Làng "chạy lũ" hồi sinh
Trải qua bao thăng trầm với hành trình di dời tránh lũ, ngôi làng Mỹ Thuận (xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc) nằm nép mình bên dòng sông Vu Gia bên lở bên bồi giờ đây đã bắt đầu nảy mầm sự sống.
Làng “chạy lũ”
Chẳng biết tự đời nào, cứ hễ nhắc đến ngôi làng Mỹ Thuận, người dân trong vùng rốn lũ Đại Lộc lại mặc nhiên gán cho cái tên làng “chạy lũ”. Ngược dòng chảy thời gian trở lại những năm 80 của thế kỷ trước, Mỹ Thuận vốn dĩ là vùng đất thanh bình, nơi được xem là “đất lành chim đậu” bởi bà con nông dân ở đây luôn tự hào vì đã khai sinh ra giống khoai lang Canh Nông độc nhất vô nhị, thậm chí tạo nên thương hiệu vang tiếng khắp dải đất miền Trung lúc bấy giờ. Cụ Nguyễn Thị Thả (81 tuổi) hồi tưởng: “Ngày trước nói tới làng Mỹ Thuận là nói tới củ khoai Canh Nông. Giống khoai này do tổ tiên hàng trăm năm trước truyền lại cho con cháu và điều lạ là chỉ có đất của làng mới trồng được loại khoai này. Cả làng ngày ấy sống dựa cả vào cây khoai, bà con ăn nên làm ra cũng nhờ củ khoai mua may bán đắt, chứ trông chờ vào cây lúa thì có nước đói bởi hạt lúa không thể nảy mầm trên vùng đất cát”.
Niềm vui của người nông dân làng Mỹ Thuận khi đu đủ được mùa, được giá.Ảnh: Tam Ca |
Mỗi năm, người làng Mỹ Thuận lại chứng kiến cảnh dòng sông Vu Gia gầm gào mỗi đợt lũ tràn, nuốt chửng nhà cửa rồi tàn phá mùa màng. Cứ theo chu kỳ, độ đến tháng 9, tháng 10, người dân làng Mỹ Thuận lại dắt díu nhau rời làng chạy tránh lũ. Hành trình chạy lũ gắn chặt với ngôi làng này từ năm này qua năm nọ. Căn nguyên cái tên làng “chạy lũ” cũng từ đó mà ra. Dõi ánh mắt xa xăm về vị trí đoạn sông Vu Gia ngày trước là nơi cất nhà của một nửa số hộ dân trong làng, ông Phan Văn Ha, trưởng thôn Mỹ Thuận, kể lại: “Bắt đầu từ năm 1980, mỗi đợt lũ hung dữ tràn về lại khoét sâu vào bờ và tàn phá nhà cửa, vườn tược. Chỗ khúc sông uốn một đường vòng cung hồi đó toàn những ngôi nhà san sát nhau. Dần dần nhà này tiếp đến nhà kia bị đoạn sông nuốt chửng. Dưới đáy sông bây giờ vẫn còn hàng trăm nền móng nhà. Và người dân trong làng từ người già đến con trẻ vẫn nhớ như in trận lũ kinh hoàng năm 1999, lũ dâng cao bất ngờ và đạt đỉnh đã cuốn phăng hầu như tất cả tài sản mà bà con chắt chiu dành dụm”.
Làng tiêu tan chỉ trong nháy mắt khiến người dân ly tán. Kẻ tha hương cầu thực, người quyết tâm bám trụ lại địa phương và bắt đầu với cuộc di cư về chỗ ở mới cách làng cũ chừng 2 cây số. Làng cũ xóa sổ, người trong làng buồn rười rượi. Họ đâu buồn vì nhà cửa tiêu tan, ruộng vườn hóa thành sông mà còn vì giống khoai Canh Nông một thời đổi cơm nuôi sống cả làng đã đánh một dấu chấm tuyệt chủng. Nhắc đến đây, trên khuôn mặt già nua của cụ Thả bỗng biến sắc, cụ luyến tiếc: “Của cải mất thì có thể làm ra được chứ giống khoai Canh Nông một khi đã mất gốc thì chẳng biết đâu mà nhân giống. Chừ tui vẫn nhớ mãi cái vị ngọt bùi, mùi thơm lừng của củ khoai có màu đỏ nhạt mà ăn hoài không thấy ngán. Cơn lũ đã cướp đi của làng kế sinh nhai tự bao đời, cái giống khoai duy nhất làng Mỹ Thuận mới có thì nay chỉ còn trong tưởng tượng”.
