Hành trình tìm vốn cho năm 2015

TRỊNH DŨNG 01/01/2015 09:40

Yếu tố vốn là điều kiện tiên quyết để đầu tư, mở rộng phát triển kinh tế. Chính quyền, cơ quan quản lý của tỉnh đã đưa ra những biện pháp để huy động nguồn lực đầu tư cho toàn xã hội và chọn dự án, công trình nào để đầu tư, phát huy hiệu quả cho năm 2015. Tuy nhiên, việc tăng trưởng theo dự báo có thật sự chu toàn hay không không phụ thuộc vào nỗ lực của các cơ quan quản lý mà chính là “sức khỏe” của doanh nghiệp và các nguồn lực đầu tư bên ngoài, nên việc tìm vốn đầu tư phát triển năm 2015 là điều chẳng dễ dàng!

Khó thêm nhiều nguồn lực đầu tư

Nguồn đầu tư từ ngân sách ngày càng suy giảm, vốn FDI chưa thể xác lập, động lực kinh tế tư nhân còn dè dặt đang là vấn đề khó khăn trong việc điều hành, tạo động lực cho đầu tư phát triển của Quảng Nam.

Èo uột ngân sách

Dựa trên số liệu thống kê tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện mỗi năm gia tăng khoảng 10%, Sở KH&ĐT đã dự báo tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2015 sẽ vào khoảng 18.600 tỷ đồng, chiếm trên 30,5% GRDP Quảng Nam. Nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước đã có sự sụt giảm mạnh khi dự kiến vào khoảng 3.879,75 tỷ đồng, chỉ bằng 86% kế hoạch năm 2014 và bằng 80% so với thực hiện trong năm 2014. Theo thống kê cơ cấu vốn thì vốn cân đối ngân sách địa phương chiếm nhiều nhất (vào khoảng 1.582 tỷ đồng, tăng 116% so với kế hoạch 2014), vốn hỗ trợ có mục tiêu tăng 128% với khoảng 1.523,32 tỷ đồng, nhưng vốn trái phiếu chính phủ thâm hụt nghiêm trọng khi chỉ chiếm 33% so kế hoạch và thực hiện năm 2014. Theo phân tích của Sở KH&ĐT, vốn cân đối ngân sách địa phương gia tăng nhờ việc bổ sung từ nguồn tăng thu so với năm 2011 để chi đầu tư phát triển khoảng 502 tỷ đồng và nguồn kích cầu vay của Bộ Tài chính cho chương trình kiên cố hóa kênh mương, giao thông nông thôn 100 tỷ đồng. Nguồn trái phiếu chính phủ thấp so với các năm trước bởi nguồn vốn trung ương phân bổ còn lại của các dự án giao thông, y tế, thủy lợi, chủ yếu tập trung cho các dự án thanh toán khối lượng hoàn thành và chuyển tiếp trong danh mục đã bố trí.

Khu Công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc huyện Điện Bàn. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Khu Công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc huyện Điện Bàn. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Theo nhận định của Cục trưởng Cục Thống kê  - ông Đinh Văn Đào, cho dù kế hoạch tổng thể tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2015 sẽ tăng 10%, nhưng không phải tất cả nguồn vốn đều tăng đồng đều. Năm 2015, những nguồn vốn đầu tư từ các nhà máy thủy điện, giao thông (đường cao tốc, quốc lộ 1), thậm chí cầu Cửa Đại hay các dự án giao thông vùng đông cũng sẽ không nhiều vì dường như tất cả đã đi vào giai đoạn cuối. Còn công trình mới như cầu Giao Thủy thì mới chỉ bắt đầu, nên số vốn đầu tư cũng sẽ không cao. Có thể, số vốn dành cho các dự án này cũng chỉ vào khoảng 2.000 tỷ đồng. “Trong tất cả nguồn vốn nhà nước (vốn ngân sách, trái phiếu chính phủ, vốn vay, vốn tự có của doanh nghiệp nhà nước và vốn khác) thì chỉ có thể dự báo chính xác vốn ngân sách địa phương. Còn lại, địa phương sẽ không dễ dàng để tính toán cho việc thu hút các nguồn lực kể trên cụ  thể là bao nhiêu” - ông Đào nói.

