Chống chuyển giá, liệu có thành công?
Cục Thuế Quảng Nam công bố năm 2015 sẽ tiến hành thanh, kiểm tra tại trụ sở ít nhất 14,65% doanh nghiệp đang hoạt động, hướng về các doanh nghiệp có hoạt động liên kết, báo lỗ có dấu hiệu chuyển giá. Thế nhưng liệu công tác này có được triển khai hiệu quả khi đang có quá nhiều cản lực?
Kiểm tra diện rộng
Con số thuế được truy thu, nộp vào ngân sách nhà nước khoảng hơn 60,8 tỷ đồng từ kết quả của các cuộc thanh tra tại 73 doanh nghiệp và kiểm tra hơn 46.402 hồ sơ người nộp thuế gửi đến do Cục Thuế tiến hành năm 2014 cho thấy nỗ lực thanh, kiểm tra, giám sát của cơ quan này đã phát huy hiệu quả. Cho dù chưa có con số thống kê chính thức bao nhiêu doanh nghiệp báo lỗ hay số thuế phải truy thu từ các cuộc chống chuyển giá ở các doanh nghiệp FDI là bao nhiêu, nhưng cơ quan này công bố năm 2015 sẽ là năm đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra. Sẽ có ít nhất khoảng 14,65% số doanh nghiệp đang hoạt động được thanh, kiểm tra tại trụ sở. Khi công bố điều này, nghĩa là cơ quan thuế đã tỏ rõ quyết tâm “lập lại trật tự” pháp luật thuế, nhất là câu chuyện chống chuyển giá, vốn đã được đề cập khá nhiều năm và cũng tốn không biết bao nhiêu phương cách vẫn khó có thể thực hiện được, cho thấy cơ quan thuế đã bắt đầu nghi ngờ chuyển giá ở các doanh nghiệp FDI khi không ít doanh nghiệp báo lỗ hoặc lãi rất thấp nhưng doanh thu hàng năm vẫn tăng, liên tục mở rộng đầu tư và chiếm thị phần xuất nhập khẩu cao nhất trong các ngành sản xuất công nghiệp, dịch vụ tại Quảng Nam.
Kiểm tra hàng hóa để chống thất thu thuế. Ảnh: T.P |
Trên thực tế, không thiếu các quy định để tiến hành thanh, kiểm tra chống chuyển giá. Có thể kể đến Luật Quản lý thuế sửa đổi có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2013, đã có bổ sung vào cơ chế thỏa thuận giá trước, được xem là một phương pháp xác định giá để chống chuyển giá ở các doanh nghiệp FDI. Theo thống kê kinh tế, hiện có đến 60% tổng lượng giao thương toàn cầu là do các doanh nghiệp mua bán nội bộ với nhau nên các nguyên tắc chống chuyển giá đã được hình thành khá rõ ở nhiều nước và tổ chức quốc tế. Một trong những biểu hiện cụ thể là mọi giao dịch phải tuân thủ theo nguyên tắc “giá thị trường”. Các giao dịch giữa công ty mẹ và công ty con cũng phải được định giá như là giao dịch trên thị trường cạnh tranh giữa hai thể nhân độc lập với nhau. Nếu giá được khai quá thấp hay quá cao so với giá thị trường, cơ quan thuế có quyền yêu cầu tính lại và doanh nghiệp phải có trách nhiệm chứng minh đã tuân thủ nguyên tắc giá thị trường qua hồ sơ xác định giá…
Khó thực hiện
Không phải đến bây giờ, hiện tượng chuyển giá mới bắt đầu diễn ra. Câu chuyện chuyển giá của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các công ty đa quốc gia tìm mọi cách để tránh đóng thuế đã trở thành hiện tượng phổ biến. Theo nhận định của cơ quan quản lý, nếu có chuyển giá thì sẽ thể hiện và được xác định qua những yếu tố như: giá trị dây chuyền sản xuất, nguyên phụ liệu mua từ công ty mẹ, chi phí bản quyền, chi phí cho quảng cáo… Nói chung là phụ thuộc vào kết quả kiểm tra của khá nhiều yếu tố, nhưng rõ nhất là việc xác định cho được giá trị thực của dây chuyền hay nguyên liệu bảo đảm đầu vào như thế nào thì tầm cơ quan thuế địa phương không thể biết được do không có cơ sở đối chiếu. Hiện chỉ có cấp Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính phối hợp với cơ quan ở nước ngoài để được cung cấp số liệu về giá thành sản xuất rồi mới có thể xác định chuyển giá như thế nào… Đó là điều rất khó!
Hiện tại, hàng năm, cơ quan thuế vẫn đang tiến hành các cuộc thanh, kiểm tra nhưng có lẽ vẫn chỉ là những cuộc thanh, kiểm tra thông thường mà chưa thể và chưa đủ cơ sở để áp dụng các biện pháp nghiệp vụ về chống chuyển giá và các kết luận có chuyển giá hay không bởi còn thiếu quá nhiều chứng cứ xác thực. Không ít những câu hỏi đã được đặt ra rằng nguyên tắc và công cụ đã có, cơ quan thuế có thừa quyết tâm để tiến hành những cuộc thanh, kiểm tra cụ thể về chống chuyển giá ở các doanh nghiệp FDI, nhưng liệu cơ quan quản lý sẽ đấu tranh ra sao để truy thu hoàn thuế cho ngân sách nhà nước, khi biểu hiện chuyển giá ngày càng tinh vi hơn. Cơ quan thực thi pháp luật thuế liệu có đủ nhân lực, trình độ và khả năng ngoại ngữ để thúc đẩy việc áp dụng hay không? Internet và các cơ sở dữ liệu là những trợ thủ đắc lực cho công tác chống chuyển giá có được coi trọng và phát huy? Ngoài ra, cơ quan thuế địa phương sẽ làm thế nào để việc liên lạc, phối hợp với cơ quan thuế nơi công ty có vốn đầu tư nước ngoài kê khai thu nhập chính được tiến hành một cách hoàn hảo để tìm ra lỗ hổng “tránh thuế” của các doanh nghiệp này. Một khi không thể hay chưa thể tìm ra biện pháp hữu hiệu thì chuyển giá vẫn sẽ là câu chuyện đau đầu của các cơ quan quản lý…
TÙY PHONG