Thay đổi chiến lược cải thiện môi trường đầu tư
Từ “một cửa liên thông” đến những cuộc tiếp doanh nghiệp định kỳ hàng tháng và mở cổng thông tin điện tử giải đáp thắc mắc doanh nghiệp được xem là những “sáng kiến” cải thiện môi trường đầu tư Quảng Nam. Song công luận vẫn rất cần một đánh giá cụ thể để hiểu rõ hơn hiệu lực từ những nỗ lực cải thiện của chính quyền và cơ quan quản lý.
“Hành xử” tốt với doanh nghiệp
Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy về cải thiện môi trường đầu tư, những “than phiền” của nhà đầu tư vẫn là câu chuyện cũ về thủ tục đầu tư. Giới doanh nghiệp đều muốn thấy sự thay đổi về cơ chế, chính sách, môi trường đầu tư, công khai, minh bạch các thủ tục đầu tư. Trước sức ép của sự thay đổi và mong muốn môi trường đầu tư Quảng Nam ngày một tốt hơn, UBND tỉnh đã liên tục ban hành cơ chế “một cửa liên thông” từ ngày 1.1.2014, mở những cuộc tiếp doanh nghiệp định kỳ vào ngày 5 hàng tháng và sẽ ra mắt cổng thông tin điện tử giải đáp thắc mắc doanh nghiệp trong vòng vài ngày tới. Theo nhận định của giới doanh nghiệp, nếu “sáng kiến” một cửa được đánh giá là khá thông thoáng khi nhà đầu tư chỉ nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết các thủ tục (cấp mới hay điều chỉnh, bổ sung) tại một đầu mối là bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc Ban Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp Quảng Nam (IPA), thì những cuộc đối thoại định kỳ đã mang lại khá nhiều thiện cảm của các nhà đầu tư và giới doanh nghiệp. Doanh nghiệp cho rằng “lịch sử” thu hút đầu tư của Quảng Nam đã bắt đầu sang trang khi nhà đầu tư, doanh nghiệp đã được tạo mọi điều kiện thuận lợi tối đa để mở những cuộc làm ăn lâu dài tại Quảng Nam. Họ không còn phải phân vân trước một rừng văn bản và không còn phải lâm vào cảnh loay hoay “lội qua” nhiều cửa mà chưa biết đâu là cánh cửa cuối cùng cho chuyện làm ăn hoặc những ẩn ức, day dứt của họ đã tìm thấy câu trả lời từ sự hỗ trợ của chính quyền và cơ quan quản lý. Các sáng kiến này là minh chứng rõ nhất cho việc chính quyền Quảng Nam luôn sát cánh, đồng hành với doanh nghiệp trong cuộc kinh doanh ngày càng khốc liệt và khó khăn này.
Quảng Nam đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại doanh nghiệp định kỳ vào ngày 5 hàng tháng để cải thiện môi trường đầu tư. Ảnh: T.D |
Nhiều doanh nghiệp đã tỏ ra phấn khích khi các kiến nghị về vay vốn, tài chính, dỡ bỏ lệnh phong tỏa, cưỡng chế hóa đơn thuế hay việc mở rộng nhà xưởng, thuê đất di chuyển nhà máy, xin cấp điện, đầu tư cơ sở hạ tầng… đã được chính quyền giải quyết kịp thời, nhanh gọn đến không ngờ. Chưa có một con số thống kê cụ thể mỗi ngày sẽ có bao nhiêu nhà đầu tư đến làm việc bởi số lượng nhiều hay ít, đông hay vắng ở các cuộc đối thoại tùy thuộc vào các dự án đầu tư hay thắc mắc của doanh nghiệp, nhưng ông Võ Văn Hùng - Trưởng ban Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp nói hiện tại các cơ chế ưu đãi gần như ngang nhau giữa các địa phương thì thái độ, cách hành xử tốt sẽ ảnh hưởng đến quyết định chọn địa điểm đầu tư của giới doanh nghiệp. Hơn một năm qua, mới chỉ là giai đoạn khởi động cơ chế “một cửa liên thông” và vài cuộc tiếp doanh nghiệp định kỳ được thực hiện… nhưng sự phối hợp trong việc tiếp nhận, luân chuyển, giải quyết hồ sơ giữa các sở, ban, ngành đã có hướng thuận lợi. Số lượng hồ sơ và số thủ tục đã tăng lên từng tháng. Các kiến nghị của doanh nghiệp đã được giải quyết khá nhiều. Sự thông thoáng các thủ tục đầu tư, yêu cầu của doanh nghiệp đã dần được xác lập, dần chấm dứt sự lòng vòng vì thiếu sự hợp tác giữa các sở, ban, ngành, địa phương và các cơ quan quản lý như thường thấy trước đây!
