Giá hàng tết chưa biến động

CHIÊU THỤC ANH 30/01/2015 08:35

Đây là khoảng thời gian cao điểm mua sắm tết của người dân nên những cơ sở thương mại bung lượng hàng dự trữ trước đó ra phục vụ nhu cầu người tiêu dùng, tìm cách thu hồi vốn. Thế nhưng, theo nhận định của người bán lẫn người mua, đã qua mùng 10 tháng Chạp âm lịch nhưng giá cả hàng hóa vẫn ổn định.

Dồi dào hàng tết

Theo báo cáo của Sở Công Thương, đến thời điểm này, tổng giá trị hàng hóa mua vào của 4 doanh nghiệp và 3 hộ cá thể nhận hỗ trợ lãi suất của UBND tỉnh là hơn 62 tỷ đồng. Các mặt hàng bao gồm: gạo 80 tấn, nếp 15 tấn, dầu ăn 450.000 lít, bánh kẹo mứt 20 tấn, đường 450 tấn, thịt heo – bò - gà 20 tấn, rau - củ - quả 130 tấn và các loại hàng hóa khác như thực phẩm, công nghệ, đồ dùng gia đình, hàng may mặc… Các doanh nghiệp đang triển khai bán hàng tại 19 điểm bán phục vụ miền núi, 22 điểm bán phục vụ đồng bằng. “Bên cạnh đó, chúng tôi đã khuyến khích các nhà bán lẻ lớn như Co.opMart Đà Nẵng, Big C tổ chức các phiên bán hàng lưu động gắn với đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm phục vụ nhân dân mua sắm tết” - ông Nguyễn Quang Lâm, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) cho biết.

Người tiêu dùng mua sắm tết tại siêu thị Co.opMart Tam Kỳ. Ảnh: C.T.A
Người tiêu dùng mua sắm tết tại siêu thị Co.opMart Tam Kỳ. Ảnh: C.T.A

Là siêu thị lớn nhất tỉnh nên Co.opMart Tam Kỳ đã đầu tư hơn 70 tỷ đồng để dự trữ lượng lớn hàng hóa phục vụ tết. Theo bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc siêu thị Co.opMart Tam Kỳ, nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng trong mùa cao điểm mua sắm cuối năm và dịp Tết Ất Mùi 2015, siêu thị đã tăng lượng hàng thiết yếu lên gấp 3 - 4 lần so với những tháng kinh doanh bình thường. Siêu thị Co.opMart Tam Kỳ đã triển khai kế hoạch nhằm chủ động nguồn cung từ rất sớm và tập trung vào những mặt hàng sản xuất trong nước như thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, hàng may mặc, hàng gia dụng và đồ uống. Tổng lượng hàng hóa cung ứng cho 3 tháng trước trong và sau tết được dự trữ trong dịp này khoảng 600 tấn, tăng khoảng 16 - 20% so với cùng kỳ. Trong đó từng nhóm hàng có độ tăng trưởng khác nhau, 15 - 25%, dự kiến tăng cao nhất ở nhóm nước ngọt, bia, trái cây. Siêu thị cũng lên kế hoạch nhập rau an toàn, dự kiến số lượng gấp 3 lần so với ngày thường gồm các loại cải ngọt, cải xanh, súp lơ, su hào, bí… Những mặt hàng này được lấy từ nguồn Hợp tác xã Rau sạch Mỹ Hưng và tỉnh Lâm Đồng. Để tạo thuận lợi cho người tiêu dùng trong việc mua sắm tết, siêu thị cũng sẽ mở quầy trưng bày và bán các mặt hàng như bánh, mứt, kẹo, rượu, bia… ngay trước cổng chính.

