Cần thành lập hợp tác xã thủy sản
Mặc dù đã xuất hiện nhiều mô hình tổ đội đoàn kết trên biển nhưng đến nay Quảng Nam vẫn chưa thể thành lập được một mô hình hợp tác xã (HTX) chuyên sâu về ngành nghề này.
Xét về tiềm năng thủy sản, Quảng Nam được đánh giá là một trong những vùng có sản lượng lớn nhưng chưa được khai thác tương xứng. Chính vì vậy, việc củng cố tổ chức sản xuất trong hoạt động khai thác hải sản là nhiệm vụ hết sức cấp thiết, đòi hỏi không chỉ có sự nỗ lực của ngành mà cần phải có sự phối hợp của nhiều ngành liên quan và các cấp chính quyền, đoàn thể. Thực tế cho thấy việc tổ chức khai thác hải sản trên biển theo mô hình tổ, đội đoàn kết nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ trong sản xuất, phòng tránh bão, cứu hộ, cứu nạn… thời gian qua đã đem lại hiệu quả thiết thực.
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 129 tổ, đội đoàn kết trên biển với hàng trăm phương tiện, hàng nghìn ngư dân tham gia. Theo ông Trần Thanh Diệp - Chi cục phó Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, đây là những mô hình mang dáng dấp của một HTX, tuy nhiên quy mô, hoạt động còn rất nhỏ. Sự kết hợp này mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho các ngư dân khi cùng nhau khai thác trên biển. Tuy nhiên, để thành lập một HTX chuyên sâu về ngành nghề này thì vẫn chưa đủ điều kiện… Đây cũng chính là trăn trở của nhiều ngư dân đang hướng đến mô hình này, bởi họ nhận thấy sự đoàn kết là cần thiết để cùng nhau phát triển, làm kinh tế. Anh Đỗ Văn Tiến - Chi hội trưởng Chi hội lưới quét C10 Duy Vinh (Duy Xuyên) nói: “Trước đây, khi làm ăn nhỏ lẻ hiệu quả kinh tế không cao, nhất là khi gặp sự cố thì không biết làm thế nào. Nghề biển đâu phải khi nào cũng được mùa. Vậy nên chỉ có liên kết lại với nhau thì mới có thể đảm bảo hiệu quả khai thác…”.
Theo Liên minh HTX tỉnh, các tổ đội đoàn kết đang hoạt động khá tốt, nhưng về quy mô thì chưa thể mở rộng được. Một khi thành lập được HTX chuyên sâu về các khâu như khai thác, chế biến và tìm thị trường tiêu thụ cho ngành nghề thủy sản, ngư dân mới có thể phát triển kinh tế một cách bền vững. Hơn nữa, khi đã thành lập HTX thì sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ của chính quyền địa phương từ vốn vay ưu đãi đến tư vấn kỹ thuật, thị trường tiêu thụ… Ông Trần Thanh Diệp cho rằng, muốn thành lập HTX thủy sản, trước hết phải xuất phát từ nhu cầu của ngư dân. Để thành lập một HTX thì cần phải có nhiều phương tiện cùng kết hợp lại để mở rộng phạm vi hoạt động, liên kết theo chuỗi như đánh bắt, hậu cần, tiêu thụ…“Với tình hình như hiện tại, việc thành lập một HTX thủy sản là rất cần thiết nếu muốn vươn khơi xa hơn, khai thác rộng hơn. Hiện nay Bộ NN&PTNT đang có những hướng dẫn cụ thể về vấn đề này, như vừa rồi thực hiện thí điểm ở Quảng Ngãi nhưng vẫn còn gặp khó khăn. Đối với Quảng Nam, cần phải có kế hoạch, chiến lược cụ thể thì mới phát triển được mô hình này…” - ông Diệp nói.
TUỆ LÂM