Làng “chạy lũ” bây giờ đã được phủ mầm xanh của cây trồng và một trang trại nuôi bò tập trung. |
Hồi sinh
Sau cơn lũ năm 1999, trên khu đất mới do địa phương bố trí ở thôn Mỹ Liên, nhà của các hộ dân “xuất xứ” từ làng Mỹ Thuận được dựng lên. Phần lớn người trong làng ngày ấy đã khăn gói bỏ xứ lập nghiệp khắp nơi, chỉ còn trên dưới trăm hộ mặn mòi ở lại với hy vọng tìm đường mưu sinh ngay trên mảnh đất chôn rau cắt rốn. Chôn chặt ký ức về cái nơi mà có lúc gọi là vùng đất “chết”, người dân làng Mỹ Thuận cố gắng hòa nhập với cuộc sống mới. Họ quần quật với cây lúa, cây bắp kiếm sống qua ngày nhưng cái nghèo, cái khổ vẫn cứ đeo đẳng. “Khổ cực cứ như sợi dây bám riết lấy bà con. Hồi mới về làng mới từng lon gạo, từng tấm áo được người làng chia sẻ cho nhau. Có lẽ nhờ thế mà sau này làng đã vượt qua giai đoạn khó khăn” - ông Ha bộc bạch.
Khi chỗ ở mới dù đã an cư nhưng chưa lạc nghiệp, người làng Mỹ Thuận lại đau đáu nhớ về làng cũ. Để rồi chính nỗi nhớ khôn nguôi ấy, bà con lại một lần nữa tìm về chốn cũ với hy vọng vùng đất “chết” một thời sẽ hồi sinh. Một hộ, hai hộ rồi nguyên cả làng gần 130 gia đình đã rủ nhau vượt đoạn sông chia cắt làng ngày ấy và bắt đầu gieo cấy mầm xanh của những đu đủ, đậu ve, thuốc lá… Và sau 5 năm tìm đường thoát nghèo ở đất cũ, bà con mừng hơn bắt được vàng khi các loại cây trồng này phù hợp với vùng đất từng chỉ trồng được giống khoai Canh Nông. Len lỏi giữa vườn đu đủ sum sê quả rộng 4ha, ông Doãn Tường, một nông dân trồng đu đủ nhiều nhất ở làng Mỹ Thuận, không giấu niềm hân hoan trên khuôn mặt sạm đen vì nắng gió. Vừa hái từng quả đu đủ đang chuyển màu vàng chín cho vào sọt, ông Tường vừa vui vẻ khoe: “Đu đủ năm nay vừa được mùa lại được giá. Thời điểm này năm ngoái giá đu đủ chỉ ở mức 3 - 4 nghìn đồng/kg, năm nay giá tăng vọt lên 7 nghìn đồng. Đã lâu lắm rồi bà con mới thu hoạch mùa vụ đạt năng suất cao như thời trồng khoai Canh Nông. Quả thực đất đã hóa lành và đem đến ấm no cho bà con”.
Không chỉ có những hàng đu đủ sai quả, lá cây thuốc xanh ngắt một màu hay vườn đậu ve trĩu trái trải dài hun hút, một trang trại nuôi bò tập trung với 150 con bò của hơn 30 hộ dân làng Mỹ Thuận đang phát triển nhanh nhờ nguồn thức ăn dồi dào sẵn có. Một mô hình trồng trọt, chăn nuôi tập trung với sự kết hợp của cả làng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nở nụ cười mãn nguyện sau bước ngoặt thay đổi cuộc sống bà con, ông trưởng thôn tiên phong tìm về vùng đất tổ tiên để canh tác sản xuất, thổ lộ: “Nhờ biết trồng trọt, chăn nuôi đạt hiệu quả, đời sống bà con đã khá giả hơn trước rất nhiều. Mỗi tháng người làng có thu nhập từ 2,5 - 3 triệu đồng/người, điều mà trước đây nằm mơ cũng không thấy”. Ông Đặng Văn Lộc, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Nghĩa cho biết, làng Mỹ Thuận bây giờ đã có bước chuyển mình mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, nhất là mô hình chăn nuôi bò tập trung mang lại hiệu quả cao. Làng đã được UBND tỉnh công nhận là làng văn hóa cấp tỉnh 5 năm liền.
Giờ đây, nhắc đến làng Mỹ Thuận, người ta đã không còn khơi lại ký ức đau buồn nữa. Cái tên làng “chạy lũ” bây giờ đã được thay bằng những cái tên như làng “đu đủ” hay làng “nuôi bò tập trung”. Và bà con cũng chấm dứt hành trình mải miết đi tìm mầm xanh của sự sống bởi họ đang hồi sinh mạnh mẽ trên vùng đất “chết”.
TAM CA