Xây dựng công trình cấp thiết về môi trường ở Hội An: Thiếu kinh phí
Hàng trăm tỷ đồng đầu tư cho các công trình trọng điểm nhưng nhiều công trình cấp thiết về môi trường tại Hội An vẫn chưa thực hiện do thiếu kinh phí.
Hiệu quả từ nguồn ODA
Chỉ trong 3 năm trở lại đây, tại Hội An đã xây dựng rất nhiều công trình liên quan đến sự nghiệp bảo vệ môi trường với kinh phí hàng chục triệu đô la. Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: “Chi phí đầu tư cho môi trường rất lớn, nhưng so với nhu cầu thì chưa đáp ứng. Hầu hết công trình đều sử dụng nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại của Pháp, Nhật, Na Uy…”. Mới đây, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình “Cải thiện chất lượng nước tại khu vực Chùa Cầu” với kinh phí đầu tư gần 244 tỷ đồng từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng ngân sách nhà nước.
Nhiều công trình cấp thiết chưa làm vì thiếu kinh phí. Ảnh: Q.H |
Năm 2011, nhà máy xử lý nước thải Hội An, một trong 4 hợp phần của dự án xử lý nước thải, chất thải rắn và bảo vệ môi trường đã hoàn thành. Dự án được đầu tư từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Pháp hơn 10 triệu euro cùng vốn đối ứng Việt Nam hơn 134 tỷ đồng nhằm nâng cao mức sống cộng đồng, bảo vệ môi trường sinh thái và di sản Đô thị cổ Hội An, bao gồm nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt công suất 55 tấn/ngày đêm tại xã Cẩm Hà; nhà máy xử lý nước thải công suất 6.700m3/ngày đêm tại xã Cẩm Thanh; hệ thống mạng lưới thu gom nước thải sinh hoạt cho các phường nội thị và một số xã lân cận cùng trạm xử lý nước thải, rác thải bệnh viện với công suất xử lý quy mô bệnh viện 300 giường. Trong năm nay, dự án nâng cấp và mở rộng hệ thống cấp thoát nước Hội An với tổng mức đầu tư lên đến hơn 11,5 triệu USD cũng đã đi vào hoạt động; trong đó, vốn ODA của Chính phủ Vương quốc Na Uy tài trợ hơn 5 triệu USD, vốn doanh nghiệp tự huy động hơn 4,5 triệu USD và vốn đối ứng từ ngân sách gần 1,4 triệu USD.
Trong cuộc làm việc với Hội An về công tác thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn ODA cho đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn giai đoạn 2006 - 2012, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhận định, trong quá trình triển khai, Hội An đã thực hiện nghiêm các quy định, trình tự, thủ tục đầu tư, bảo đảm sử dụng nguồn vốn hiệu quả, không thất thoát. Tuy nhiên, việc khảo sát, bố trí địa điểm xây dựng chưa phù hợp với quy hoạch nên phải điều chỉnh. Thành phố cần rút kinh nghiệm để thực hiện tốt các hợp phần còn lại của dự án; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA, tạo cơ sở để tiếp tục thu hút nhiều dự án ODA khác cho đầu tư, xây dựng thành phố.
Chưa làm vì thiếu nguồn
Trên thực tế, nỗ lực huy động vốn đầu tư đã góp phần cải thiện đáng kể môi trường sống tại Hội An. Tuy nhiên, là địa phương có địa hình phức tạp, hoạt động phát triển kinh tế phong phú, đa dạng nên vấn đề bảo vệ môi trường gặp nhiều khó khăn. Các công trình xử lý nước thải đô thị chưa được xây dựng, các hoạt động sản xuất kinh doanh không tập trung nên gây khó khăn cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng xử lý môi trường. Theo ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng phòng Tài nguyên - môi trường Hội An, hàng loạt công trình cấp thiết như các bãi rác chôn lấp hợp vệ sinh; cải tạo môi trường các sông, hồ; xây dựng hệ thống xử lý nước thải phân tán tại các cụm công nghiệp, khu công nghiệp, các làng nghề truyền thống... chưa xây dựng do khó khăn về kinh phí. Riêng với đề án “Xây dựng Hội An - Thành phố sinh thái”, nhiều nội dung được triển khai chậm cũng một phần do chưa có kinh phí. Tính đến cuối năm ngoái, chỉ có 11/37 dự án thành phần được lập và phê duyệt, mới bằng 20%.
Nhiều năm qua, Hội An đã thống nhất trích không dưới 1% tổng chi ngân sách cho sự nghiệp bảo vệ môi trường. Nhờ đó, bình quân mỗi năm, ngoài sự hỗ trợ của tỉnh khoảng 5 tỷ đồng, thành phố chi trên 15 tỷ đồng, có năm kinh phí đầu tư cho môi trường lên đến 25 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn kinh phí này vẫn chưa đáp ứng yêu cầu giải quyết các vấn đề môi trường; ở một số xã, phường, việc sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường lại chưa hợp lý và không đúng mục đích, từ đó dẫn đến việc quản lý kém hiệu quả. “Thành phố tăng cường quản lý, sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả nguồn chi thường xuyên từ ngân sách và đa dạng hóa đầu tư cho bảo vệ môi trường. Áp dụng cơ chế thu, quản lý và sử dụng tiền phạt vi phạm hành chính theo quy định. Bảo đảm việc quản lý, phân bổ và sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả kinh phí trong lĩnh vực môi trường” - ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố nói.
Hội An cũng đang thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp, khai thác khoáng sản, chất thải rắn, khí thải theo quy định; tiếp tục kiến nghị với UBND tỉnh tạo cơ chế huy động vốn từ các nguồn khác nhau để thực hiện đề án “Xây dựng Hội An - Thành phố sinh thái” và triển khai lập quy hoạch mạng lưới hạ tầng kỹ thuật thành phố đến năm 2020, 2030 với các tiêu chí sinh thái, bền vững.
QUỐC HẢI