Ngân hàng tìm doanh nghiệp

TRỊNH DŨNG 10/04/2015 08:06

Bốn ngân hàng và 7 doanh nghiệp đã ký kết các hợp đồng tín dụng với tổng nguồn vốn 80,79 tỷ đồng theo chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp đầu tiên năm 2015 tổ chức ngày 9.4. Sự kiện này được cho là dấu hiệu tốt để ngân hàng đưa vốn vào sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả, thực chất hơn.

Bùng nổ tín dụng ưu đãi

Ngày 9.4, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Quảng Nam cho biết đến cuối tháng 3.2015, tổng dư nợ cho vay đạt 27.790 tỷ đồng, tăng 3,89% so với đầu năm và tăng 19,12% so với cùng kỳ. Chiếm nhiều nhất là dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn tăng 1,49%, cho vay xuất khẩu tăng 5,28% và cho vay ngành công nghiệp hỗ trợ tăng đến 65,71%. Tăng trưởng tín dụng đối với khu vực doanh nghiệp khá tốt. Hiện có 1.445 doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với các ngân hàng thương mại. Dư nợ hiện đạt 17.434 tỷ đồng, chiếm 62,73% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn, tăng 4,2% so với đầu năm.

Ký kết hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp theo chương trình kết nối sáng 9.4.2015. Ảnh: T.D
Ký kết hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp theo chương trình kết nối sáng 9.4.2015. Ảnh: T.D

Kết quả khả quan này là nhờ các ngân hàng thương mại đã đưa ra nhiều sản phẩm tín dụng hấp dẫn. Chính sách, cơ chế cho vay thông thoáng và lãi suất ưu đãi hơn, tạo khá nhiều điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ngân hàng. Hiện các ngân hàng đang triển khai 29 gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp, bao gồm: chương trình “Kết nối khách hàng tiềm năng”, “Kết nối ngân hàng – nông nghiệp năm 2015” của Ngân hàng Công thương với lãi suất 4,5 – 9%/năm, gói tín dụng “Tài trợ vốn sản xuất kinh doanh bằng VNĐ lãi suất ưu đãi dành cho doanh nghiệp” của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu, lãi suất 6 – 8%/năm hay “Cho vay ưu đãi sản xuất kinh doanh năm 2015” của Ngân hàng Sài gòn Thương tín với lãi suất 7,5 - 10%/năm…

Theo ông Nguyễn Văn Diện – Giám đốc Chi nhánh NHNN Quảng Nam, các ngân hàng đã bắt đầu đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm phiền hà cho khách hàng vay vốn. Nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo khá nhiều điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay ngân hàng. Áp lực tăng trưởng dư nợ rất lớn nên các ngân hàng không còn “khắt khe”. Ngoài việc tiếp tục hạ lãi suất cho vay, các ngân hàng thương mại đã chủ động tìm kiếm khách hàng, tăng cường công tác tuyên truyền, mở rộng tiếp thị với nhiều hình thức nên tăng trưởng tín dụng trên địa bàn quý I.2015 đã đạt mức tương đối cao so với đầu năm, đáp ứng tốt nhu cầu tín dụng cho sự phát triển kinh tế tại địa phương. Dòng tiền không còn ngập ngừng trước các kênh đầu tư. Vốn đã dần chảy đến doanh nghiệp, đưa vào nền kinh tế đúng địa chỉ, hiệu quả hơn…

Tìm và chọn khách hàng

Bảy hợp đồng tín dụng tổng giá trị 80,79 tỷ đồng đã được 4 chi nhánh ngân hàng thương mại (Công thương, BIDV, MHB và Sacombank) ký kết với doanh nghiệp và chủ tàu cá sáng ngày 9.4, bao gồm: ký mới hợp đồng tín dụng 46,46 tỷ đồng, điều chỉnh tăng hạn mức tín dụng 16,3 tỷ đồng và bổ sung vốn lưu động 18,03 tỷ đồng. Cuộc ký kết này chỉ là một sự “đại diện” cho nỗ lực chia sẻ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, giúp ngân hàng đưa vốn vào thị trường, thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng tín dụng. Theo thống kê của Chi nhánh NHNN Quảng Nam, trong vòng 3 tháng qua, kết quả dư nợ chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp đã đạt 1.669 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 6,01%/tổng dư nợ cho vay trên địa bàn. Dư nợ cho vay mới chiếm tỷ trọng cao nhất với 93,88% dư nợ chương trình (1.567 tỷ đồng). Cơ cấu lại nợ chỉ chiếm tỷ trọng 6,11% (102 tỷ đồng). Ông Diện cho hay ngân hàng đã chủ động tiếp cận doanh nghiệp có uy tín, có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, hiệu quả, cam kết cấp tín dụng kịp thời. Tất cả doanh nghiệp tham gia chương trình kết nối được hưởng lãi suất ưu đãi, thuộc các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp của các ngân hàng thương mại đang triển khai năm 2015. Dòng vốn ưu đãi này sẽ tạo điều kiện hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để duy trì, phục hồi, giảm bớt khó khăn về vốn và chi phí lãi vay cho doanh nghiệp. Ông Nguyễn Hùng Cường – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư du lịch Hùng Cường vừa ký kết hợp đồng tín dụng 10 tỷ đồng với BIDV để kinh doanh nước khoáng và khu du lịch sinh thái Phú Ninh, cho rằng chương trình kết nối này đã tạo nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp tiết giảm chi phí, nâng sức cạnh tranh.

Cuộc ký kết này cho thấy ngân hàng đã nhìn vào tính khả thi của các dự án để quyết định cho vay. Năng lực quản trị, minh bạch tài chính và kế hoạch kinh doanh hiệu quả của từng doanh nghiệp sẽ quyết định đến mối quan hệ với ngân hàng. Suy cho cùng, ngân hàng cũng là doanh nghiệp kinh doanh tiền tệ. Tăng trưởng tín dụng hay không, không chỉ riêng ngân hàng “một mình, một chợ”, “quả bóng” không nằm trong chân ngân hàng mà phải phụ thuộc vào “sức khỏe” của nền kinh tế, doanh nghiệp và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chín cho rằng chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp thành công sẽ là giải pháp hiệu quả nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn vay ngân hàng. Hiện tại vốn vẫn là động lực lớn nhất cho tăng trưởng của Quảng Nam. Tuy nhiên, khi lãi suất liên tục hạ, nhưng vốn không ra được thị trường, cung cầu không gặp nhau đã trở thành mâu thuẫn. Tốc độ tăng trưởng tín dụng có nhưng không lớn. Hy vọng chương trình này sẽ là kênh hữu hiệu để đưa vốn vào sản xuất kinh doanh và nền kinh tế. Quan trọng là các ngân hàng và doanh nghiệp cần ngồi lại với nhau để tìm, chọn những doanh nghiệp có uy tín, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi để khơi dòng vốn chảy đúng địa chỉ. Nhưng nếu như các ngân hàng cứ vin vào các nguyên tắc, điều kiện tín dụng khắt khe mà không có những nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thì chương trình kết nối này sẽ không thể nào hiệu quả và thực chất!

TRỊNH DŨNG

TRỊNH DŨNG