Chậm giải ngân vốn cho ngư dân

TÙY PHONG 26/11/2014 09:33

Gần 3 tháng kể từ ngày Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản có hiệu lực thi hành (25.8.2014) vẫn chưa có dự án nào được giải ngân.

Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Quảng Nam, hiện tổng dư nợ cho vay các xã ven biển đã hơn 638,47 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 2,61%/tổng dư nợ cho vay trên địa bàn Quảng Nam, nhưng chưa một dự án nào vay đóng mới tàu theo Nghị định 67 được giải ngân. Cơ quan này cho hay các ngân hàng thương mại đã chuẩn bị đủ nguồn vốn, hoàn thiện quy trình, hướng dẫn thủ tục cho vay theo tinh thần ngắn gọn, đơn giản, phù hợp với nghị định, hướng dẫn của NHNN. Các ngân hàng cam kết xử lý, trả lời trong 4 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ. UBND tỉnh cũng đã công bố phân bổ cho 92/150 dự án đăng ký cùng với cam kết hỗ trợ lãi suất… Nhưng chưa có dự án nào được phê duyệt gửi đến ngân hàng nên không thể nào giải ngân được.

Lý do đơn giản được công bố là ngư dân sẽ liên hệ với ngân hàng để làm hồ sơ vay vốn, giải ngân ngay khi có danh sách hồ sơ được UBND tỉnh phê duyệt. Trớ trêu là việc đăng ký, xét duyệt ngư dân đủ điều kiện vay vốn được đưa lên từ cấp xã, lên huyện thẩm định và UBND tỉnh thẩm định, quyết định danh sách cuối cùng. Nhưng thẩm quyền xét duyệt danh sách ngư dân đủ điều kiện hay không lại không thuộc về thẩm quyền của UBND tỉnh. Vì vậy, dù đã ra quyết định phân bổ số lượng dự án nhưng chính quyền tỉnh vẫn phải chờ đợi từ địa phương trình mới phê duyệt được. Mà cơ quan quản lý địa phương chậm chạp sẽ kéo theo hệ lụy là chưa có hồ sơ dự án nào đến với ngân hàng, do đó gói tín dụng này chưa thể giải ngân.

Có thể vẫn đang có sự phân vân khi đứng trước “lịch sử đầu tư” như chương trình đánh bắt xa bờ trước kia còn một đống nợ chưa thể thu hồi nên các địa phương xem xét, thẩm định phương án sản xuất kỹ lưỡng. Hoặc chưa biết chọn ai, bỏ ai trong số đăng ký, nhưng cần phải hiểu một điều rằng quan hệ giữa người dân và ngân hàng theo chính sách này là mối quan hệ vay - trả chứ không phải cho không, vì vậy vẫn được xem là một trong những gói tín dụng vì dân. Chưa một gói tín dụng nào lại dễ dàng được ngân hàng chờ đợi giải ngân như gói tín dụng này, nhưng sự tắc nghẽn đường đi của nó trong vòng 3 tháng qua vẫn là câu chuyện đáng lưu tâm. Tại sao một nghị định mang tính lịch sử vì Chính phủ ban hành nó nhanh nhất, đi vào cuộc sống cụ thể, nhưng vốn lại chưa đến được với ngư dân một cách sớm nhất cần một câu trả lời rõ ràng. Sự chậm chạp trong việc thẩm định xét duyệt hồ sơ, danh sách khiến ngư dân không mặn mà là điều có thể xảy ra, trong khi đó năm 2016 sẽ kết thúc chương trình này.

TÙY PHONG

TÙY PHONG