Công nghiệp còn xa…

TRỊNH DŨNG 18/03/2015 09:20

Sau hơn 12 năm nỗ lực đầu tư, Quảng Nam chỉ có 4 tiêu chí đáp ứng và khả năng cũng chỉ có thể tăng thêm 2 tiêu chí đạt theo định hướng phát triển thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020. Đây là điều thực sự khó khăn khi muốn tìm một con đường nhanh nhất để thực hiện theo kế hoạch đã định.

Thiếu nhiều tiêu chí

Sau 6 năm chờ đợi, cầu Cửa Đại đã có thể thông xe kỹ thuật vào tháng 6 năm nay. Sự phát triển của các công trình giao thông không riêng gì cầu Cửa Đại đã kéo không gian địa lý các vùng miền gần lại, mở ra hy vọng đổi đời cho những cư dân nghèo trên các trục đường đã mở. Ngày 13.3.2015, ông Trần Văn Tri – Giám đốc Sở KH&ĐT công bố Quảng Nam đã hình thành được một hệ thống giao thông kết nối liên vùng và nội tỉnh. Cảng biển, đường bộ, sân bay… đủ để đáp ứng nhu cầu hoạt động xuất khẩu, vận chuyển sản phẩm đến các thị trường, các trung tâm tiêu thụ trong và ngoài nước. Không chỉ kết cấu hạ tầng giao thông, nỗ lực huy động các nguồn lực đẩy nhanh tốc độ xây dựng phát triển công nghiệp dịch vụ đã mang lại diện mạo mới cho địa phương thông qua việc hình thành các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, các đô thị; mạng lưới điện, cấp nước, bưu chính – viễn thông cũng đã dần hoàn thiện. Mạng lưới rộng khắp của 9 khu công nghiệp với 142 dự án đầu tư, 51 cụm công nghiệp hoàn chỉnh với 210 dự án cùng với 4.270 doanh nghiệp nội địa, 107 doanh nghiệp FDI đang hoạt động; 80% cơ giới hóa nông thôn từ khâu sản xuất đến thu hoạch nông, lâm, thủy sản… đã đưa giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng bình quân 18,3%/năm (2010 - 2015) và cơ cấu ngành công nghiệp chiếm tỷ lệ hơn 34,5% trong cơ cấu kinh tế. Hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng khá cao khi tăng bình quân 22%/năm và dịch vụ tăng bình quân 15,3%/năm. Khu vực ven biển và Hội An đã trở thành trung tâm du lịch Quảng Nam với đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm…

Cơ sở hạ tầng công nghiệp ngày càng gia tăng nhưng Quảng Nam vẫn chưa thể đạt được nhiều tiêu chí để phát triển thành tỉnh công nghiệp. Ảnh: T.D
Cơ sở hạ tầng công nghiệp ngày càng gia tăng nhưng Quảng Nam vẫn chưa thể đạt được nhiều tiêu chí để phát triển thành tỉnh công nghiệp. Ảnh: T.D

Tuy nhiên, theo ông Tri, hiện công nghiệp chủ yếu vẫn là gia công lắp ráp, chậm phát triển công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ, việc chuyển dịch cơ cấu nội bộ sản xuất ngành nông nghiệp, nông thôn còn khá chậm và tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với bình quân cả nước. Đó là chưa kể đến hơn 90% doanh nghiệp dân doanh vừa và nhỏ luôn gặp khó khăn trong huy động vốn, thiếu khả năng cạnh tranh, đổi mới công nghệ và đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất chỉ chiếm 0,56% trong GDP… Hiện tại, so với 10 tiêu chí theo kết luận của Tỉnh ủy (KL-TU số 101, ngày 14.8.2009) thì chỉ đạt được 3 tiêu chí về công nghiệp hóa (GDP bình quân đầu người, tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ giảm nghèo) và một tiêu chí xấp xỉ đạt là tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề. Dự kiến đến cuối năm 2020 cũng sẽ chỉ có 6 tiêu chí đạt gồm: GDP bình quân đầu người, tỷ trọng công nghiệp – dịch vụ, tỷ lệ lao động công nghiệp – dịch vụ, tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề và tỷ lệ giảm nghèo. Còn 4 tiêu chí không thể đạt được là tốc độ tăng GDP, tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp, tốc độ tăng giá trị ngành dịch vụ, tốc độ tăng giá trị xuất khẩu.

Chính quyền Quảng Nam xác nhận tốc độ đầu tư hạ tầng không mạnh bởi thiếu nguồn đầu tư, khó có thể đáp ứng các tiêu chí thành tỉnh công nghiệp như đã hoạch định. Nhiều chỉ tiêu, tiêu chí cơ bản thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại nhiều khả năng sẽ không thể đạt được vào năm 2020, đã buộc Quảng Nam không thể trì hoãn những cuộc cải cách, xác định ưu tiên phát triển hệ thống hạ tầng then chốt, hoàn thiện quy hoạch, chiến lược và cơ chế đầu tư dài hạn. Không ít những cuộc tranh cãi, phân vân từ các cơ quan quản lý khi tìm phương sách đi đến con đường công nghiệp đầy rẫy khó khăn như hiện tại.
Hiến kế

