Nguy cơ hàng giả chiếm thị trường

THỤC ANH - THỤY VŨ 15/11/2014 15:34

Chưa bao giờ vấn nạn hàng giả, hàng nhái lại khiến chính quyền và cộng đồng xã hội quan tâm như hiện nay...

Hàng giả lan rộng

Trong hội thảo “Doanh nghiệp đồng hành với quản lý thị trường trong công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ” được tổ chức mới đây tại TP.Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thanh Hồng – Trưởng phòng thực thi và giải quyết khiếu nại, Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng: “Nếu không ngăn chặn kịp thời và mạnh tay, chỉ vài ba năm nữa thôi, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia sản xuất hàng giả, hàng nhái”. Bởi theo ông Hồng, hiện có làn sóng chuyển dịch địa điểm sản xuất hàng giả từ Trung Quốc sang Việt Nam do giá nhân công Việt Nam rẻ hơn và hàng xuất xứ từ Việt Nam khi xuất khẩu sang các nước khác thường quy trình kiểm tra cũng dễ dàng hơn so với hàng xuất xứ từ Trung Quốc. Theo số liệu của Cục Quản lý thị trường (QLTT), nếu như năm 2010, số vụ xử lý hàng giả chỉ khoảng 10.500 vụ với số tiền phạt là 44,4 tỷ đồng, giá trị hàng vi phạm chỉ là 3,8 tỷ đồng thì đến năm 2013, con số này đã tăng lên đến hơn 14.000 vụ bị xử lý, số tiền phạt là 62 tỷ đồng và giá trị hàng hóa tiêu hủy là 32,1 tỷ đồng. Điều này chứng tỏ hoạt động sản xuất và buôn bán hàng giả ngày càng tăng mạnh. Lý do cũng khá đơn giản, do nằm kề một “cường quốc làm hàng giả” nên việc hàng giả thẩm lậu vào nước ta cũng là điều đương nhiên, dễ hiểu.

Không riêng lực lượng QLTT mà trong cuộc chiến chống buôn bán hàng giả cần sự phối hợp của doanh nghiệp.ẢNH: THỤC ANH
Không riêng lực lượng QLTT mà trong cuộc chiến chống buôn bán hàng giả cần sự phối hợp của doanh nghiệp.ẢNH: THỤC ANH

Câu chuyện sản xuất hàng giả đã trở nên phổ biến và lan rộng hơn bao giờ hết, nhiều người đã gần như mặc nhiên “sống chung với hàng giả”. Thậm chí coi sản xuất hàng giả không còn là việc ghê gớm, vi phạm pháp luật. Bởi, hàng giả đã đi sâu và len lỏi vào từng ngóc ngách của từng hẻm, về miền nông thôn vùng sâu vùng xa. Và gần đây nhất, thông tin một tiểu thương mua quần áo không rõ nguồn gốc xuất xứ về tháo nhãn mác ra và thay vào mạc có in chữ “made in Vietnam” tại một huyện miền núi đang được Chi cục QLTT tỉnh kiểm tra.  Ông Đỗ Thanh Lam – Phó cục trưởng Cục QLTT trong hội nghị quản lý phân bón tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên (tổ chức tại Quảng Nam) cũng cho rằng có 6 nguyên nhân dẫn đến việc chống hàng giả còn nhiều bất cập và chưa hiệu quả. Đó là do phương thức, thủ đoạn sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng tinh vi, phức tạp khiến các cơ quan chức năng còn gặp nhiều khó khăn trong việc phát hiện. “Có những hàng hóa khi để cạnh nhau mà chúng ta không thể phân biệt được thật giả, chỉ khi doanh nghiệp lên tiếng thì người tiêu dùng mới phát hiện ra”, ông Lam thừa nhận. Bên cạnh đó, cơ chế thực thi còn chồng chéo và chưa đồng bộ. Trung ương muốn triển khai nhanh nhưng các chi cục lại còn gặp nhiều vấn đề chưa thể bắt kịp chỉ đạo để thực hiện. Sự hợp tác giữa các cơ quan chức năng còn chưa chặt chẽ; trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế; nhận thức của cộng đồng chưa cao; sự phối hợp của cơ quan chức năng với doanh nghiệp chưa thực thi và bài bản.

Doanh nghiệp cần mạnh tay

Chính thái độ thiếu nhiệt tình của doanh nghiệp là nguyên nhân gây khó cho công tác chống sản xuất và buôn bán hàng giả.  Rất ít doanh nghiệp ở Việt Nam quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ, áp dụng các biện pháp về mặt pháp lý và kỹ thuật để bảo vệ thương hiệu, chống lại hàng giả, hàng nhái. Theo quy định của pháp luật, để xử lý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (hàng giả) cần phải có sự tham gia của doanh nghiệp chủ sở hữu quyền, vì doanh nghiệp có đủ căn cứ pháp lý bảo hộ quyền của mình, có đủ căn cứ xác định vi phạm quyền và đề nghị xử lý xâm phạm, xác nhận hàng hóa xâm phạm khi cơ quan chức năng bắt giữ. Thế nhưng, theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ thì trong năm 2013, số doanh nghiệp đề nghị thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chỉ vỏn vẹn 106 doanh nghiệp trong khi cả nước có 3,5 triệu doanh nghiệp. Điều đó chứng tỏ, các doanh nghiệp không mấy quan tâm đến việc sở hữu trí tuệ và bảo vệ thương hiệu của chính mình.

Riêng tại Quảng Nam, mới đây nhất, Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm châu Á (Bắc Ninh) phát hiện nghi vấn sản phẩm nước mắm của công ty mình bị công ty TNHH Bình Thuận Thành (tỉnh Bình Thuận) nhái kiểu dáng. Do đó, doanh nghiệp đã đề nghị phối hợp với Chi cục QLTT tỉnh kiểm tra. “Hiện chúng tôi đang gởi mẫu ra Viện KH&CN (thuộc Bộ KH&CN) để  kiểm tra, xác định thông tin. Ngay khi có kết quả, chi cục sẽ tiến hành xử lý theo đúng quy định của pháp luật để đảm bảo sự trong sạch cho thị trường”, ông Lương Xuân Tịnh – Đội trưởng Đội chống buôn bán hàng giả, hàng nhái (Chi cục QLTT tỉnh) cho biết.
Theo ông Nguyễn Thanh Hồng, doanh nghiệp cần kịp thời thông báo với cơ quan thực thi về địa điểm xuất hiện hàng giả hàng nhái và chịu trách nhiệm về những thông báo của mình. Bên cạnh đó, phải giúp cơ quan thực thi có điều kiện phân biệt hàng thật của doanh nghiệp và hàng giả do doanh nghiệp khác sản xuất. Theo một báo cáo khác, hàng giả Trung Quốc nhập vào Mỹ chiếm 70% lượng hàng giả vào nước này, trong khi đó tại Việt Nam là 10%. “Vì chúng ta nằm ngay bên quốc gia có nhiều cơ sở sản xuất hàng giả, nên nếu không ngăn chặn kịp thời, Việt Nam sẽ có tên trong danh sách những quốc gia làm hàng giả”, ông Hồng nói.

THỤC ANH - THỤY VŨ

THỤC ANH - THỤY VŨ