Chênh lệch thu chi ngân sách

TRỊNH DŨNG 24/12/2014 10:15

Nhiều năm qua, số liệu thu, chi ngân sách khi được quyết toán, công bố đã khiến nhiều người ngạc nhiên vì bất ngờ và có độ chênh nhiều giữa dự toán và quyết toán.

Bất ngờ quyết toán

Theo kế hoạch, dự toán ngân sách thường được UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phê duyệt vào năm trước để thực hiện vào năm sau, nhưng quyết toán ngân sách thì phải đợi đến kỳ họp HĐND cuối cùng của năm mới thông qua. Chẳng hạn như Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa VIII (từ ngày 9 - 11.12.2014) mới phê chuẩn quyết toán 2013. Khi UBND tỉnh công bố số liệu quyết toán thì nhiều người đã bày tỏ sự ngạc nhiên và bất ngờ. Bất ngờ đầu tiên là chênh lệch “kỷ lục’’ giữa dự toán và quyết toán ngân sách năm nào cũng tăng trên 40 - 60%. Dự toán tổng thu ngân sách địa phương năm 2013 là 9.944 tỷ đồng, nhưng thực hiện đạt 14.493 tỷ đồng, vượt 47,2%. Còn nếu tính theo số thu cân đối ngân sách địa phương thì số thu vượt 52% dự toán. Con số thu cân đối cao hơn khá nhiều này được lý giải là đã bao gồm cả số thu chuyển nguồn từ năm 2012, thu hồi vốn ngân sách cho vay, thu kết dư, thu vay đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thu từ ngân sách cấp dưới lên... theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. UBND tỉnh thừa nhận số thu vượt ngân sách chủ yếu bắt nguồn từ yếu tố khách quan, chiếm tỷ trọng lớn là giá cả tăng, điều chỉnh tăng thuế thu nhập nhập khẩu đối với một số mặt hàng không khuyến khích, tăng thu từ các khoản về nhà, đất... Còn tăng thu do sản xuất kinh doanh chiếm không nhiều trong tổng số tăng thu. Chỉ dấu này cho thấy thu ngân sách nhà nước tuy tăng cao, nhưng thiếu vững chắc, chưa thực sự bắt nguồn từ năng lực nội sinh của nền kinh tế.

Hướng dẫn người nộp thuế và quan tâm chi đầu tư phát triển là quyết sách đúng đắn của nền kinh tế (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: T.D
Hướng dẫn người nộp thuế và quan tâm chi đầu tư phát triển là quyết sách đúng đắn của nền kinh tế (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: T.D

Theo thẩm tra của Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh thì cần đánh giá lại nguồn thu, nhất là các nguồn thu không ổn định, thiếu bền vững. Những thay đổi của chính sách thuế, phương pháp kê khai thuế cần được theo dõi kỹ khi xây dựng dự toán thu, bảo đảm phù hợp, sát thực tế hơn, tạo sự chủ động trong việc cân đối, bố trí nhiệm vụ chi ngay từ đầu mỗi năm. Một nhận định khác cũng đã được khuyến cáo là chi chuyển nguồn ngân sách tỉnh năm nào cũng lớn (năm 2013 hơn 2.570 tỷ đồng), cần phải linh hoạt, kịp thời điều chuyển vốn nhằm hạn chế tình trạng không sử dụng vốn hết phải chuyển nguồn qua năm sau. Chính quyền cần xem xét, nghiên cứu bố trí tăng chi đầu tư phát triển để tạo sự phát triển bền vững, ổn định. Sự chênh lệch giữa dự toán và quyết toán kể trên đã kéo dài trong nhiều năm. Không ít đại biểu HĐND lên tiếng chất vấn, phàn nàn về sự yếu kém trong dự báo. Không ít câu trả lời cho qua chuyện từ cơ quan quản lý, sau đó tình trạng chuyển nguồn và vượt dự toán khá nhiều vẫn tiếp tục xảy ra.

