Cảnh giác với mỹ phẩm giả

CHIÊU THỤC ANH 20/12/2014 16:41

Với nhiều chủng loại, mẫu mã phong phú hầu hết được dán nhãn của những thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc hiện được bán tràn lan khắp nơi từ các tiệm làm tóc, shop mỹ phẩm, quần áo, trên Internet tới các chợ lớn nhỏ…

Thật giả khó lường

Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường (QLTT), dù chưa có con số thống kê chính thức về số vụ vi phạm nhập mỹ phẩm lậu trên cả nước nhưng chỉ tính riêng con số phát hiện ở một vài địa phương thì hoàn toàn không hề nhỏ. Từ đầu năm tới nay, lực lượng QLTT TP.Hồ Chí Minh đã phát hiện hơn 67.000 sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu và trên 2.000 mỹ phẩm giả. Con số này gấp đôi so với cùng kỳ năm 2013. Chỉ tính riêng trong tuần cuối tháng 10. 2014, QLTT TP.Hồ Chí Minh đã kiểm tra, phát hiện 8 vụ sản xuất kinh doanh mỹ phẩm có dấu hiệu giả nhãn hiệu, trong đó có nhiều loại mỹ phẩm dùng cho tóc, da, son môi, nước hoa… Còn tại Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, Chi cục QLTT tỉnh này đã phát hiện 7 vụ vi phạm bán hàng mỹ phẩm giả và hàng nhập lậu không rõ nguồn gốc. Số hàng hóa bị tịch thu gồm: 220kg kem thoa mặt, hơn 200 hộp, ống, gói kem dưỡng da…

Một đợt kiểm tra mỹ phẩm của Chi cục QLTT Quảng Nam.Ảnh: THỤC ANH
Một đợt kiểm tra mỹ phẩm của Chi cục QLTT Quảng Nam.Ảnh: THỤC ANH

Tại Quảng Nam, đội Chống buôn bán hàng giả, hàng nhái (Chi cục QLTT) trong năm 2014 đã kiểm tra, kiểm soát 30 vụ buôn bán mỹ phẩm. Trong đó, xử lý vi phạm hành chính 4 vụ với số tiền xử phạt là 5,9 triệu đồng, tịch thu 29 thùng với 680 chai dầu gội đầu. Mới đây, đội chống buôn bán hàng giả, hàng nhái nhận được đơn tố cáo 3 cơ sở buôn bán mỹ phẩm giả; tuy nhiên khi kiểm tra đều được các cơ sở chứng minh đó không phải là hàng giả. Trong khi đó, cơ sở tố cáo lại không đủ  điều kiện để giúp QLTT phân biệt hàng giả, hàng thật của sản phẩm của hãng mình.

Khảo sát tại những sạp mỹ phẩm ở chợ Tam Kỳ có thể dễ dàng tìm thấy đủ các nhãn hàng mỹ phẩm đa dạng các chủng loại từ son môi, phấn phủ, phấn nền, nước hoa hồng, kem dưỡng, phấn mắt, mascara… Thường, các nhãn hàng càng có uy tín và chất lượng bị làm nhái khá nhiều như Lancome, Maybeline, L’Oréal, Essance, Shisedo, MAC… và được bán với giá chỉ chưa bằng 1/3 so với sản phẩm chính hãng. Nhiều sản phẩm không có vỏ hộp, người bán cho biết không có vỏ hộp mới có giá đó chứ hàng nguyên hộp giá gấp đôi, quan trọng là chất lượng. Đầu tháng 11 vừa qua, giới buôn bán mỹ phẩm xách tay tại Tam Kỳ chứng kiến câu chuyện “làm giá” thỏi son Dior của một cửa hàng mỹ phẩm xách tay. Ban đầu, chủ cửa hàng giới thiệu chị mua được 5 thỏi son Dior với giá về tới Việt Nam là 550.000 đồng/cây. Tuy nhiên, những người sành mỹ phẩm đều chắc chắn rằng với thương hiệu của mình, son Dior về đến Việt Nam không thể có giá như vậy vì những thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng ít khi giảm giá sâu. Bởi một cây son Dior như thế, nếu có giảm cũng chỉ dừng ở mức 33USD (luôn chi phí về đến Việt Nam khoảng trên dưới 700.000 đồng). Thế nên, nhiều khách hàng của cửa hàng mỹ phẩm nọ đã đặt câu hỏi, với cách biệt 200.000 đồng/thỏi son, liệu đó có phải là cây son Dior chính hãng hay cửa hàng đã nhập hàng giả?.

