Nghiên cứu sản xuất xe khách giường nằm cao cấp: Động lực của ngành ô tô Quảng Nam
Lần đầu tiên dự án chế tạo xe khách giường nằm cao cấp “made in Vietnam” được đầu tư với quy mô và nguồn lực lớn, thể hiện kỳ vọng về hướng phát triển của ngành công nghiệp ô tô cao cấp trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh và Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) vừa ký kết hợp đồng thực hiện dự án khoa học - công nghệ (KH-CN) “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo xe khách giường nằm cao cấp mang thương hiệu Việt Nam”. Có thể nói đây là dự án KH-CN được đầu tư với quy mô và nguồn lực lớn với tổng kinh phí 109,1 tỷ đồng, trong đó hơn 38,5 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp KH-CN và 70,5 tỷ đồng từ nguồn khác. Phát biểu tại lễ ký kết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh nhấn mạnh: “Dự án KH-CN này là công trình lớn nhất của tỉnh, có ý nghĩa hết sức thiết thực. Dự án thành công sẽ làm tăng sự chủ động về nguồn linh kiện lắp ráp nội, ngoại thất các dòng xe khách và phát triển sang các dòng xe tải và xe du lịch tại Việt Nam. Từ cơ sở này, Quảng Nam có thể phát triển thêm các dự án KH-CN khác tại Khu kinh tế mở Chu Lai”.
Ký kết hợp đồng dự án chế tạo xe khách giường nằm cao cấp “made in Vietnam”. Ảnh: B.LIÊN - PHƯƠNG THẢO |
Kỳ vọng
Theo Thứ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh, dự án này sẽ gồm 3 đề tài nghiên cứu và 1 dự án sản xuất thử nghiệm do 4 công ty con của Thaco đảm trách. Ba đề tài nghiên cứu gồm: “Nghiên cứu thiết kế xe khách giường nằm cao cấp mang thương hiệu Việt Nam”, “Nghiên cứu công nghệ và thiết bị chế tạo các chi tiết nội thất bằng nhựa cho xe khách giường nằm cao cấp mang thương hiệu Việt Nam sử dụng kỹ thuật nhiệt dẻo” và “Nghiên cứu công nghệ và thiết bị chế tạo các chi tiết composite ngoại thất cho xe khách giường nằm cao cấp mang thương hiệu Việt Nam bằng công nghệ chuyển đổi”. Cùng với đó, giai đoạn 2015 - 2017, một dự án sản xuất thử nghiệm xe khách giường nằm cao cấp “made in Vietnam” cũng sẽ được triển khai với tổng kinh phí 25,9 tỷ đồng.
Theo quy chế ký kết do Bộ KH-CN ban hành, mỗi tổ chức, đơn vị sẽ có chức năng, nhiệm vụ cụ thể. UBND tỉnh là cơ quan chủ quản dự án tổng thể do Bộ KH-CN phê duyệt. UBND tỉnh có trách nhiệm lập hội đồng nghiệm thu các nhiệm vụ thuộc dự án tổng quát. Bộ KH-CN sẽ phối hợp với UBND tỉnh tổ chức kiểm tra, giám sát tổ chức chủ trì dự án hoặc xem xét điều chỉnh mục tiêu, nội dung, tiến độ thực hiện dự án. Về phía Công ty CP Ô tô Trường Hải, có trách nhiệm đảm bảo các điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất (trang thiết bị, nhà xưởng, phương tiện…), nguồn nhân lực, tài chính để các chủ nhiệm dự án, dự án sản xuất thử nghiệm thành công. Ngoài việc nghiệm thu cấp cơ sở, Thaco có nhiệm vụ triển khai áp dụng kết quả các đề tài/dự án sản xuất thử nghiệm trên vào thực tiễn nhằm đem lại hiệu quả cao nhất. Mục tiêu dự án hướng tới là làm chủ công nghệ thiết kế, tính toán mô phỏng mới, hiện đại của thế giới trong lĩnh vực chế tạo ô tô; làm chủ công nghệ thiết kế và tính toán kết cấu composite và nhựa cao cấp trong ô tô nói chung và xe khách nói riêng đạt trình độ ASEAN. Đồng thời nâng cao công nghệ chế tạo linh kiện composite ô tô theo công nghệ chuyển đổi, đạt trình độ ASEAN và hướng tới nâng cao công nghệ chế tạo linh kiện nhựa cao cấp ô tô theo hướng hiện đại, đạt trình độ ASEAN.
Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở KH-CN cho biết, đây là tín hiệu vui cho Công ty CP Ô tô Trường Hải và ngành KH-CN trong tỉnh bởi lần đầu tiên Quảng Nam có một dự án KH-CN lớn. Mặt khác, việc thực hiện dự án sẽ góp phần thực hiện chỉ tiêu đề ra theo chủ trương của Tỉnh ủy là “60% đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ trực tiếp sản xuất - kinh doanh”. Cũng theo ông Tích, việc triển khai thành công dự án cũng là dịp để cán bộ nghiên cứu và đội ngũ kỹ sư của Trường Hải có cơ hội được đào tạo, cọ xát và làm chủ công nghệ quy mô công nghiệp cũng như mang lại hiệu quả về mặt kinh tế cho công ty khi ứng dụng kết quả dự án vào sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam.