Ứng xử với ngân sách hạn hẹp

Theo Sở Tài chính, tăng thu ngân sách là điều đáng mừng. Đó là cơ sở để có thêm nguồn lực chi cho các chương trình thiết yếu, bổ sung thêm vốn cho đầu tư phát triển. Tuy nhiên, theo nhận định của các nhà hoạch định chính sách, nguồn tăng thu hàng năm lại đến bằng những yếu tố bất ngờ từ nhập siêu, thu từ nhà, đất tăng cao... không hẳn nằm ở khâu dự báo yếu. Vì thế, một khi thu ngân sách tăng từ những yếu tố không bền vững thì lại càng đáng lo hơn. Thực tế cho thấy nguồn thu từ sử dụng đất sẽ sụt giảm vì bất động sản tiếp tục đóng băng và kết dư cũng sẽ không tăng trưởng. Đặc biệt là nguồn thu chủ yếu vẫn dựa vào sự tăng trưởng của một vài doanh nghiệp trọng điểm chưa hẳn là điều tốt nhất. Theo ông Đinh Văn Đào – Cục trưởng Cục Thống kê, ngân sách hiện dựa vào những yếu tố mang tính ngắn hạn nói trên, trong khi nhiều xu hướng khác cũng đang tác động đến nguồn thu. Thuế suất thuế nhập khẩu đang giảm theo lộ trình khi ký kết các hiệp định thương mại tự do, “sức khỏe’’ khu vực doanh nghiệp cạn kiệt, nguồn tín dụng chưa được khơi rộng dòng... sẽ làm nguồn thu những năm tới bị ảnh hưởng khá nhiều. Đó là chưa kể các khoản viện trợ không hoàn lại cũng đang chiều hướng giảm, trong khi nguồn chi trả nợ ngày càng tăng. Các cơ quan quản lý cần nghiên cứu để nhanh chóng bổ sung nguồn thu thay thế và cân nhắc khi đưa ra chính sách trong tương lai.

Từ một góc nhìn khác có thể dễ dàng nhìn thấy là chi đầu tư phát triển bị giảm mạnh trong khi các khoản chi khác như chi thường xuyên lại tiếp tục gia tăng. Thống kê từ Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh cho thấy, tỷ lệ nguồn chi đầu tư phát triển lại giảm lớn so cùng kỳ năm 2012 (giảm đến 18,6%) và chiếm tỷ trọng khá thấp so với tổng chi thường xuyên (chiếm 48,8%). Điều này dường như mâu thuẫn với lý thuyết kinh tế: khi suy giảm tăng trưởng cần tăng chi đầu tư phát triển để kích thích kinh tế chứ không phải cắt giảm đầu tư, nhưng điều này ngược lại ở Quảng Nam. Những con số quyết toán cho thấy gánh nặng chi ngân sách cho bộ máy nhà nước ngày càng tăng, chi thường xuyên chiếm tỷ trọng lớn, nhất là các khoản chi cho quản lý hành chính và nguồn trả nợ lại được tính vào khoản chi thường xuyên… Điều này chắc chắn sẽ đẩy gánh nặng lên phía thu ngân sách. Lâu dài, nếu thu ngân sách gặp khó khăn, chi thường xuyên tiếp tục tăng lên sẽ dẫn đến thu không đủ bù chi thì việc tạm ứng, vay là điều tất yếu, bởi rất ít địa phương tự cân đối được ngân sách.

Ý kiến của một vài chuyên gia kinh tế cho rằng để giải quyết gốc rễ “căn bệnh” này thì phải phân bổ lại các khoản chi ngân sách sao cho hiệu quả nhất. Đó là việc tái cơ cấu lại các khoản chi thường xuyên, chuyển nguồn lực sang cho đầu tư phát triển. Giải quyết hợp lý điều này sẽ giải quyết đồng thời hai vấn đề về hậu quả đầu tư và thâm hụt ngân sách. Nhưng để đạt được điều này, có lẽ phải có một cuộc “cách mạng” từ những người làm chính sách vì tăng chi dễ, giảm chi lại rất khó…

TRỊNH DŨNG

TRỊNH DŨNG