Hạn chế "tín dụng đen"
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh Quảng Nam Nguyễn Văn Diện than phiền khi hàng ngày phải nhìn thấy những tờ rơi “cho vay không cần thế chấp với thủ tục dễ dàng” dán đầy trên các trụ điện, góc đường. Ông nói chỉ dấu này là mối lo ngại cho cả nền kinh tế khi những đồng vốn này không được đổ vào nền kinh tế mà chỉ “giúp” doanh nghiệp (DN) trả nợ ngân hàng đúng hạn và lại càng đẩy DN vào thế khó hơn khi phải gánh lãi cao từ các dịch vụ này. Ông đã “lệnh” cho thanh tra ngân hàng theo dõi, chấn chỉnh, nhưng dường như việc này lại nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan quản lý.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh Quảng Nam, tăng trưởng tín dụng năm 2014 vào khoảng 13%. Tỷ lệ dư nợ của DN vừa và nhỏ, phát triển nông nghiệp, nông thôn chiếm khoảng trên 53% tổng dư nợ. Dự kiến năm 2015, tăng trưởng tín dụng sẽ được nâng lên khoảng 13 – 15%. Ngân hàng đang rất muốn đẩy tín dụng ra nền kinh tế. Điều đó có nghĩa là đã, đang và sẽ có một lượng vốn lớn được đẩy vào nền kinh tế, tiếp thêm lực cho các DN phục hồi, mở rộng đầu tư sản xuất. Thế nhưng, không phải DN nào cũng có thể với được các gói ưu đãi của ngân hàng khi không đủ tiêu chí, đáp ứng điều kiện cho vay. Họ không phủ nhận rằng ngân hàng thương mại cũng là định chế tài chính, đi vay để cho vay. Việc vay vốn của DN giờ đây đã trở nên minh bạch, rõ ràng hơn nhưng để vay vốn không phải là chuyện dễ. Sự thận trọng của các ngân hàng trong việc kiểm định tài sản cho vay, phương án kinh doanh hay đánh giá khả năng thanh toán nợ của DN nhằm hạn chế các khoản nợ xấu, nợ khó đòi… đã trở thành rào cản cho DN tiếp cận vốn. Nhưng đó là rào cản, hạn chế thật sự cần thiết để tạo thị trường tài chính tiền tệ bền vững hơn.
Không có một thống kê cụ thể, nhưng trước tình hình khó khăn, nhiều DN buộc phải vay nóng để cầm cự qua cơn sóng gió. Tín dụng loại này dễ thấy nhất là đáo hạn ngân hàng, bởi không phải DN nào cũng kinh doanh thuận lợi. Tuy nhiên, nếu ngân hàng cứ tiếp tục quan điểm lựa chọn các dự án lớn, an toàn có khả năng sinh lời cao thì rất khó cho DN vừa và nhỏ tiếp cận được nguồn vốn. Nếu ngân hàng không có giải pháp, vòng luẩn quẩn giữa người đi vay và người cần vay sẽ vẫn còn tiếp tục kéo dài. Đây sẽ chính là mảnh đất màu mỡ để mạng nhện “tín dụng đen” vẫn còn có cơ hội bùng phát. Giải quyết được vấn đề nan giải này thì có lẽ sẽ không còn những lời than phiền hay bức xúc và “tín dụng đen” sẽ không còn đất sống như hiện nay. Mặt khác, DN cũng cần thận trọng để không phải bị đẩy vào thế khốn cùng khi phải lựa chọn việc tìm vốn qua "tín dụng đen".
NHẬT PHONG