Như vậy, nhìn các con số thống kê trên dễ thấy nguồn vốn ngân sách nhà nước đổ vào nền kinh tế cho đầu tư phát triển vốn đã khan hiếm lại càng ít ỏi thêm.

Khó tìm vốn ngoài nhà nước

Theo các chuyên gia kinh tế, khi vốn đầu tư từ ngân sách ngày càng hạn hẹp thì kích cầu vốn từ khu vực FDI và tư nhân là nguồn bù đắp chính cho sự gia tăng của tổng vốn đầu tư xã hội. Ban Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp Quảng Nam cho hay sức đề kháng của 104 dự án FDI còn hiệu lực hơn hẳn doanh nghiệp nội địa, tránh được những tác động chính sách, bất ổn kinh tế vĩ mô và không thiếu vốn đầu tư. Uy tín, quan hệ cung cầu bền chặt giữa nhà sản xuất và tiêu thụ nước ngoài cũng đang là lợi thế, giúp họ chiếm đến 70% tổng giá trị xuất khẩu Quảng Nam và đủ khả năng duy trì, mở rộng đầu tư. Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, nhưng các nhà đầu tư vẫn tăng vốn và mạnh tay giải ngân cho những dự án, chứng tỏ các nhà đầu tư FDI đang làm ăn tin tưởng vào môi trường đầu tư Quảng Nam. Các chuyên gia cho rằng quyết định tăng vốn của các doanh nghiệp này sẽ là điều kiện thuận lợi cho Quảng Nam thu hút nguồn vốn trong thời gian tới.

Theo một thống kê khác, không chỉ doanh nghiệp FDI tăng vốn, mở rộng sản xuất gia công xuất khẩu hoặc phục vụ thị trường nội địa, khối tư nhân cũng đã bắt đầu chủ động hơn trong việc tìm kiếm nguồn lực đầu tư. Khả năng hiện thấy của nhà đầu tư là trong giai đoạn suy giảm kinh tế, các doanh nghiệp cần điều chỉnh kế hoạch và ngành nghề kinh doanh để dịch chuyển vốn sang những khu vực hiệu quả hơn. Nhiều doanh nghiệp tiếp tục đóng cửa là điều không thể cứu vãn, nhưng sự ra đi này sẽ lại là điều kiện tạo thêm cơ hội cho nhiều doanh nghiệp mới ra đời. Mỗi năm số doanh nghiệp mới sẽ tăng thêm 5%, đồng nghĩa sẽ có thêm một lượng vốn lớn từ khu vực này được đưa vào thị trường. Còn thu ngân sách của các năm (trừ năm 2012) vẫn vượt, địa phương có thêm lượng vốn lớn đầu tư từ các khoản tăng thu ngân sách. Tất cả dự báo “tốt đẹp” này, cho phép Quảng Nam nghĩ đến triển vọng thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển sẽ mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Đó là kỳ vọng, tuy nhiên vẫn còn không ít băn khoăn khi doanh nghiệp đang phải đối mặt với bài toán nan giải là làm sao duy trì được sản xuất kinh doanh hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu thị trường vốn đang khá ảm đạm, còn doanh nghiệp lớn thì mới chỉ đang xúc tiến đầu tư, chưa thấy kết quả cụ thể. Trong khi đó, quyết định đầu tư của khu vực ngoài nhà nước vẫn còn dè dặt bởi dòng tiền vẫn ở đâu đó chứ chưa đi vào kinh doanh. Có thể thấy việc tăng vốn trong ngắn hạn là rất khó. Nguồn lực này chỉ có thể tăng lên khi nền kinh tế tăng trưởng mạnh trở lại. Ông Đinh Văn Đào nói khả năng tìm vốn từ khu vực FDI và tư nhân sẽ không dễ dàng như dự báo. Nguồn vốn ít, nhu cầu đầu tư nhiều, nhất là hạ tầng kinh tế hiện không biết tìm đâu ra nguồn lực để đầu tư, buộc chính quyền và các cơ quan quản lý sẽ phải tính toán kỹ đầu tư vào đâu để hiệu quả.

TRỊNH DŨNG

Doanh nghiệp xoay xở tìm vốn

Thiếu vốn là “căn bệnh kinh niên” của doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa. Theo dự báo của nhiều chuyên gia, những nguồn cung ứng vốn cho DN sẽ tiếp tục bị hạn chế trong năm 2015, nhưng không phải là không thể tìm thấy.

