Nuôi cấy mô sâm Ngọc Linh: Khoảng cách từ phòng thí nghiệm tới thực tế
Tại buổi nghiệm thu đề tài khoa học “Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô để nhân giống cây sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam” mới đây, một lần nữa vấn đề nhân giống, phát triển cây sâm Ngọc Linh lại được đặt ra.
“Ẩn số” sâm cấy mô
Việc ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô để nhân giống sâm Ngọc Linh không còn là nghiên cứu mới mẻ. Cây sâm cấy mô đã được Viện Dược liệu, Trường Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh, Trung tâm Sâm và dược liệu TP.Hồ Chí Minh tiến hành nghiên cứu. Ngay từ cuối năm 1993, Ủy ban Khoa học và kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đã cấp kinh phí cho đề tài “Nghiên cứu nhân giống sâm Ngọc Linh và tạo nguyên liệu sâm bằng con đường công nghệ sinh học” (TS. Nguyễn Ngọc Dung chủ nhiệm), thực hiện tại Đà Lạt. Năm 2010, PGS-TS. Dương Tấn Nhựt và cộng sự đã nhân giống vô tính thành công sâm Ngọc Linh trong ống nghiệm tại Đà Lạt, đồng thời trải qua quá trình gian nan đưa cây sâm cấy mô ra thực địa, trồng trên đỉnh Ngọc Linh, tỉnh Kon Tum. Đến nay, có thông tin cho rằng, công trình của PGS-TS. Dương Tấn Nhựt và đồng sự bước đầu thành công khi cây sâm cấy mô đã được trồng và sống ngoài thực tế. Hay như nhà sư Thích Huệ Đăng (Đà Lạt) cũng đã di thực thành công sâm Ngọc Linh, đã nhân giống thành công từ năm 2010 và nhiều lần đưa cây con ra trồng thực nghiệm tại Đà Lạt, vùng có khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng với đỉnh Ngọc Linh. Trên thực tế, cây sâm cấy mô có phát triển tốt ngoài thực địa hay không, vẫn còn là ẩn số, chưa có kết luận và công bố chính thức. Một trăn trở, băn khoăn khi 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum cùng có chung dãy Ngọc Linh án ngữ và trên đỉnh Ngọc Linh lại có loài dược liệu quý này. Song, thay vì bắt tay nhau hợp tác nghiên cứu nuôi cấy mô để nhân giống sâm thì lâu nay thực trạng “mạnh ai nấy làm” đã tiêu tốn khá nhiều thời gian, công sức lẫn tiền bạc của Nhà nước và nhân dân. Trong khi Kon Tum đã “đi trước” đưa được cây sâm từ phòng thí nghiệm ra thực địa thì 2 năm qua, Quảng Nam loay hoay nhân giống.
Cây sâm cấy mô thành công trong phòng thí nghiệm. Ảnh: H.L |
Đề tài “Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô để nhân giống sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam” triển khai giai đoạn 2012 - 2014 trải qua nhiều chặng gian nan, đến nay cơ bản đã thành công trong phòng thí nghiệm. Theo ThS.Phan Thị Á Kim (chủ nhiệm đề tài), với nguồn nguyên liệu ban đầu là 200g củ sâm sau 15 tháng nuôi trồng đã thu được khoảng 4.000 cây con, trong đó hơn 2.000 cây con đủ tiêu chuẩn huấn luyện ra vườn ươm, 1.500 cây ở giai đoạn tạo rễ và tạo chồi. Hiện ban chủ nhiệm đã bàn giao 2.000 cây cho Trạm Dược liệu Trà Linh, 500 cây cho Phòng NN&PTNT huyện Nam Trà My để huấn luyện tại vườn ươm xã Tắc Ngok của huyện.