Sôi động mọi nơi    

Hiện nay, theo quan sát và ghi nhận của chúng tôi, thị trường mỹ phẩm xách tay trên mạng và kinh doanh mỹ phẩm tại chợ đều sôi động gần như ngang ngửa nhau. Tại chợ Tam Kỳ, đối tượng khách hàng ở các quầy mỹ phẩm thường đa dạng, từ cán bộ công chức đến kinh doanh, nội trợ sinh sống trên địa bàn thành phố và cả các xã, huyện ven Tam Kỳ như Núi Thành, Tiên Phước, Thăng Bình, Phú Ninh… Còn với các cửa hàng mỹ phẩm trên mạng, phần lớn khách hàng là các bạn trẻ, học sinh, sinh viên. Bạn Trần Thị Hoài Ly (giáo viên Trường Tiểu học Kim Đồng, huyện Tiên Phước) cho rằng: “Sự thật mình cũng có mươi phần không tin tưởng mỹ phẩm mình đang dùng là chính hãng, sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng dù mua chỗ quen thân. Nhưng nhu cầu làm đẹp không thể bỏ qua nên nhiều khi tặc lưỡi chấp nhận”. Trong khi đó, một vài cửa hàng mỹ phẩm xách tay từ nước ngoài để đảm bảo độ tin tưởng cho khách hàng đã sẵn sàng chưng ra các hóa đơn mua hàng từ nước ngoài như Facebook Tuyet Nguyen, Miushop Tky (Quảng Nam)…

Trên Internet, vào Google gõ “mỹ phẩm giá rẻ”, mọi người sẽ nhận được khoảng 462.000 kết quả trong 0,45 giây. Điều này cho thấy việc kinh doanh mỹ phẩm sôi động như thế nào. Tuy nhiên, có bao nhiêu trang web kinh doanh hàng thật, hàng chất lượng thì không thể biết được. Các loại mỹ phẩm được rao bán với giá rất rẻ, khuyến mãi tới 50 - 70%/sản phẩm. Cụ thể như bộ mỹ phẩm Essance 5 món gồm: kem nền, phấn nền phủ siêu mịn, phấn má hồng 2 tầng, son môi hai đầu, mascara hai đầu được giảm giá gần 50% chỉ 160.000 đồng nhưng theo giá khảo sát tại cửa hàng bán hàng chính hãng thì sản phẩm này không dưới 300.000 đồng. Trước tình trạng này các hãng mỹ phẩm cũng gần như bất lực trước tình trạng buôn bán hàng giả. Vừa qua, hãng mỹ phẩm L’Oreal đã nêu ra 14 website bán mỹ phẩm giả của hãng như www.topmuare.vn, www.hcmdeal.com, www.redeal.vn...

Về phía cơ quan chức năng, cả lực lượng cảnh sát kinh tế lẫn QLTT đều thừa nhận rất khó để minh bạch thị trường mỹ phẩm có thương hiệu ngoài nước. “Muốn nhận diện hàng giả, hàng thật, việc đầu tiên cơ sở sản xuất phải hỗ trợ và cung cấp những thông tin thiết yếu cho cơ quan chức năng. Nhưng những loại mỹ phẩm nổi tiếng đều ở nước ngoài, nên việc liên kết để làm trong sạch thị trường là việc quá khó trong điều kiện hiện nay”, ông Lê Cần – Chi cục phó Chi cục QLTT Quảng Nam, cho biết.

CHIÊU THỤC ANH

CHIÊU THỤC ANH