Cẩn thận với nước hoa
Mới đây, đội Kiểm soát hải quan – Cục Hải quan TP. HCM phối hợp với Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1 kiểm tra lô hàng nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc của công ty TNHH H.H.L đã phát hiện hơn 1.000 chai nước hoa nghi là hàng giả của nhiều nhãn hiệu nổi tiếng. Tuy có nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng trên những sản phẩm nước hoa này lại ghi xuất xứ từ các nước như Ý, Pháp, Mỹ… Do đó hải quan nghi ngờ số hàng này được làm giả rồi đưa vào Việt Nam tiêu thụ. Trên tờ khai hải quan, doanh nghiệp khai báo số lô hàng này gồm các mặt hàng như: guốc nữ, giày giả da, dép xốp, dép nữ, ván trượt thể thao… trị giá của lô hàng này là 29.600 USD, tiền thuế khai báo trên 155 triệu đồng. Vụ việc vẫn đang được cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ.
Thị trường nước hoa Việt hiện đang rất bát nháo, khi số lượng hàng nhái, hàng dỏm đang chiếm thị phần không nhỏ. Ước tính, các loại nước hoa không rõ nguồn gốc chiếm 10% thị phần. Theo giám đốc công ty StarAsia chuyên nhập khẩu nước hoa thì đây là thị trường rất tiềm năng và hầu như không có người quản lý. Do đó, thực tế lượng hàng giả, hàng nhái có thể còn rất lớn. Trong khi đó ở Việt Nam, người tiêu dùng có khi còn phải chi gấp đôi, gấp ba lần cho một lọ nước hoa “chính hãng” so với nước ngoài do chi phí mặt bằng, nhân viên, quảng bá hình ảnh cao cấp thường rất cao. Thế nhưng, trên các trang bán hàng online, nhan nhãn những trang quảng cáo chính hãng, xách tay… với giá chỉ bằng 1/5, thậm chí 1/10 so với giá bán chính thức. Bao bì nhãn mác của những mặt hàng này thường cũng đầy đủ thông tin không thua bất cứ hàng chính ngạch nào, nhưng thông tin có bị bóp méo hay không thì chưa bị phát hiện nhiều. Ngoài ra, không ít shop bán hàng chính hãng, hàng xách tay với giá bằng sản phẩm chính hãng nhưng thực chất cũng chỉ là hàng giả. Với những loại hàng nhái cao cấp thì khách hàng không tinh tường sẽ khó có thể phân biệt thật, giả.
Đối với hầu hết người mua hàng, có thể mua hàng hóa ưa thích với giá thích hợp là đã có thể tự đặt mình đứng trước nguy cơ cao nhất mua phải hàng giả. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào giá để phân biệt thật, giả thì có thể khiến người tiêu dùng bị “hố” nặng. Bà Thùy Linh – giám đốc công ty SaigonTrans, chuyên dịch vụ nhập khẩu và kê khai hải quan cho rằng: thực tế nhiều người chuyên bán hàng xách tay cũng bán theo giá ở các trung tâm thương mại lớn nhất mà không mất chi phí cho việc đóng thuế, mặt bằng hay nhân viên. Để phòng tránh hàng giả, hàng nhái, các thương hiệu có thể đăng ký bảo hộ và báo cáo sai phạm lên cơ quan quản lý. Nhưng ở Việt Nam, chẳng mấy hãng để tâm, hoặc có muốn để tâm cũng khó do thủ tục pháp lý rắc rối, tốc độ giải quyết thường không nhanh. Hiện nay, Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam hầu như chỉ mới tập trung vào tuyên truyền mà thôi.
Do thành phần không được kiểm nghiệm nên nước hoa có thể chứa nhiều hóa chất cấm để tạo và lưu mùi hương. Việc xịt trực tiếp lên da khi sử dụng nước hoa giả có thể khiến người tiêu dùng gặp phải những rắc rối do dị ứng với nhiều hóa chất có trong đó mà phổ biến nhất là viêm hay cháy da. Theo Valerie Salembier – giám đốc xuất bản của tạp chí Harper’s Bazaar nổi tiếng, các hoạt chất được tìm thấy trong nước hoa giả bao gồm các thứ như nước tiểu, vi khuẩn, chất chống đông…
Thục Anh (tổng hợp)