Xác lập chiến lược môi trường đầu tư
Nỗ lực tạo ra một môi trường đầu tư tốt của chính quyền và cơ quan quản lý là điều không cần bàn cãi. Các “sáng kiến” ra đời đã tạo được một hành lang pháp lý thông thoáng cho việc cải thiện môi trường đầu tư. Song mối quan tâm của công luận vẫn chính là sự kết hợp như thế nào giữa các cơ quan quản lý để các “sáng kiến” này vận hành một cách hoàn hảo vẫn đang là vấn đề đáng để lưu tâm. Ban Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp đã từng than phiền rằng cho dù “một cửa liên thông” hay đối thoại đã mang lại nhiều sự thiện cảm từ giới đầu tư nhưng sự thiếu hụt mặt bằng hay việc không thống nhất về giá đất ở các địa phương đã khiến khá nhiều nhà đầu tư đến khảo sát rồi... bỏ đi.
Một khi doanh nghiệp đến Quảng Nam tìm cơ hội đầu tư hay tìm đến các cuộc đối thoại thì có thể hiểu rằng trong nhiều trường hợp, tiếng kêu của họ đã không được cấp cơ sở lắng nghe đúng mức nên phải điều trần với cấp trên. |
Thiếu mặt bằng, quỹ đất sạch dành cho nhà đầu tư, thiếu một chiến lược thu hút đầu tư dài hạn đã làm chậm tốc độ thu hút đầu tư vào Quảng Nam. Thực tế, nhà đầu tư rất muốn nhìn thấy rõ ràng sự thay đổi về cơ chế, chính sách, môi trường đầu tư, công khai, minh bạch các thủ tục đầu tư. Tuy nhiên, hơn 14 tháng qua, sự vận hành các cơ chế này vẫn đang nằm trong giai đoạn thử nghiệm, rất cần một đánh giá cụ thể về hiệu lực của những cải cách này. Giới doanh nghiệp cho hay một khi đến Quảng Nam tìm cơ hội đầu tư hay tìm đến các cuộc đối thoại này có thể hiểu rằng trong nhiều trường hợp, tiếng kêu của doanh nghiệp đã không được cấp cơ sở lắng nghe đúng mức nên họ phải điều trần với cấp trên. Vì vậy điều quan trọng là những gì sẽ xảy ra sau những cuộc đối thoại như thế. Kết quả giải quyết rốt ráo những vẫn vấn đề cụ thể, thỏa mãn sẽ giúp gây dựng lòng tin nơi doanh nghiệp, người dân vốn đã quá mệt mỏi với sự thiếu trách nhiệm hay bế tắc, đồng thời cũng thể hiện rằng chính quyền không “đánh trống, bỏ dùi” hay không chỉ bằng những kết luận chung chung sau những cuộc đối thoại. Doanh nghiệp hy vọng nỗi “hàm oan” của họ sẽ được giải quyết hoặc chí ít cũng được giải thích thấu đáo theo đúng pháp luật hiện hành.
Vấn đề mấu chốt của doanh nghiệp chính là cải cách thủ tục hành chính. Nhưng điều quan trọng hơn nhiều lần chính là niềm tin vào sự công minh của luật pháp; là cách hiểu và áp dụng luật pháp một cách nhất quán; là niềm tin vào hệ thống và chính quyền tôn trọng theo “hợp đồng” đã cam kết. Trong khi chờ đợi những cơ chế mới nhằm cải thiện tình trạng lạm quyền, tùy tiện, việc này chính là công cụ hữu hiệu, giúp hạn chế tác hại của “vừa đá bóng, vừa thổi còi” của những cơ quan công quyền. Những ý phản biện trái chiều là điều hết sức tự nhiên và cần thiết, cần phải được lắng nghe. Vì thế, thành công của các “sáng kiến” này nằm ở thái độ lắng nghe và chất lượng những câu trả lời có được đáp ứng đúng mức cho yêu cầu của doanh nghiệp hay không. Một môi trường lập lờ sẽ không khuyến khích mà còn làm nản lòng các nhà đầu tư. Nếu điều này không thay đổi, ít khả năng thực hiện thì một cửa liên thông, đối thoại thường kỳ hay mở cổng thông tin điện tử vẫn chỉ mang tính hình thức và sẽ chẳng mang lại nhiều kết quả. Theo giới doanh nghiệp và ngay cả các cơ quan quản lý, một điều dễ thấy rằng tạo dựng được một môi trường kinh doanh đúng thông lệ quốc tế, dựa vào cán cân công lý để xây dựng niềm tin vào sự công minh của luật pháp, niềm tin kinh doanh cho các thương nhân thì việc cải thiện môi trường đầu tư, tăng chỉ số năng lực cạnh tranh của chính quyền địa phương là điều dễ thấy trong một ngày gần nhất ở tương lai...
TÂM CA