Cái khó của ngành thuế
Cục Thuế Quảng Nam công bố năm 2015 sẽ gia tăng các biện pháp cưỡng chế để thu nợ đọng thuế tối thiểu 80%, bảo đảm số nợ thuế sẽ chỉ không quá 5% trên tổng số thuế phải thu.
Nợ thuế gia tăng
Hai công ty khai thác, sản xuất vàng Phước Sơn và Bồng Miêu nợ gần 300 tỷ đồng thuế gây xôn xao dư luận. Nhiều cuộc làm việc, thanh tra, giám sát của các cơ quan công quyền lẫn kiến nghị của ngành thuế nhưng hiện vẫn chưa có kết quả cuối cùng. Những người có trách nhiệm của Cục Thuế Quảng Nam cho hay doanh nghiệp vin lý do mỏ cũ không còn trữ lượng, nếu cho mở mỏ mới sẽ trả nợ. Cơ quan thuế và chính quyền Quảng Nam yêu cầu doanh nghiệp xử lý nợ thuế, tiếp tục thi hành lệnh cưỡng chế thuế và kiên quyết không cho doanh nghiệp mở rộng mỏ khi chưa trả xong nợ.
Hướng dẫn người nộp thuế thực thi pháp luật. Ảnh: T.D |
Số thuế nợ của hai công ty vàng hiện tại cũng chỉ là một lát cắt lớn, rõ nhất của việc doanh nghiệp nợ thuế tại Quảng Nam. Cục Thuế Quảng Nam thừa nhận mặc dù đã rất tích cực trong việc quản lý, thu nợ nhưng số nợ thuế ngày càng có dấu hiệu tăng cao. Thống kê của Cục Thuế cho thấy, năm 2014 cơ quan này đã thông báo hơn 60.831 lượt tiền thuế nợ và tiền phạt chậm nộp, mời làm việc 985 lượt, đôn đốc bằng điện thoại hơn 27.563 lượt, 2.041 lượt biện pháp khác, tiến hành cưỡng chế bằng biện pháp trích tài khoản ngân hàng 907 lượt và thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng 136 lượt. Tuy nhiên, con số nợ thuế năm 2013 chuyển sang chỉ thu được 287,4 tỷ đồng, đạt 56% nợ có khả năng thu. Số nợ đọng phải thu chưa hoàn tất khi có đến 17/19 đơn vị không hoàn thành chỉ tiêu thu nợ, tổng số nợ thuế đến cuối năm 2014 đã gia tăng đến 827,1 tỷ đồng. Chiếm cao nhất là số nợ trên 90 ngày khoảng 540,7 tỷ đồng, nợ đến 90 ngày 124,9 tỷ đồng, nợ chờ xử lý 45,3 tỷ đồng và nợ khó thu khoảng 116,2 tỷ đồng.
Theo ông Lê Mai Khắc Hưng – Phó cục trưởng Cục Thuế Quảng Nam, sự tồn tại dai dẳng của nợ thuế chủ yếu do nhiều doanh nghiệp nợ thuế lớn, dừng hoạt động kéo dài nhưng không làm các thủ tục giải thể, phá sản, xử lý tài sản để giải quyết nợ thuế, dẫn đến nợ thuế ngày càng gia tăng. Có khá nhiều trường hợp doanh nghiệp thành lập doanh nghiệp mới để hưởng ưu đãi thuế, trốn nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp cũ… Tuy nhiên, sự phối hợp giữa cơ quan thuế với các cơ quan, ban, ngành, chính quyền địa phương còn hạn chế trong việc ngăn chặn doanh nghiệp trốn thuế và xử lý nợ đọng kịp thời. Cơ quan thuế cũng chưa đa dạng hóa các biện pháp hành chính để thu hồi nợ…
Kiên quyết thực thi pháp luật
Ông Ngô Bốn – Cục trưởng Cục Thuế Quảng Nam cho rằng ngoài nỗ lực và sự kiên quyết của ngành thuế, một trong nhiều cơ sở để thu hồi số nợ đọng là Nhà nước cần dốc ngân sách ra để thanh toán nợ cho nhà thầu mà Nhà nước nợ xây dựng cơ bản. Điều đó sẽ vừa giảm được cả nợ xây dựng cơ bản, vừa giảm được nợ thuế. |
Không thể trông chờ vào các khoản tăng thu đột biến, nên cơ quan thuế chỉ có thể dựa vào khả năng tăng trưởng của số thu nội địa và thu hồi nợ đọng thuế. Cục Thuế Quảng Nam cho biết sẽ dốc toàn lực để thu hồi số thuế nợ lưu cữu từ nhiều năm qua khi quyết định cưỡng chế nợ thuế để thu khoảng 80% số nợ thuế năm 2014 chuyển sang và khống chế chỉ còn không quá 5% số nợ thuế trên tổng số thuế phải thu. Cục Thuế Quảng Nam cho biết, để xử lý tồn tại này sẽ phải rà soát, phân tích loại nợ, danh sách doanh nghiệp cố tình chây ì hoặc không còn kinh doanh tại điểm đăng ký, xác định chính xác số doanh nghiệp ngừng hoạt động, nghỉ kinh doanh, bỏ trốn, “mất tích” để phối hợp với các cơ quan, ban ngành, chính quyền địa phương để xử lý theo quy định của pháp luật và kịp thời thu hồi tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước. “Sẽ giao chỉ tiêu thu nợ hàng tháng cho từng bộ phận, từng cán bộ để phân tích, đánh giá và đề xuất nhiều biện pháp hữu hiệu khác nhau, gia tăng sự kết hợp liên ngành để thu nợ và cưỡng chế nợ thuế” - ông Lê Mai Khắc Hưng nói.
Cơ quan thuế đã tỏ rỏ sự kiên quyết thực thi pháp luật, lập lại trật tự công tác thu thuế. Biện pháp cụ thể đã được đưa ra, nhưng có thu được như kế hoạch hay không thì không chỉ mình cơ quan thuế làm được. Không ít lần cơ quan này đã kêu gọi các cấp thẩm quyền xử lý dứt điểm số nợ thuế do doanh nghiệp thua lỗ, công trình vốn nhà nước chậm thanh toán hoặc doanh nghiệp chờ xử lý miễn, giảm, xóa nợ tiền thuê đất…, nhưng vẫn chưa nhận nhiều ý kiến cụ thể, khiến nhiều số nợ thuế “treo”, kéo theo việc tiếp tục gia tăng tiền phạt chậm nộp… Đây chính là điều khó khăn hiện tại của ngành thuế. Ông Nguyễn Ngọc Sơn – Chi cục trưởng Chi cục Thuế Đại Lộc cho biết cơ quan này đã dùng biện pháp cưỡng chế 17 tỷ đồng nợ thuế của 27 doanh nghiệp nhưng không thể thu được. Số thuế nợ này có khả năng bị mất. “Diễn biến thu nợ rất phức tạp. Doanh nghiệp cố tình dây dưa, không chịu hợp tác, cơ quan thuế cũng không có cách gì để kểm soát hết việc dừng doanh nghiệp cũ, thành lập hay mua lại doanh nghiệp khác để kinh doanh, quên chuyện nợ thuế. Cần có những giải pháp mạnh hơn mới có thể thu hồi số nợ đọng này vào ngân sách nhà nước” - ông Sơn nói.
TRỊNH DŨNG