Ông Đinh Văn Đào – Cục trưởng Cục Thống kê cho rằng chính sự lệch pha giữa hai vùng đông - tây, sự thiếu vắng các chương trình phát triển cụ thể phía tây và chưa tạo ra được vùng động lực gỡ bỏ nút thắt về kinh tế đã làm chậm tốc độ giảm nghèo. Nếu xây dựng thành tỉnh công nghiệp thì lượng hóa phải khác nhau. Yêu cầu đầu tiên là phải có công nghệ cao, chế suất phải cao hơn 28 - 30% nhưng hiện chỉ có 6%  thì làm sao cho 30% để thành tỉnh công nghiệp? Cần chất lượng lao động và cải thiện năng suất. Khả năng thu hút, chuyển vùng, đưa tỷ lệ lao động nông nghiệp dưới 20% là hết sức khó khăn. “Hiện chưa có chính sách nào được ban hành, trừ chính sách phát triển hạ tầng mà hạ tầng thì có độ trễ rất lâu. Nếu cứ phát triển theo kinh tế hộ thì sẽ còn dai dẳng mới thành công. Vì thế, phải đưa được công nghiệp về nông thôn và dịch vụ thì mới may ra giảm được tỷ lệ này. Cần một cuộc cách mạng thực sự chuyển dịch lao động, làm rõ hàm lượng giảm nghèo và phát triển nông thôn mới là thực chất của công nghiệp hóa” - ông Đào nói.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đinh Văn Thu, Quảng Nam sẽ kiên trì mục tiêu xây dựng thành tỉnh công nghiệp. Chỉ cần đạt 85% tiêu chí là thành công. Chính quyền sẽ ưu tiên phát triển giao thông, thu hút công nghiệp hỗ trợ cơ khí ô tô, da giày, dệt may và cơ chế tập trung bồi thường giải phóng mặt bằng, phát triển đô thị, nâng cao chất lượng cây trồng, giảm nghèo nhanh và gia tăng đầu tư xã nông thôn mới. Nếu không thực hiện được điều này thì đừng mong gì đến công nghiệp hóa hay hiện đại hóa.

Theo ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương, phát triển công nghiệp đã theo bề rộng, cần tính đến chiều sâu. Theo kế hoạch 2016 – 2020, bình quân mỗi huyện có một cụm công nghiệp hoàn chỉnh. Không cần thiết mở thêm khu hay cụm công nghiệp. Nâng đầu tư cụm công nghiệp và làng nghề, giải quyết lao động nông thôn. Không nên quá chú trọng thu hút nhiều số lượng dự án đầu tư mà chỉ nên thu hút công nghệ hỗ trợ. Ngoài ô tô, dệt may thì thu hút dự án chế biến thủy sản ở vùng đông là hợp lẽ nhất.

Trong một góc nhìn khác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh nhấn mạnh điều đầu tiên và quan trọng là tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Lực lượng kinh tế này phát triển sẽ kéo theo đầu tư xã hội gia tăng. Việc định hướng nền tảng thành tỉnh công nghiệp có thể sẽ dài hơi. Có thể không đạt tiêu chí chung, nhưng tự địa phương xây dựng nên các tiêu chí cụ thể và giải quyết tốt lao động là được. Quan trọng nhất là cơ cấu công nghiệp, dịch vụ trong GDP, hàm lượng công nghệ cao, cơ cấu dân số đô thị và nông thôn cần phải được tính toán cho phù hợp. Phía cơ quan quản lý, ông Trần Văn Tri – Giám đốc Sở KH&ĐT nói công nghiệp hóa là điều tất yếu. Sự chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp và thu nhập bình quân đầu người chung đã dễ dàng đạt được trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, nếu tính đến một sự chuyển đổi cụ thể thì không thể chỉ 5 hay 6 năm là được mà cần thời gian dài hơn. Sự quan tâm chính là công nghiệp chế tạo, chế biến. Nhưng điều này hiện tại Quảng Nam đang thấp. Cơ chế chính sách chưa xác định được rõ nét. Quan tâm khuyến khích các ngành công nghiệp hỗ trợ địa phương có nhưng chỉ mới đặt vấn đề theo kiểu nói cho nhau nghe. Năm năm tới, việc thu hút chính sách, lao động, hạ tầng như thế nào thì vẫn còn là khoảng trống. Bộ KH&CN đưa ra 17 tiêu chí đánh giá tỉnh công nghiệp; Quảng Nam đưa ra 10 tiêu chí. Nếu áp dụng tiêu chí đánh giá của Bộ KH&CN thì khó vì không biết mình đang ở đâu. Không đủ sức để áp dụng đánh giá vì tất cả chỉ tiêu đều “dành” cho ở các nước phát triển. Theo ông Tri, đầu tư hạ tầng cần có một cuộc cách mạng để thay đổi. Cơ chế chính sách hỗ trợ công nghiệp hỗ trợ cơ khí, dệt may giao cho nhà đầu tư chất lượng, đủ năng lực tiến hành. Tất cả việc công nghiệp hóa sẽ định hướng cho sự phát triển kinh tế xã hội chứ không chỉ nêu lên con số ước định chỉ để cho vui. Không thể vì động lực phát triển mà muốn tất cả vùng, cái gì cũng đầu tư thì sẽ dàn trải, không hiệu quả khi nguồn lực địa phương còn hạn hẹp. Tất cả nỗ lực đều quan trọng nhưng nếu không cải thiện giao thông, môi trường đầu tư, hạ tầng sẽ đều bằng không. Lợi thế so sánh thấp nên cần gắn kết, kết nối giao thông cơ sở hạ tầng mặt bằng. Nếu không thì sẽ dậm chân...

TRỊNH DŨNG

TRỊNH DŨNG