Giảm tổn thất điện năng

TRUNG LỘ 12/11/2014 10:00

Tổn thất điện năng (TTĐN) không chỉ làm giảm chất lượng cung cấp điện mà còn ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh. Chính vì vậy, thời gian qua Công ty Điện lực Quảng Nam (PC Quảng Nam ) đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm TTĐN.

Triển khai nhiều giải pháp

Ông Vũ Văn Nghiêm - Phó Giám đốc PC Quảng Nam cho biết, sau khi tiếp nhận hoàn toàn lưới điện hạ áp nông thôn, PC Quảng Nam đứng trước nhiều khó khăn với phần lớn lưới điện cũ kỹ, tỷ lệ tổn thất trên lưới hạ áp cao (30 - 40%). Mặt khác, do đặc thù quản lý trên địa bàn rộng với nhiều huyện miền núi và nguồn vốn đầu tư, sửa chữa có hạn, tình trạng trộm cắp điện đang có chiều hướng gia tăng; thiên tai xảy ra thường xuyên, ảnh hưởng lớn đến quá trình vận hành hệ thống điện và giảm TTĐN. Để giải bài toán này, thời gian qua, PC Quảng Nam đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp giảm TTĐN. Theo đó, tập trung 3 nhóm giải pháp chính về tổ chức, kỹ thuật và kinh doanh. Căn cứ lưới điện thực tế và quá trình thực hiện tỷ lệ TTĐN của từng đơn vị đã thực hiện, lập chương trình giảm TTĐN và giao chỉ tiêu cụ thể cho từng đơn vị (có xét đến các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ điện dùng để truyền tải và phân phối) nhằm thực hiện công bằng trong việc phân bổ chỉ tiêu TTĐN. Đặc biệt, về sửa chữa lưới điện, công ty đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phải tận dụng triệt để thời gian cắt điện theo kế hoạch phục vụ công tác cải tạo. Kể từ năm 2010 trở đi, trung bình mỗi năm PC Quảng Nam đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để nâng cấp, cải tạo, xử lý các điểm xung yếu, mất an toàn để đảm bảo lưới điện vận hành an toàn và liên tục.  

PC Quảng Nam thường xuyên đôn đốc các đơn vị kiểm tra mức độ mang tải và đã hoán chuyển hợp lý các máy biến áp vận hành non tải, quá tải.
PC Quảng Nam thường xuyên đôn đốc các đơn vị kiểm tra mức độ mang tải và đã hoán chuyển hợp lý các máy biến áp vận hành non tải, quá tải.

Để giảm tổn thất không tải ở máy biến áp, Tổ giảm tỷ lệ điện dùng để phân phối của công ty thường xuyên đôn đốc các đơn vị kiểm tra mức độ mang tải và đề xuất hoán chuyển hợp lý các máy biến áp vận hành non tải, quá tải. Riêng trong 10 tháng đầu năm 2014, PC Quảng Nam đã thực hiện hoán chuyển 118 máy biến áp, cân pha 734 lưới trạm biến áp, vận hành và hoán chuyển nhiều tụ bù; triển khai nhiều công trình xây dựng cơ bản để giảm TTĐN như: công trình lắp đặt tụ bù, chống quá tải các trạm trung gian và trạm biến áp phụ tải đã phê duyệt theo đúng tiến độ. Định kỳ hàng tháng, các đơn vị quản lý lưới điện báo cáo tình hình hoạt động của các tụ bù trung, hạ thế để kịp thời khắc phục các hư hỏng nếu có, đảm bảo các tụ bù lắp đặt trên lưới hoạt động tốt.

PC Quảng Nam cũng đã đưa ra nhiều biện pháp giảm tỷ lệ TTĐN trong công tác kinh doanh. Trong công tác ghi chỉ số công tơ, đơn vị thường xuyên chấn chỉnh và xử lý kịp thời các trường hợp ghi sai, ghi độ, nhờ vậy chất lượng công tác ghi chỉ số ngày càng được nâng cao, đảm bảo ghi đúng lộ trình, chu kỳ theo quy định của công ty, đảm bảo chính xác đối với kết quả ghi chỉ số công tơ và kết quả sản lượng tính toán TTĐN. Nhờ đó, đến nay tỷ lệ TTĐN đang có chiều hướng giảm dần. Năm 2010 tỷ lệ tổn thất chiếm 8,4%, đến năm 2103 xuống còn 6,7% và mục tiêu đặt ra của năm 2014 là giảm xuống dưới 6,5%.
Hạn chế nạn trộm cắp điện

Theo ông Nguyễn Văn Hường - Trưởng phòng Kiểm tra giám sát mua bán điện (PC Quảng Nam), một “cuộc chiến” gay go trong hành trình giảm tỷ lệ TTĐN trên địa bàn Quảng Nam hiện nay là nạn trộm cắp điện diễn ra rất phức tạp và có chiều hướng gia tăng cả về số vụ việc lẫn sản lượng điện mất cắp. Đối tượng trộm cắp cũng rất đa dạng, trong đó có cá nhân, tập thể, các thành phần kinh tế như hộ tiêu dùng sinh hoạt, hộ sản xuất cá thể, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dịch vụ... với thủ đoạn như phá chì niêm phong hộp công tơ rồi nối dây trước công tơ kéo về nhà, câu móc trực tiếp trên lưới hạ thế, từ aptomat tổng của trạm biến áp... Trước thực trạng đó, những năm qua Phòng Kiểm tra giám sát mua bán điện đã triển khai quyết liệt rất nhiều biện pháp nhằm hạn chế các hành vi trộm cắp điện.

Nguyên nhân chủ yếu làm tăng số vụ trộm cắp điện là vì lưới điện tại một số khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa mới được ngành điện tiếp nhận, bán lẻ trực tiếp cho các hộ dân chất lượng còn kém, là sơ hở cho một số đối tượng lợi dụng để câu móc trộm điện. Mặt khác, việc đặt công tơ đo đếm trong nhà của khách hàng cũng phần nào tạo điều kiện thuận lợi cho các hành vi trộm cắp điện và gây trở ngại cho lực lượng kiểm tra. Chính vì vậy, trong quá trình kiểm tra phát hiện các trường hợp trộm cắp điện đã gặp khó khăn nhưng việc xử lý các đối tượng càng khó khăn hơn do các quy định pháp luật chưa đồng bộ. Khi phát hiện tình trạng trộm cắp, các đơn vị điện lực chủ yếu chuyển hồ sơ các vụ trộm cắp điện sang cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử phạt hành chính theo quy định. Chờ bắt quả tang mới được phép lập biên bản, thống nhất với các cơ quan chức năng cách xử lý là vô cùng khó khăn. Nhiều khi phát hiện, bắt quả tang, lập biên bản xong vẫn không thể xử lý được vì lại phải nhờ đến cơ quan chức năng cùng vào cuộc. Thời gian qua, số vụ chuyển hồ sơ sang truy tố thì nhiều nhưng chưa có trường hợp được đưa ra xét xử. Do đó, hiệu quả của việc răn đe và tuyên truyền, ngăn chặn các hành vi trộm cắp điện chưa đạt hiệu quả cao, gây khó khăn lớn trong công tác quản lý và giảm tỷ lệ TTĐN xuống mức thấp nhất.

TRUNG LỘ

TRUNG LỘ