Giá cả ổn định

Theo khảo sát của chúng tôi, trong  mấy ngày gần đây giá cả của một số mặt hàng, nhóm thiết yếu vẫn khá bình ổn, gần như chưa bị tác động bởi lý do “hàng tết” như mọi năm. Gạo các loại vẫn giữ giá hoặc tăng nhẹ 200 - 300 đồng/kg, cụ thể gạo tẻ thường 9.500 - 10.000 đồng/kg, gạo thơm 10.000 - 13.000 đồng/kg… Thực phẩm tươi sống cũng khá ổn định, gà ta còn sống từ 86.000 - 95.000 đồng/kg, thịt bò đã có nhỉnh đôi chút nhưng tùy vùng mà dao động ở mức 270.000  - 280.000 đồng/kg (cách đây hơn một tháng thịt bò thường ở mức 260.000 - 265.000 đồng/kg).  Riêng  thịt  heo vẫn ở mức giá cũ dù giá heo hơi trên thị trường giảm sâu. Theo nhận định của người chăn nuôi và buôn bán thịt heo, nguyên nhân chính là nguồn cung  dồi dào, trong khi sức mua vẫn không tăng. Bên cạnh đó, tâm lý của nhiều người lo ngại dịch heo tai xanh nên hạn chế ăn thịt heo, dù đợt dịch vừa qua đã được người dân và cơ quan chức năng ngăn chặn kịp thời, không ảnh hưởng đến chất lượng thịt heo. Giá các loại hải sản đến hôm nay cũng chưa bị “làm giá”, nếu mọi năm 1kg cá thu có giá 250.000 - 300.000 đồng/kg thì nay vẫn ở mức 185.000 - 210.000 đồng/kg. Các loại thực phẩm công nghiệp nhìn chung ít biến động, đường trắng là 18.000 - 20.000 đồng/kg, bột ngọt A-One có giá 55.000  - 56.500 đồng/kg, nước mắm Chin-su Nam Ngư 19.500 - 20.000 đồng/chai.

Theo ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương, giá cả các loại hàng hóa từ thực phẩm tươi sống đến công nghiệp đều ổn định do tác động của nhiều yếu tố, trong đó nguồn cung ổn định lẫn chi phí vận chuyển thấp vì giá xăng dầu giảm. Tất cả điều này đã phản ánh qua chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,06% so với tháng trước dù tháng này luôn được xem là cao điểm mùa mua sắm tết. Theo báo cáo của Sở Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn tỉnh trong tháng 1.2015 ước đạt hơn 2.697 tỷ đồng, tăng 6,24% so với tháng trước và tăng 3,5% so với tháng 1.2014. Bên cạnh tình hình cung cầu và giá ổn định, điều đáng nói là lượng hàng Việt trong dịp tết chiếm lĩnh thị trường khá lớn từ các trung tâm thương mại đến chợ truyền thống. Bà Nguyễn Lan Phương, tiểu thương ở chợ TP.Tam Kỳ, cho biết: “Rút kinh nghiệm năm ngoái, bán bánh kẹo cân ký không có nhãn mác cụ thể đính kèm trên bao bì khiến người tiêu dùng thiếu tin tưởng, lo ngại hàng Trung Quốc thì nay hàng hóa của tôi nhập từ các cơ sở bánh kẹo miền Nam là chính, có bao bì rõ ràng, cụ thể. Không riêng mặt hàng bánh kẹo, nước giải khát và các mặt hàng quần áo, giày dép cũng được người tiêu dùng chọn mua của các cơ sở sản xuất trong nước là chủ yếu”. Bà Trần Thị Như Lai nói thêm: “Theo nhìn nhận của giới kinh doanh chúng tôi thì điểm đặc biệt trong xu hướng tiêu dùng tết năm nay vẫn là tiết giảm chi tiêu và tiết kiệm. Người tiêu dùng chỉ tập trung mua sắm vào những ngày cận tết và chọn mua những loại lương thực, thực phẩm thiết yếu, đủ phục vụ nhu cầu”.

CHIÊU THỤC ANH

CHIÊU THỤC ANH