Câu chuyện chung của gần 4.200 DN Quảng Nam hiện nay là tìm đâu ra nguồn vốn và làm thế nào để giải bài toán vốn hiệu quả? Nhiều DN cho biết chưa bao giờ việc lập kế hoạch kinh doanh cho năm tới lại mang nhiều nỗi âu lo như hiện tại. Cái thời DN cần vốn làm ăn hay mở rộng sản xuất, chỉ cần cầm hồ sơ vay vốn đến ngân hàng, thậm chí chỉ cần một cú điện thoại là coi như việc giao dịch vay vốn thành công như trước đây đã hết. Ngân hàng đã gắt gao hơn trong việc thẩm định khiến việc tìm vốn của DN đã trở thành một hành trình ngày càng gian nan hơn. Ngược với những lời than phiền của giới DN, cả NHNN và ngân hàng thương mại Quảng Nam cho rằng các ngân hàng đang rất “khát” dự án và có nhu cầu đưa vốn ra thị trường với nhiều gói hỗ trợ lãi suất ưu đãi. Chỉ cần có các dự án tốt, đáp ứng các tiêu chí của ngân hàng thì chỉ sau một thời gian ngắn sẽ được giải ngân. Con số tăng trưởng đến 13% với tổng dư nợ 27.000 tỷ đồng (DN nhỏ và vừa chiếm 21% và phát triển nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ lệ gần 32%/tổng dư nợ) thông qua các cuộc kết nối giữa ngân hàng - DN năm 2014 cho thấy một lượng vốn lớn đã đổ vào nền kinh tế. Ông Nguyễn Văn Diện, Giám đốc NHNN - chi nhánh Quảng Nam nói chưa có dự án khả thi nào mà ngân hàng từ chối, nhưng muốn vay cũng phải có điều kiện. DN phải chứng minh thật rõ ràng về khả năng tạo hiệu quả vốn vay, bởi ngân hàng cũng cần biết dòng tiền đi đâu mới có thể đầu tư. Nếu không tính toán việc thu hồi được nợ thì sẽ bị quy kết là không thẩm định chắc chắn nên họ phải thận trọng. Có lẽ “điều kiện” ở đây chính là tài sản thế chấp, không nợ xấu, nhưng hiện tại số DN bảo đảm đúng yêu cầu của ngân hàng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Sinh lực DN đã cạn kiệt khi phải đối mặt với khó khăn trong suốt một thời gian dài nên không thể vượt nổi “cửa ải thế chấp, nợ xấu” để tiếp cận vốn ngân hàng.

Các doanh nghiệp phải tự chủ động để tìm nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Các doanh nghiệp phải tự chủ động để tìm nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Nhiều ông chủ DN cho hay tìm vốn trong tình hình hiện nay không dễ, nhưng không phải là không thể, bởi chắc chắn sẽ còn nhiều dòng tiền chảy trên thị trường vốn. Tất cả đều tùy thuộc vào kinh nghiệm sống, trí thông minh, khôn khéo và cả sự can đảm của người đứng đầu DN. Nhiều DN đã không ngần ngại gạt bỏ những dự án đầu tư mới. Không ít nhà đầu tư đã chọn giải pháp triển khai dự án theo hình thức cuốn chiếu, phù hợp với khả năng tài chính và hiệu quả đầu tư. DN sẽ tính toán lại các dự án của mình, cái nào hiệu quả, cần vốn ít và quay vòng vốn nhanh sẽ được triển khai, cái nào cần vốn nhiều, vòng quay chậm thì tạm thời ngừng. Ông Lê Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch - dịch vụ Hội An đã chọn cách cơ cấu lại công ty. Đóng hoặc dừng vĩnh viễn các lĩnh vực kinh doanh không còn phù hợp để chuyển sang lĩnh vực kinh doanh mới hơn, thuận lợi hơn và cơ cấu vốn ngắn hạn sang lĩnh vực đầu tư dài hạn hơn và không tăng giá, giữ khách.

