Điều hòa ngân sách, tại sao không?
Tăng thu, giảm chi, quản lý hiệu quả vốn đầu tư… là chủ trương của UBND tỉnh đặt ra cho các sở, ngành, địa phương, nhưng không phải dễ dàng thực hiện mục tiêu này khi nguồn lực có hạn và bị căng kéo. Một cơ chế điều hòa ngân sách lẫn nhau đang được các huyện, thành phố quan tâm.
Giao kế hoạch ngân sách
Ngày 15.12, UBND tỉnh công bố kế hoạch thu cân đối ngân sách Quảng Nam sẽ vào khoảng 13.701 tỷ đồng, bằng 92,4% so với ước thực hiện năm 2014. Ngân sách tỉnh chiếm 61,65% tổng nguồn thu phát sinh kinh tế ngân sách được hưởng và ngân sách huyện, thành phố, bao gồm cả ngân sách xã, phường, thị trấn, chiếm 38,35% tổng thu phát sinh kinh tế ngân sách địa phương được hưởng; tổng chi sẽ vào khoảng bằng dự toán thu. Theo UBND tỉnh, cho dù năm 2014 thu ngân sách đã vượt kế hoạch, nhưng nguồn thu thiếu ổn định, không vững chắc nên việc thu, chi năm 2015 cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng để tránh thâm hụt ngân sách. Quan điểm của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh là sự điều hành ngân sách sẽ phải bảo đảm kế hoạch phát triển, ổn định, đúng luật định. Các ngành, các cấp sẽ tiếp tục được phân bổ và quản lý hiệu quả vốn đầu tư. Tất cả đều phải có kế hoạch chi tiết, cụ thể để quản lý thu, chi chặt chẽ, tiết kiệm triệt để, ưu tiên trong gói ngân sách đã được duyệt. Các địa phương buộc phải thực hiện nghiêm túc việc quản lý ngân sách, nhưng không phải dễ dàng thực hiện.
Thu ngân sách đang trở thành áp lực với nhiều địa phương. (Ảnh minh họa). |
UBND tỉnh cũng đã thừa nhận nguồn thu phát sinh trên địa bàn có tăng trưởng nhưng không đồng đều và thiếu bền vững. Nhiều lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhưng lại tăng trưởng không đều. Có năm thu đạt rất thấp, có năm vượt dự toán khá cao… làm khó khăn trong công tác cân đối điều hành ngân sách. Sự ổn định cơ chế phân cấp nguồn thu, chi cơ bản đã tạo sự chủ động cho các địa phương có nguồn lực để phát triển, nhưng do chưa lường hết số thu phát sinh của từng địa phương nên một số huyện có số thu tăng cao. Ngược lại, có địa phương tăng thu không đáng kể, thậm chí giảm thu khá nhiều, dẫn đến nguồn lực tài chính để phát triển các địa phương không đồng nhất, ngân sách tỉnh phải hỗ trợ thêm cho các địa phương hụt thu.
Chính quyền Phước Sơn, Phú Ninh, Điện Bàn, Hội An, Nam Giang than phiền là cơ chế điều hành ngân sách năm 2015 có điều chỉnh phân cấp nguồn thu, điều này đã gây khó khăn cho các địa phương. Năm 2014, các địa phương này đã bị hụt thu do sự giảm sút của vàng, bia, thủy điện, yến sào…, nhưng năm nay thu ngân sách lại ấn định gia tăng nên không thể biết được có bảo đảm số thu ngân sách hay không. Ông Nguyễn Tiến - Bí thư Huyện ủy Núi Thành cho biết thu ngân sách trên địa bàn chủ yếu là ô tô Trường Hải, nhưng địa phương không thể chủ động được kế hoạch sản xuất kinh doanh của họ. Nếu có sự đột biến thì con số thu sẽ không thể ổn định được. Không thể cứ vin vào sự phát triển của doanh nghiệp mà nếu họ sản xuất, kinh doanh phập phù thì địa phương sẽ điêu đứng. Đừng để cạn kiệt nguồn thu vì cứ ấn thu.
Điều hòa nguồn thu?
Theo nhiều địa phương, việc chi ngân sách có thể dự báo được, còn việc thu ngân sách lại không dễ chút nào bởi phần lớn các khoản thu đều đến từ năng lực sản xuất của các doanh nghiệp. Các chính sách hỗ trợ, đối thoại doanh nghiệp, ký kết mở rộng tín dụng đã có tác động đến sự phát triển kinh tế. Hơn ai hết, cơ quan quản lý và địa phương đều hiểu mục tiêu của doanh nghiệp là lợi nhuận. Không có cơ sở này thì doanh nghiệp không thể tồn tại, phát triển, đóng góp vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, diễn biến của thị trường, ngay cả doanh nghiệp cũng khó lường hết huống gì các địa phương. Theo nhận định của các địa phương, hiện rất ít địa phương tự cân đối được ngân sách. Trong bối cảnh ngân sách tỉnh khó khăn như hiện nay, nhiều nguồn thu bị hụt, nhưng chỉ tiêu giao ngân sách lại không hề giảm, khiến nhiều địa phương khó có thể kham nổi. Nguy cơ hụt thu là điều đã được báo trước. Việc cải cách, phân cấp nguồn thu chi ngân sách đang là vấn đề lớn, chưa thể khuyến khích các địa phương năng động, sáng tạo và tự chủ khai thác các nguồn lực tài chính một cách hợp lý, tạo ra động lực phát triển cân đối và toàn diện cho toàn Quảng Nam.
Nhiều địa phương đề nghị UBND tỉnh cần điều hòa chung trong việc phân bổ dự toán thu ngân sách năm 2015 để hợp lý giữa các địa phương. Ngoài ra, cơ quan thuế cần tăng cường trách nhiệm để thu đạt chỉ tiêu việc thu phát sinh kinh tế, bảo đảm nguồn thu, quyền lợi của các huyện, thành phố. Ông Nguyễn Cảnh - Bí thư Huyện ủy Phú Ninh nói nếu doanh nghiệp vàng không trả nợ thuế thì đóng cửa. Thu ngân sách cứ giao 20 tỷ đồng năm nay cho Phú Ninh nếu không thu được thì Phú Ninh lấy gì mà “ăn”(?). Nguồn vượt thu phân bổ không đủ để bổ sung dự án, các địa phương phải đối ứng. Nếu nợ phát sinh cần cơ chế tháo gỡ cho công trình chứ không thì nợ công sẽ tăng và công trình dang dở. Ông Ngô Bốn – Cục trưởng Cục Thuế cho hay, tình trạng hụt thu của 5 địa phương trên là do không dự lường được sự suy giảm năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn. Những cam kết của doanh nghiệp trong việc mở rộng đầu tư, sản xuất đã không được thực hiện. Năm 2015 có rất ít nhân tố thu thuế mới, còn vàng cũng chưa biết có thu được hay không. Thực tế còn nhiều huyện hụt thu. Vì vậy, cần có cơ chế điều hòa. Một số địa phương vượt thu nhiều thì nên điều hòa cho các địa phương khác. Việc này nên ban hành luôn cơ chế, không đợi xin hay đề nghị, không nên để sức ép lên ngành thuế. Theo ông Phan Văn Chín – Giám đốc Sở Tài chính, sự phân cấp thu thì sẽ diễn ra cảnh kẻ giàu, người nghèo. Nếu như trung ương, tỉnh có cơ chế thì ngay trong tháng 7.2015 này sẽ điều tiết ngân sách.
TRỊNH DŨNG