Cứu nguồn thu ngân sách
Thu ngân sách có tăng trưởng hay không đều phải dựa trên năng lực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Cứu nguồn thu cho ngân sách thì chắc chắn phải cứu những người đang đóng góp cho ngân sách trước. Đây mới là giải pháp căn cơ và chỉ như vậy nguồn thu của ngân sách mới thật sự bền vững.
Miễn giảm thuế cho DN, không chỉ nhắm đến giải quyết áp lực mà phải hướng tới mục tiêu kích thích và tăng cường sức mua thị trường. Kích thích sức mua của thị trường là một trong những giải pháp hữu hiệu để cứu DN. Sự tồn vong của DN còn tác động trực tiếp tới sự sống còn của cả nền kinh tế. Vì thế, mọi chính sách vào lúc này đều phải nhắm tới về một mục tiêu là cứu DN. Khó khăn của DN hiện thời không phải là lãi suất mà là chi phí kinh doanh quá nặng và sức mua thị trường quá yếu. Những biện pháp giãn, hoãn, miễn chỉ là lùi thời gian trả nợ để có đủ sức lực chống chọi khủng hoảng và thuế thu nhập cá nhân chỉ đủ bù đắp cho phần tăng giá, vì thế chẳng giúp gì nhiều cho việc cải thiện sức mua của thị trường.
Gần như trong các cuộc họp thường kỳ hay HĐND, lần nào cụm từ “tập trung đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh” cũng được nhấn mạnh. Nhưng chính sách, giải pháp rất nhiều và chung chung nhưng chưa thấy những hành động cụ thể để những giải pháp đó phát huy tác dụng đủ mạnh với nền kinh tế. Những cuộc đối thoại dường như chỉ làm vơi nỗi lo của DN, còn không ai biết sự thể cuối cùng của những kiến nghị của DN sẽ đi về đâu sau hậu kết luận của lãnh đạo tỉnh. Ngân sách Quảng Nam chuyển dịch dần từ phụ thuộc các nguồn thu bất ổn sang chủ yếu là các nguồn thu từ thuế và phí. Các loại khung phí sắp được ban hành cũng sẽ có thêm nguồn thu lớn, nhưng gánh nặng thuế, phí ngày càng lớn sẽ chất thêm gánh nặng lên các DN, người dân và có nguy cơ làm giảm tốc độ tăng trưởng và hậu quả là nguồn thu lại giảm. Chắc hẳn đây là điều không một ai mong muốn.
Theo kết quả điều tra, thu ngân sách chiếm số đông là DN tư nhân. Thế nhưng tình hình DN hiện nay đang không thuận chiều. Mọi chuyện cũng rõ ràng không kém là nguồn thu từ DN chỉ có thể dồi dào khi họ ăn nên làm ra. Vì thế bên cạnh biện pháp quyết liệt tăng thu, cần phải có một biện pháp khác quan trọng hơn là quyết liệt giải cứu DN, giải cứu người đóng thuế. Việc tận thu hay cố tăng trưởng tăng thu bằng mọi cách là điều dễ hiểu vì mục tiêu thu ngân sách ít ỏi, phải chịu cảnh bị căng kéo, nhưng nếu muốn túi tiền của Quảng Nam nhiều hơn thì các chính sách hỗ trợ phải được ưu tiên thực hiện nhanh nhất. Với DN đang ngắc ngoải, các biện pháp tăng thu quyết liệt chỉ có thể đẩy họ đến gần cái chết hơn. Trong hoàn cảnh này, nguồn thu như thế chỉ tăng được một lần, nếu có, rồi thôi vì nhiều DN sẽ vĩnh viễn ra đi. Ngoài chuyện miễn thuế, giãn thuế đến mức có thể thì các biện pháp khác cũng cần được cụ thể hóa ngay theo hướng giúp DN giải quyết khó khăn, để họ sống sót, khỏe dần lên trước khi nghĩ đến chuyện tận thu từ họ.
TÙY PHONG