Ông Phạm Văn Quang - Giám đốc Công ty TNHH Đông Phương nói nguồn vốn cho các DN xuất khẩu hầu như không khó. Nhưng quan trọng chủ yếu là DN có tính toán được lợi nhuận để trả lãi ngân hàng không thôi, bởi việc vay vốn trong bối cảnh kinh tế hiện thời chưa hẳn đã là đắc sách. DN đã chủ động đàm phán với đối tác cung cấp nguyên vật liệu cho được trả chậm. Việc kéo dài thời gian trả chi phí nguyên liệu sẽ giúp công ty đỡ áp lực về vốn. Với những đơn hàng lớn, công ty sẽ giảm giá thành cho sản phẩm lưu kho tại Việt Nam. Mặt hàng nào bán chạy nhất của công ty, sẽ yêu cầu khách hàng trả tiền trước. Ngược lại những mặt hàng bán chậm, có thể cho khách hàng thời gian thanh toán lâu hơn. Với giải pháp này, DN không phải trả lãi, không mất thêm tiền mà còn có thể có thêm phí, khấu hao bù chi phí khác và gắn kết khách hàng lâu dài với công ty. “Hãy giải quyết từ chính mình, đó mới là vấn đề. Nếu bản thân DN không tự cải thiện tốt hơn thì khó khăn về vốn sẽ vẫn tiếp diễn ngay cả khi thi trường trở về điều kiện bình thường” - ông Quang nói.

Cách xoay xở của nhiều DN được đề cập cho thấy bài toán vốn không chỉ phụ thuộc vào nguồn vốn vay ở đâu, DN yếu hay mạnh mà còn lệ thuộc vào chiến lược kinh doanh của công ty. Có lẽ các DN sẽ phải tỉnh táo để nhận ra rằng đầu tư sản xuất, kinh doanh phù hợp với “túi tiền”, xoay chuyển nguồn vốn kịp thời tốt hơn là phụ thuộc quá nhiều vào ngân hàng. Theo ông Nguyễn Quang Việt – Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Quảng Nam kiêm Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, một doanh nghiệp khỏe mạnh không thể đi bằng đôi chân yếu ớt, chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng… Đây có lẽ là một ý kiến đáng để suy ngẫm.

NHẬT PHONG

“Tuyên chiến” với đầu tư dàn trải

Hạn chế đầu tư dự án mới, nguồn vốn chỉ dành cho việc trả nợ đọng và tiếp thêm lực cho các dự án chuyển tiếp… là “mệnh lệnh” đặt ra cho đầu tư phát triển năm 2015 của Quảng Nam trước tình trạng ngân sách ngày càng thiếu hụt.

Dành nguồn vốn… trả nợ

Sở KH&ĐT công bố hiện số nợ đọng xây dựng cơ bản đã vào khoảng 3.772 tỷ đồng. Không chỉ nguồn ngân sách địa phương tự cân đối vốn thường hạn hẹp mà ngay cả nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ và nguồn trái phiếu chính phủ cũng không ngoại lệ. Kết quả những cuộc điều tra, giám sát cho thấy nhiều dự án không xác định rõ nguồn vốn, không biết tìm đâu ra nguồn đầu tư vẫn cứ tiến hành khởi công xây dựng nên thiếu hụt kinh phí để tiếp tục đầu tư, sinh nợ đọng.

Những dự án dự kiến hoàn thành năm 2015 sẽ tiếp tục được bổ sung vốn đầu tư.  Trong ảnh: Khu Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng tại xã Tam Phú - TP. Tam Kỳ.Ảnh: MINH HẢI
Những dự án dự kiến hoàn thành năm 2015 sẽ tiếp tục được bổ sung vốn đầu tư. Trong ảnh: Khu Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng tại xã Tam Phú - TP. Tam Kỳ.Ảnh: MINH HẢI

Ngân sách Quảng Nam đang chịu áp lực lớn trước việc trả nợ, tiếp vốn cho các dự án chuyển tiếp và đầu tư thêm những công trình bức thiết trong năm 2015. Trước bài toán nan giải này, chính quyền tỉnh đã đi đến quyết định cụ thể là gia tăng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách từ 84% lên 86% để chủ yếu trả nợ và thêm lực đầu tư cho các công trình dang dở. Ông Trần Văn Tri – Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết tổng nguồn vốn kế hoạch đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2015 sẽ vào khoảng 3.879,75 tỷ đồng. Gần như toàn bộ nguồn vốn này chủ yếu để thanh toán nợ và các dự án chuyển tiếp. Theo ông Tri, với việc bố trí ngân sách như hiện tại thì khả năng thanh toán các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc các dự án hỗ trợ từ trung ương sẽ không để phát sinh thêm nợ. Áp lực nặng nề nhất vẫn là chuyện khó khăn khi cân đối giảm nợ cho ngân sách tỉnh.

