Thực chất hay biểu diễn?

NHẬT PHONG 24/12/2014 09:16

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - Chi nhánh Quảng Nam công bố tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 12.2014 sẽ khoảng 13% với tổng dư nợ khoảng 27.000 tỷ đồng đã khiến giới doanh nghiệp ngạc nhiên. Không ít người hoài nghi khi chỉ mới tháng 10 năm nay, tăng trưởng tín dụng công bố chỉ vào khoảng 5 - 7% đã gia tăng bất ngờ, chỉ chưa đầy hai tháng đã đạt mục tiêu tăng trưởng (12% đến 14%/năm). Số vốn này đổ vào đâu khi hành trình tìm vốn của doanh nghiệp vẫn còn đầy gian nan?

Giới doanh nghiệp đã từng kỳ vọng rất nhiều vào sự điều tiết của cơ quan quản lý sau nhiều cuộc gặp gỡ giữa chính quyền, doanh nghiệp và ngân hàng, nhưng kết quả vẫn rơi vào vòng luẩn quẩn. Cho dù giới ngân hàng loan báo là dư địa cho vay rất lớn, nhiều gói tín dụng ưu đãi dành cho doanh nghiệp, nhưng không phải bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể với tay được đến dòng vốn đang chảy này. Một báo cáo bị lỗ đương nhiên doanh nghiệp bị từ chối, nhưng thiếu tài sản thế chấp và vốn đối ứng là hai cửa ải ngăn cản doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng. Dòng tiền một lần nữa bị tắc, khi không thể đáp ứng điều kiện vay vốn của các ngân hàng, dẫn đến sự trì trệ của cả nền kinh tế địa phương. Trước thực trạng này, chính Thống đốc NHNN Việt Nam đã chỉ đạo xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp để cho vay tín chấp. Theo nhiều doanh nghiệp, chủ trương này dường như chỉ để yên lòng doanh nghiệp, còn triển khai trong thực tế là chuyện khác. Bởi ngân hàng thương mại cũng là một định chế tài chính và họ phải chịu sự chỉ đạo của NHNN và người chịu trách nhiệm cuối cùng đối với khoản vay là cán bộ tín dụng, do đó họ sẽ thận trọng khi đẩy vốn vay không tài sản bảo đảm, nhất là khi nợ xấu chưa được giải quyết cụ thể. Nhiều ông chủ ngân hàng cho rằng huy động vốn mà không cho vay sẽ bị lỗ là cái chắc, nhưng cho vay tín chấp, ngân hàng phải kiểm soát được rủi ro. Còn mục tiêu tăng trưởng tín dụng phải phụ thuộc vào sức hấp thụ vốn của nền kinh tế. Ngân hàng không thể đơn phương kích cầu tín dụng dù đã nỗ lực lớn khơi thông nguồn vốn hay đẩy mạnh vay tín chấp. Quan điểm của họ là tín dụng tăng bao nhiêu, đạt chỉ tiêu hay không không có nhiều ý nghĩa. Tăng ít nhưng đúng chỗ còn hơn tăng nhiều mà lo ngay ngáy vì nợ xấu. Nhiều ngân hàng nói thà từ chối còn hơn cho vay nhầm, hay nói cách khác là thà để tiền trong kho còn hơn cho vay ra để gánh nợ khó đòi.

Như vậy, hiện tại thị trường tài chính, tín dụng đang lộ diện được hai vấn đề. Doanh nghiệp khó khăn tìm vốn vào đầu tư sản xuất, kinh doanh. Ngân hàng đã không khơi thông được dòng tiền chảy vào sản xuất, tiêu dùng. Sự nghẽn mạch, bế tắc của tiền tệ là đèn đỏ báo động tình trạng thẩm thấu vốn yếu kém của nền kinh tế. Chắc chắn giới ngân hàng không để tiền nằm im vì phải trả lãi huy động vốn nên buộc phải làm mọi cách để thu lợi nhuận và tăng trưởng, nhưng vốn vay cho dân doanh đã khó lại càng khó khăn hơn. Ngân hàng thừa tiền nhưng vốn không đến được với doanh nghiệp, thì liệu con số tăng trưởng 13% ấy ở đâu ra? Đó là sự tăng trưởng thực chất, thể hiện lượng vốn lớn đã đổ vào nền kinh tế hay chỉ là biện pháp kỹ thuật, biểu diễn trên thị trường tiền tệ?

NHẬT PHONG

NHẬT PHONG