Tiềm năng
Công ty CP Ô tô Trường Hải được xem là đơn vị có triển vọng phát triển ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam. Thaco có 23 công ty con, đơn vị nhà máy chuyên về lắp ráp sản phẩm các dòng xe tải, xe khách; có trường công nghiệp hỗ trợ, cảng biển phục vụ logistic, giải quyết vấn đề an sinh xã hội, đóng góp ngân sách cho quốc gia mỗi năm gần 6.000 tỷ đồng. Nhà máy chế tạo xe buýt của Thaco có giá trị lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Năm 2014, trong 1.200 xe khách mà Thaco bán ra, chiếm 700 chiếc trong số đó là xe khách giường nằm. Ông Phạm Văn Tài - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Ô tô Trường Hải chia sẻ: “Trung bình 1 chiếc bán ra khoảng 3 tỷ đồng. Mỗi năm Thaco tung ra thị trường khoảng 700 chiếc. Nhu cầu hiện rất lớn, sản xuất xe nào khách lấy hết chiếc đó. Chúng tôi đang nâng cấp mẫu mã thiết kế, chất lượng những dòng xe này trở nên đặc biệt, cao cấp hơn nữa”.
“Do bắt nguồn từ thực tế, đã có sản phẩm bán ra thị trường, đáp ứng thị hiếu, nhu cầu của khách hàng nên chúng tôi đảm bảo đây là dự án khả thi, không bị bỏ ngăn kéo…”. (Ông Phạm Văn Tài - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Ô tô Trường Hải) |
Cũng theo ông Tài, hiện nhu cầu vận chuyển hành khách bằng đường bộ hoàn toàn chiếm ưu thế với thị phần lớn nhất so với các loại hình vận tải khác. Trong đó, xe khách giường nằm là chủng loại phương tiện vận tải đang được ưa chuộng bởi nhiều tiện nghi sinh hoạt: nội thất cao cấp, êm dịu, phù hợp với những chuyến vận tải hành khách đường dài Bắc - Nam. Hơn nữa, xe khách giường nằm được trang bị phương tiện kỹ thuật hiện đại, có chỉ số an toàn cao hơn so với các chủng loại xe khách thông thường. Sản phẩm Thaco còn được thị trường đón nhận rộng rãi bởi lẽ được thiết kế phù hợp với tình trạng đường sá Việt Nam, phù hợp với nhiều loại địa hình đồng bằng, vùng núi, cao nguyên. Tuy nhiên, trước xu thế hội nhập, nhu cầu nâng cấp, đổi mới về công nghệ, quản trị là hết sức cần thiết. Đề cập vấn đề này, ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở KH-CN nhìn nhận: “Dù Việt Nam đã sản xuất được xe khách nhưng công nghệ vẫn chưa theo kịp khu vực. Mẫu mã xe, linh kiện ô tô, nội ngoại thất ô tô của Việt Nam chủ yếu được làm theo mẫu của Hàn Quốc là chính, chúng ta chưa có trung tâm R&D (trung tâm nghiên cứu & phát triển) để làm mẫu, ma-kết mô phỏng và thiết kế mẫu. Công nghệ chế tạo các linh kiện nội ngoại thất thông thường của các dòng xe khách vẫn đang ở dạng thủ công và chưa có vật liệu hiệu quả. Trong khi thị trường xe khách giường nằm tại Việt Nam đang mở ra tiềm năng lớn, việc đầu tư, nâng cấp công nghệ chế tạo xe khách giường nằm “made in Vietnam” sẽ mở ra triển vọng lớn cho ngành công nghiệp này”.
Song, trước một dự án KH-CN được đầu tư với quy mô và nguồn lực lớn nhất từ trước tới nay với hàng trăm tỷ đồng đã khiến nhiều người tỏ ra quan ngại. Bởi lẽ bấy lâu nay, tình trạng đề tài/dự án KH-CN được đầu tư tiền tỷ lại bỏ vào ngăn kéo, gây tốn kém, lãng phí không còn là chuyện mới mẻ. Trả lời phỏng vấn báo giới về tính thiết thực và hiệu quả của dự án KH-CN này, ông Phạm Văn Tài khẳng định: “Do bắt nguồn từ thực tế, đã có sản phẩm bán ra thị trường, đáp ứng thị hiếu, nhu cầu của khách hàng nên chúng tôi đảm bảo đây là dự án khả thi, không bị bỏ ngăn kéo. Cơ sở để nói đến thành công là trên thực tế, chúng tôi đã có sự chuẩn bị từ trước, đã đi được một phần chặng đường như: đầu tư nhà máy sản xuất linh kiện nhựa, nâng cấp trung tâm R&D, hoàn chỉnh dây chuyền thiết kế của xe bus… phục vụ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm. Dự án sẽ góp phần nâng cấp sản phẩm, chất lượng sản phẩm mà chúng tôi hiện có để phục vụ tốt hơn nhu cầu của xã hội”.
TRẦN BÍCH LIÊN