Kế hoạch bố trí vốn có vẻ đã thuận chiều, nhưng vẫn còn mối bận tâm khác cũng đang khó có cách giải quyết. Theo dự kiến, năm 2015 những dự án trọng điểm như cầu Cửa Đại, tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh… sẽ chính thức được khánh thành nhân 40 năm ngày Giải phóng Quảng Nam, vẫn cần phải bố trí tối thiểu 845 tỷ đồng để thực hiện đầu tư hoàn thành, nhưng chưa biết tìm đâu ra nguồn.

Hạn chế đầu tư

“Chính quyền sẵn sàng loại bỏ hay tạm thời dừng lại các dự án nếu xét thấy dàn trải, kéo dài. Tất cả đều phải tự cân đối nên toàn bộ công trình đầu tư xây dựng cơ bản phải tự lực ngay trong gói ngân sách đã được giao và tìm kiếm từ các nguồn thu khác để bù đắp bằng nỗ lực của chính địa phương”.
(Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh)

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh, chính quyền sẽ nỗ lực hết sức, quyết tâm đến hết năm 2015, mọi khoản nợ đầu tư xây dựng cơ bản sẽ được hoàn trả cho doanh nghiệp và ngân sách. Quan điểm của chính quyền là không đẩy nợ về tương lai với bất cứ lý do gì. Ngày 1.1.2015, Luật Đầu tư công bắt đầu có hiệu lực, việc quản lý, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư sẽ phải thực hiện đúng theo luật. Quy trình, thủ tục, phân bổ vốn đều được kiểm soát chặt chẽ, tập trung dứt điểm các công trình dang dở, không hiệu quả. Chỉ những dự án, công trình nào có trong danh mục và dự toán đầu năm, xác định rõ nguồn vốn sẽ tiến hành đầu tư, còn không thì sẽ phải dừng triển khai dự án để không phát sinh thêm nợ. “Các địa phương phải chủ động tài chính trong gói ngân sách đã được duyệt. Không trông chờ vào nguồn hỗ trợ của trung ương. Chính quyền sẵn sàng loại bỏ hay tạm thời dừng lại các dự án nếu xét thấy dàn trải, kéo dài. Tất cả đều phải tự cân đối nên toàn bộ công trình đầu tư xây dựng cơ bản phải tự lực ngay trong gói ngân sách đã được giao và tìm kiếm từ các nguồn thu khác để bù đắp bằng nỗ lực của chính địa phương. Tập trung thanh toán, thu hồi nợ, không để doanh nghiệp trục lợi” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh nói.

Quyết tâm này hy vọng sẽ chấm dứt được tình trạng dàn trải, manh mún của các dự án đầu tư công. Khi Luật Đầu tư công có hiệu lực sẽ là chính sách, công cụ điều hành của một nhà nước kiến tạo phát triển, một nhà nước phúc lợi nhằm tập trung vào các chính sách công, tạo động lực thúc đẩy các khu vực ngoài nhà nước phát triển. Vì vậy, đầu tư công cần được quản lý trên cơ sở chiến lược quy hoạch, kế hoạch, có lộ trình, trọng tâm, ưu tiên, có sự điều phối giữa các lĩnh vực địa bàn và huy động hiệu quả các nguồn lực cùng ngân sách để đạt hiệu quả đầu tư cao nhất. Quan trọng nhất là quyết định đầu tư phải được cân nhắc một cách khách quan vì lợi ích chung của địa phương, không phụ thuộc vào ý chí chủ quan. Có như vậy mới mong kiểm soát được tình trạng phê duyệt dự án đầu tư công tràn lan khắp nơi với mục tiêu duy trì thành tích tăng trưởng, “ngốn” vốn ngân sách vì lợi ích cục bộ và cũng không loại trừ có thể vì lợi ích cá nhân. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Kim Hùng cho rằng tất cả dự án đầu tư công đều phải cân đối trên cơ sở nguồn lực tài chính địa phương, dự báo tiến độ thi công, thời gian trả nợ và đánh giá hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Không thể muốn là phê duyệt và khởi công dự án, bất chấp nguồn lực ở đâu.

TÙY PHONG

TRỊNH DŨNG