Mở và đóng mỏ khoáng sản

TRẦN HỮU 03/02/2015 09:06

Để “đóng” các mỏ khoáng sản, thời gian qua cơ quan chức năng của tỉnh đã sát hạch kỹ giấy phép, thẩm định chặt chẽ đánh giá tác động môi trường, đấu giá quyền sử dụng khoáng sản đúng luật định, kiên quyết đóng mỏ tái diễn vi phạm.

Trước tết, nạn xâm hại tài nguyên khoáng sản tái diễn rầm rộ.
Trước tết, nạn xâm hại tài nguyên khoáng sản tái diễn rầm rộ.

Cẩn trọng khai mỏ

Đến nay, còn 78 giấy phép khai thác khoáng sản (KTKS) hoạt động trên địa bàn tỉnh có hiệu lực (gồm 12 giấy phép thuộc thẩm quyền Trung ương và 66 do UBND tỉnh cấp). Bốn năm qua, hầu như UBND tỉnh không cấp mới một giấy phép khai thác khoáng sản vàng nào; toàn bộ doanh nghiệp hết thời hạn hoạt động đã đóng mỏ. Các dự án nhạy cảm về môi trường được kiểm tra thực tế trước khi thẩm định thủ tục hồ sơ, mời chuyên gia có nhiều kinh nghiệm tư vấn. Riêng năm 2014, các ngành chức năng của tỉnh thẩm định, phê duyệt 16 hồ sơ đánh giá tác động môi trường và đề án cải tạo, phục hồi môi trường của các dự án KTKS. Công khai, minh bạch đấu giá, thu tiền cấp quyền KTKS theo quy định của Chính phủ là chủ trương được Quảng Nam thực hiện. Theo đó, UBND tỉnh ra 25 quyết định phê duyệt tiền cấp quyền KTKS với gần 20 tỷ đồng. Tất cả dự án tham gia hoạt động KTKS thuộc thẩm quyền địa phương đều phải đấu giá quyền khai thác, ngoại trừ các trường hợp như được UBND tỉnh cho phép thăm dò, đánh giá địa chất - khoáng sản từ ngày 14.1.2015 trở về trước; cung cấp vật liệu thi công mở rộng dự án quốc lộ 1, đường cao tốc Quảng Ngãi – Đà Nẵng; cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến khoáng sản đã đầu tư nhưng chưa có nguồn nguyên liệu hoặc nguyên liệu sắp hết.

Hạn chế mở rộng tọa độ, địa điểm khai thác, thời gian qua ngành khai khoáng tập trung đẩy mạnh đầu tư các dự án chế biến sâu, ưu tiên thu hút các dự án đầu tư KTKS có sử dụng công nghệ cao. Từ chiến lược trên, UBND tỉnh nhất quán ưu tiên lựa chọn doanh nghiệp có kinh nghiệm, năng lực, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao để cấp phép. Ngược lại, hạn chế, tiến đến chấm dứt xuất khẩu khoáng sản thô hoặc chỉ qua sơ chế. Nhiều doanh nghiệp đến nay đã bỏ ra hàng trăm tỷ đồng mua sắm thiết bị tiên tiến, xây dựng nhà máy chế biến sâu như nhà máy xi măng Thạnh Mỹ của Công ty CP Xuân Thành Group, nhà máy chế biến titan của Công ty CP Khoáng sản Đất Quảng - Chu Lai, nhà máy sản xuất kính nổi Chu Lai của Công ty CP Kính nổi Chu Lai, nhà máy sản xuất sô đa Chu Lai của Công ty CP Sản xuất sô đa Chu Lai, nhà máy chế biến bột silica…

Lỏng lẻo

Năm nào trước Tết Nguyên đán cũng rầm rộ tình trạng KTKS trái phép. Chính quyền các địa phương miền núi tăng cường truy quét ở các “tọa độ nóng” nhưng thực tế vẫn không ngăn chặn triệt để. Những ngày cuối tháng 1, tổ công tác cơ động đặc biệt của huyện Bắc Trà My bất ngờ đột kích vào các khu vực khai thác thiếc thuộc địa bàn các xã Trà Tân, Trà Sơn, Trà Giang. Riêng tại khu vực Dốc Dẻ và thác 5 tầng (xã Trà Giang), lực lượng phát hiện 5 lán trại, 140m2 bạt xanh, các thiết bị, dụng cụ đãi quặng. Mở rộng khu vực kiểm tra tại Đá Bàng (thuộc xã Trà Sơn), Nước Oa (xã Trà Tân), tổ công tác phá thêm 6 khung, lán trại cùng nhiều hệ thống máy móc phục vụ lấy quặng thiếc. Tổ công tác địa phương nhận định, tình hình xâm hại tài nguyên dịp trước tết rất nóng bỏng, với lực lượng và cách thức truy quét như hiện nay không thể đẩy đuổi hết đối tượng ra ngoài rừng được.

Lực lượng chức năng phá hủy lán trại lập trái phép trong Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, địa phận Nam Giang. Ảnh:  TRẦN HỮU
Lực lượng chức năng phá hủy lán trại lập trái phép trong Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, địa phận Nam Giang.

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Sở NN&PTNT là cơ quan đầu mối, thành lập nhiều tổ công tác đánh phá các điểm tận thu lâm sản, khoáng sản trái phép trước dịp tết. Vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh và các “điểm nóng” cửa ngõ ra vào vùng phòng hộ, đặc dụng vùng giáp ranh các huyện trong tỉnh, giữa tỉnh Quảng Nam với TP.Đà Nẵng, Quảng Nam với Quảng Ngãi và Kon Tum đang được lực lượng chức năng canh gác, phối hợp truy quét. Đi đôi với kế hoạch, chiến dịch tuyên chiến với vàng tặc, công tác thanh tra, kiểm tra các dự án KTKS cũng đang triển khai rốt ráo. Gần đây, Sở Tài nguyên - môi trường đã tham mưu UBND tỉnh ra quyết định xử phạt hành chính hơn 462 triệu đồng đối với các đơn vị sai phạm.

Đề cập hạn chế trong công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động KTKS ở các doanh nghiệp, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn, sai sót phổ biến là các dự án chưa lập bản đồ hiện trạng mỏ; bổ nhiệm giám đốc điều hành mỏ, cắm mốc ranh giới mỏ ngoài thực địa chưa đảm bảo quy định; không báo cáo định kỳ hoạt động KTKS; chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước. Sử dụng lao động, thực hiện không đầy đủ chế độ, chính sách đối với người lao động. “Nhiều đơn vị KTKS không đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, chưa bố trí khu vực lưu chứa chất thải nguy hại, hợp đồng với đơn vị có chức năng xử lý chất thải nguy hại theo quy định…” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn khẳng định.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU