Đánh thức Núi Thành
Được đánh giá là địa phương sở hữu nhiều tài nguyên thiên nhiên nhưng bao năm nay du lịch Núi Thành vẫn chưa có nhiều khởi sắc; tất cả mới chỉ dừng lại ở dạng tiềm năng cần khai phá.
Bàn Than luôn mang đến cho khách tham quan nhiều cảm xúc.Ảnh: K.LINH |
Đa dạng tài nguyên
Nhiều nhà lữ hành, quản lý du lịch khi đến Núi Thành không khỏi xuýt xoa trước sự đa dạng tài nguyên du lịch của vùng đất này. Thiên nhiên đã ưu ái ban cho Núi Thành bờ biển kéo dài gần 37km mịn màng cát trắng, nhiều bãi tắm nước xanh biếc tràn ngập ánh mặt trời. Những địa danh như biển Rạn, Tam Hòa, Tam Hải, Tam Tiến… với khung cảnh hoang sơ cùng hàng chục loài thủy hải sản, san hô, cua, ghẹ, ốc, nghêu, hàu, vú nàng… đã trở thành “đặc sản” truyền tụng của du khách. Nổi tiếng nhất trong số các bãi biển Núi Thành phải kể đến Bàn Than (Tam Hải), nơi có dải đá đen trải dài lấp lánh, qua bao biến thiên thời gian và sự xâm thực của sóng biển đã tạo thành những hang hốc kỳ lạ tựa muôn vàn tác phẩm điêu khắc đá giữa đất trời. Ngoài ra, Núi Thành cũng còn lưu giữ khá nhiều di tích lịch sử, cảnh đẹp và các làng nghề truyền thống như Hố Giang Thơm, Nà Nghệ, nghĩa địa cá Ông, tháp Khương Mỹ, nghề đan xơ dừa, đan thúng rái, nước mắm, rừng nguyên sinh, hệ sinh thái ngập mặn. Đặc biệt, những di tích gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc như Tượng đài chiến thắng Núi Thành, sân bay Chu Lai, chùa Hang… đây là cơ sở quan trọng để địa phương xây dựng chiến lược phát triển các loại hình du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng.
Ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH,TT&DL nhìn nhận, so với địa phương khác trong tỉnh, Núi Thành có nhiều lợi thế hơn cả. Trong đó, giá trị biển và cảnh quan hoang sơ sẽ đóng vai trò quan trọng giúp địa phương xây dựng những sản phẩm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp, nhất là trục đường ven biển kết nối Chu Lai và Dung Quất. Thực tế, thời gian qua không ít doanh nghiệp đã đến đầu tư các dịch vụ, hạ tầng để đón khách. Có thể kể Le Domain de Tam Hải, Trùng Dương Tam Quang, Chu Lai Beach City Resort & Urban cùng hàng chục cơ sở lưu trú nghỉ dưỡng thông thường. Nhiều công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh cũng tiến hành khảo sát, xây dựng tour, tuyến tham quan. Gần đây là đoàn famtrip có sự tham dự của đại diện báo chí, lãnh đạo 15 công ty du lịch như Saigontourist, Vitours, APEX Việt Nam, Hội An Travel…. Kết quả, vài doanh nghiệp lữ hành tại Đà Nẵng đang bắt đầu xây dựng chương trình chào bán tour, mở ra cơ hội đánh thức những giá trị văn hóa, thiên nhiên nơi đây, hứa hẹn hình thành lên một tam giác du lịch kết nối với các vùng lân cận là Tam Kỳ và Phú Ninh, góp phần mở rộng không gian du lịch Quảng Nam về các huyện phía nam của tỉnh.
Du lịch cộng đồng
Tiềm năng đã có, tuy nhiên để chuyển hóa các lợi thế vùng đất thành sản phẩm du lịch cụ thể không hề đơn giản. Ngoài những hạn chế về hạ tầng, nguồn nhân lực thì công tác quy hoạch, xúc tiến quảng bá, kêu gọi đầu tư luôn là thách thức. Đặc biệt, đến nay Núi Thành vẫn chưa xây dựng xong đề án phát triển du lịch trên địa bàn huyện nên việc phân vùng quy hoạch hay kêu gọi đầu tư từ bên ngoài cũng gặp nhiều vướng mắc, khó khăn. Ông Nguyễn Văn Xứng – Trưởng phòng VH-TT huyện Núi Thành thừa nhận, điểm yếu nhất của du lịch Núi Thành thời gian qua là chưa hình thành được hệ thống sản phẩm, dịch vụ cụ thể. Ngoài yếu tố kinh phí eo hẹp, còn phụ thuộc vào lượng khách quá ít do chưa kết nối được với khách đoàn. “Hướng phát triển của du lịch Núi Thành những năm tới là du lịch cộng đồng. Trong đó, tập trung vào 4 xã gồm Tam Hải, Tam Quang, Tam Sơn và Tam Mỹ Tây nhằm gắn hoạt động của du khách với thiên nhiên và trải nghiệm văn hóa bản địa với người dân quê” - ông Xứng cho biết. Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch làng nghề như thảm dừa Tam Quang, nước mắm An Hòa, chế biến thủy hải sản; khám phá hệ sinh thái các cánh rừng ngập mặn ven biển…
Thực tế, mô hình du lịch cộng đồng đang là xu hướng mới hiện nay, nhưng không phải địa phương nào cũng thành công. Theo ông Phạm Văn Quyện – Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, tuy đề án Phát triển du lịch huyện đến năm 2015 mới hoàn thành, nhưng thời gian qua địa phương vẫn luôn khuyến khích kêu gọi các doanh nghiệp du lịch đầu tư, đưa khách đến. Cùng với đó, công tác xây dựng nguồn nhân lực tại chỗ cũng thường xuyên được chú trọng nhằm hình thành lên lực lượng chuyên môn sẵn sàng phục vụ đón khách. “Phát triển du lịch luôn là mong ước của địa phương, nhưng tới tầm cấp huyện thì khó thể có đột phá trong việc kêu gọi đầu tư, thu hút du lịch từ bên ngoài nên Sở VH-TT&DL phải giúp Núi Thành làm việc này cũng như hỗ trợ đào tạo chuyên môn cho cán bộ nhân viên về các kỹ năng quản lý, hoạt động du lịch, trước mắt là Phòng VHTT huyện” - ông Quyện đề xuất.
Có thể khẳng định, để xây dựng thành công một điểm đến ngoài những lợi thế về văn hóa, lịch sử, thiên nhiên… là chưa đủ. Quá trình hình thành, phát triển chiến lược du lịch còn đòi hỏi nhiều yếu tố như hạ tầng dịch vụ, sản phẩm đặc trưng, sự đồng thuận của người dân và chính quyền, nhất là công tác xúc tiến, quảng bá, kết nối doanh nghiệp phải được triển khai đồng bộ và bền bỉ… Đây là điều mà bất kỳ địa phương nào muốn làm du lịch cũng phải thực thi và Núi Thành cũng không ngoại lệ.
KHÁNH LINH