khăn chung là tìm đầu ra cho sản phẩm làng nghề. “Hiện nay, các sản phẩm của làng nghề đang chịu sự cạnh tranh rất khốc liệt từ các cơ sở sản xuất kinh doanh tư nhân cả về chất lượng lẫn giá thành. Chính vì vậy, nếu không đảm bảo được thị trường tiêu thụ thì khó có thể duy trì làng nghề. Bởi đơn giản, phải đảm bảo được người dân làng nghề sống được với cái nghề của mình thì họ mới có thể tiếp tục để duy trì và phát triển” - bà Nguyễn Thị Thoại, Giám đốc HTX Dệt may Duy Trinh chia sẻ. Mặt khác, tình trạng chung hiện nay của các làng nghề là cơ sở sản xuất chủ yếu bằng thủ công, máy móc, thiết bị cũ kỹ... Chính vì vậy, những sản phẩm của làng nghề sẽ khó lòng cạnh tranh được với các sản phẩm do máy móc hiện đại sản xuất. Do đó, việc gìn giữ, phát triển làng nghề phải gắn liền với việc đảm bảo đầu ra sản phẩm. Ở một mặt nào đó, mô hình HTX giải quyết được khó khăn này.

Theo ông Nguyễn Thanh Tài, từ thực tế có thể chứng minh mô hình HTX có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì và phát triển làng nghề. Với việc mở rộng hình thức kinh doanh, liên kết phát triển của mình, HTX có thể đảm bảo quyền lợi cho mỗi thành viên HTX. Như HTX Dệt Mã Châu, mộc Kim Bồng đều đã phát triển thêm hình thức kết hợp với du lịch, thông qua đó quảng bá được thương hiệu sản phẩm đối với du khách. Đó là một chiến lược cần thiết để có thể phát triển hơn nữa thương hiệu của mỗi làng nghề… Hiện nay, có rất nhiều làng nghề đang dần phát triển dựa trên nền tảng của mô hình HTX như HTX Dệt may Duy Trinh, HTX Dệt tơ lụa Mã Châu, HTX Rau sạch Mỹ Hưng… đang phát huy rất tốt vai trò của mình trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm của làng nghề.

Bà Nguyễn Thị Huyền, điều phối viên của tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho rằng, việc duy trì, phát triển các làng nghề là hết sức quan trọng. Nó không chỉ góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động mà còn góp phần giữ gìn bản sắc của người dân xứ Quảng. Thời gian vừa qua, để phát triển làng nghề truyền thống liên kết với du lịch, ILO đã đẩy mạnh công tác thành lập các tổ hợp tác, HTX. “Với các làng du lịch Mỹ Sơn (Duy Xuyên) hay Bhơ Hôồng, Đhrôồng ở huyện Đông Giang chúng tôi đều hướng đến sự liên kết giữa các hộ dân dưới dạng tổ hợp tác, HTX. Cách làm này bước đầu đã mang lại hiệu quả bởi khi có sự liên kết, việc triển khai trở nên đồng bộ, phát huy được hiệu quả một cách tối đa…” - bà Huyền cho biết.

NGUYỄN DƯƠNG

NGUYỄN DƯƠNG