Cây sâm cấy mô được kỳ vọng sẽ mở ra hướng nghiên cứu giàu tính khoa học và thực tiễn. Nhân giống từ nuôi cấy mô sẽ đem lại tỷ lệ nhân giống cao, giảm chi phí đầu tư so với nhân giống theo kiểu truyền thống bằng hạt và đầu mầm; song, thực tế lại chưa như mong đợi. Sản phẩm từ nuôi cấy mô là cây sâm con đã phát triển tốt trong phòng thí nghiệm, nhưng tỷ lệ sống sót ngoài thực địa gần như là con số không. Nguyên nhân khiến 2.500 cây sâm non chết hàng loạt sau khi ra thực địa một thời gian ngắn đến nay vẫn chưa có kết luận ngã ngũ. ThS. Kim chia sẻ, cây sâm cấy mô chết hàng loạt là do bị nhiễm một chủng nấm có tên khoa học là Rhizoctonia So Lani hay còn gọi là nấm cổ rễ. Đây là chủng nấm gây bệnh lở cổ rễ, phổ biến ở giai đoạn cây còn nhỏ, làm cây bị nhũn phần giữa cuống, củ, chết lá, ngã gục chết. “Ngay khi có thông tin, chúng tôi đã đề xuất hướng xử lý song do địa bàn cách trở, hiệu quả đem lại thấp. Hiện còn 1.000 cây con trong phòng thí nghiệm, chúng tôi tiếp tục chăm sóc, chọn lọc cây khỏe mạnh hỗ trợ huyện Nam Trà My trồng thử nghiệm để đánh giá khả năng thích nghi của cây sâm mô ngoài môi trường” - ThS. Kim nói.
Hậu dự án?
Không thể phủ nhận thành công bước đầu và những nỗ lực của nhóm nghiên cứu, nhưng thông tin cây sâm cấy mô chết hàng loạt ngoài thực tế đã khiến giới khoa học, nhà quản lý tỏ ra băn khoăn. ThS. Phan Hùng Vĩnh - cán bộ Trung tâm Giống nông lâm nghiệp Quảng Nam thông tin: “Giai đoạn 2006 - 2007, công nghệ nuôi cấy mô bước đầu đã được nghiên cứu thí điểm tại Quảng Nam. Chúng tôi tâm đắc về hướng nghiên cứu này. Quy trình nhân giống sâm cấy mô đã có, nhưng điều quan trọng là cây sâm có sống được ngoài thực tế hay không? Cần phải tiếp tục những bước nghiên cứu tiếp theo để đánh giá cây sâm cấy mô ngoài thực tiễn, so sánh hàm lượng saponin trong sâm cấy mô với sâm được nhân giống hữu tính bằng hạt và đầu mầm”.
Đồng quan điểm trên, kỹ sư Huỳnh Hữu Thắng (Trung tâm Ứng dụng & thông tin KH-CN) chia sẻ: “Cần nghiên cứu ngoài thực tiễn, hàm lượng saponin trong cây sâm cấy mô có gì khác so với sâm nhân giống bằng hạt hay đầu mầm? Liệu cây sâm cấy mô có hàm lượng saponin tương đương như kỳ vọng? Hơn hết cần phải nghiên cứu kỹ, có vườn sâm gốc riêng biệt và quản lý chặt nguồn gốc, xuất xứ của cây sâm mô lẫn sâm được nhân giống truyền thống”. Trong khi đó, ThS. Bùi Ngọc Huy - cán bộ Phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ, thành viên hội đồng phản biện quan ngại về sự biến đổi gen ở cây sâm cấy mô. “Nuôi cấy mô là giải pháp bảo tồn nguồn gen của cây sâm. Trong quá trình nghiên cứu tất sẽ có nhiều công đoạn can thiệp vào đặc tính di truyền nguồn gen. Giả sử nếu có 1 gen đột biến xuất hiện ở thế hệ F3 chẳng hạn, thành phần hoạt tính trong cây sâm mô thay đổi, điều này rất đáng lo ngại nếu không có khu vực cách ly riêng sâm mô với vườn sâm gốc hoặc vùng sâm nguyên liệu” - ThS. Huy chia sẻ.
Theo ThS. Hồ Quang Bửu - Chủ tịch huyện Nam Trà My, cần chứng minh thành công của cây sâm cấy mô trên góc độ khoa học lẫn thực tiễn. Huyện sẵn sàng phối hợp trong việc đánh giá mức độ thành công của sâm cấy mô ngoài thực tế. Qua đó, đề nghị Sở KH-CN có sự kiểm nghiệm, đánh giá mức độ sống của cây sâm ngoài thực tế vào mỗi năm. Cần tiếp tục dành kinh phí đầu tư nghiên cứu, đi tới cái đích thành công. Nếu chỉ dừng lại ở đây, mọi nỗ lực xem như bỏ. Huyện rất tha thiết và sẵn sàng có chế độ hỗ trợ, đãi ngộ thiết thực đối với các nhà nghiên cứu về cây sâm cấy mô.
HOÀNG LIÊN