Xây dựng trung tâm du lịch Đà Nẵng - Bài cuối: "Nâng tầm" nguồn nhân lực
Nguồn nhân lực du lịch thiếu và yếu là thách thức không nhỏ của TP.Đà Nẵng trong cuộc đua tranh để giành thị phần và phấn đấu trở thành trung tâm đô thị du lịch quốc tế.
|
Chưa đáp ứng nhu cầu
Nguồn nhân lực trực tiếp kinh doanh du lịch tại Đà Nẵng trong những năm qua đã có sự phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Tính đến năm 2013, toàn thành phố có 22.919 lao động trong ngành, chiếm 3,2% số lao động toàn thành phố. Với 12 cơ sở đào tạo và dạy nghề du lịch, trong đó có 2 cơ sở bậc đại học và 10 cơ sở trung cấp, cao đẳng, hằng năm trên địa bàn thành phố có khoảng 4 nghìn sinh viên chính quy tốt nghiệp các bậc học. Đến nay, tổng số doanh nghiệp kinh doanh lữ hành toàn thành phố là 182 đơn vị, trong đó có 60 đơn vị lữ hành quốc tế, 72 đơn vị nội địa với nhiều thương hiệu lớn như HIS, Danatours, Vitour, Saigontour...
Đội ngũ hướng dẫn viên tại Đà Nẵng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch, đặc biệt là hướng dẫn viên biết sử dụng “tiếng hiếm”. Ảnh: VĂN SANH |
Đà Nẵng hiện có 1.612 hướng dẫn viên (HDV) du lịch, chiếm 10,5% số HDV du lịch cả nước, trong đó có gần 900 HDV du lịch quốc tế. Tuy nhiều, nhưng lực lượng HDV du lịch Đà Nẵng vẫn thiếu trước hụt sau. Cụ thể, các công ty lữ hành chỉ sử dụng khoảng 50% số HDV du lịch Đà Nẵng được cấp thẻ, số còn lại là các địa phương lân cận sau khi được cấp thẻ lại công tác ở địa phương khác nên khó quản lý. Số HDV du lịch ngày càng được trẻ hóa nên chưa có kinh nghiệm giao tiếp, “phông” văn hóa thấp. Một số HDV giỏi tiếng Pháp, Đức, Nga, giàu kinh nghiệm thì đã lớn tuổi. Theo thống kê, có 90% lao động du lịch được đào tạo ngoại ngữ nhưng chủ yếu là tiếng Anh, Pháp trình độ A, B; thiếu trầm trọng đội ngũ HDV du lịch biết tiếng Trung Quốc (có 192 HDV được cấp thẻ), Hàn Quốc (4 HDV), Nhật Bản (41 HDV); đặc biệt khan hiếm các HDV du lịch biết tiếng Đức, Ý, Nhật Bản...
Vấn đề này đã và đang làm đau đầu các nhà quản lý du lịch địa phương. Do thiếu HDV mà một số công ty lữ hành quốc tế chuyên khai thác khách Hàn Quốc đã sử dụng người nước ngoài lao động tại Việt Nam (người Hàn Quốc) để trực tiếp hướng dẫn cho các đoàn khách tham quan. Số HDV này chưa am hiểu văn hóa Việt Nam và TP.Đà Nẵng nên thông tin đến du khách một số nội dung chưa chính xác, dễ hiểu sai về điểm đến, ảnh hưởng đến hình ảnh Việt Nam và Đà Nẵng. Nguyên nhân của tình trạng này chính là sự phát triển nhanh và ồ ạt các cơ sở lưu trú tại Đà Nẵng trong khi nguồn nhân lực chưa đáp ứng. Dự kiến trong tương lai không xa, Đà Nẵng sẽ phát triển nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng đẳng cấp cao, đáp ứng lượng khách quốc tế ngày càng tăng. Nguồn nhân lực vừa thiếu vừa kém chất hiện nay chính là thách thức không nhỏ của Đà Nẵng trong cuộc chiến giành thị phần và phấn đấu trở thành trung tâm du lịch quốc tế trong tương lai.
Xác định mục tiêu lâu dài
Ngày 31.10 vừa qua, Sở VH-TT&DL TP.Đà Nẵng tổ chức tọa đàm giải pháp nâng cao số lượng và chất lượng HDV “tiếng hiếm” (loại ngôn ngữ ít thông dụng ở Việt Nam). Theo ông Trần Chí Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL TP.Đà Nẵng, việc phát triển lực lượng HDV du lịch hiện nay là cần thiết, nhất là HDV “tiếng hiếm”. Vì vậy cần phải xây dựng các mô hình liên kết đào tạo, hỗ trợ cung cấp thông tin về thị trường; xác định về nhu cầu và đánh giá thị trường khách du lịch, kiểm tra cấp thẻ hành nghề. Đồng thời các công ty du lịch cũng chủ động xây dựng, bổ sung đội ngũ HDV theo nhu cầu thị trường và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để bảo đảm môi trường cho HDV đủ điều kiện hoạt động.
“Để Đà Nẵng trở thành một trung tâm dịch vụ - du lịch quốc tế, trước hết phải nâng tầm quốc tế từ sản phẩm du lịch đến con người làm du lịch một cách đồng bộ”. (TS. Trần Du Lịch - Trưởng nhóm Tư vấn hợp tác phát triển Vùng duyên hải miền Trung) |
Vấn đề cần quan tâm hàng đầu là đội ngũ HDV du lịch được đào tạo như thế nào? TS.Dương Quốc Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng cho rằng, việc đào tạo được xác định trên 2 hướng: thứ nhất, từ năm học 2009 - 2010, nhà trường đã bắt đầu đào tạo chuyên sâu ngành cử nhân ngoại ngữ du lịch tiếng Nga, Anh, Pháp, Trung... để sau khi tốt nghiệp sinh viên có thể dễ dàng làm HDV du lịch. Tiếp theo là phối hợp giữa nhà trường và các doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên hoàn thành việc thực tập trước khi ra trường. Hướng thứ hai, đào tạo lại những HDV trong ngành du lịch hiện nay mà chưa qua các khóa đào tạo, bổ sung cho họ những kiến thức ngành nghề còn thiếu hụt, từng bước nâng cao hơn nữa kiến thức chuyên môn để hòa nhập và bắt kịp với xu hướng du lịch nói chung.
Theo Hiệp hội Du lịch TP.Đà Nẵng, ước năm 2015, tổng số khách đến Đà Nẵng đạt 4 triệu lượt, ngành du lịch thành phố cần hơn 20 nghìn lao động. Trong khi số sinh viên chính quy mỗi năm chỉ đáp ứng được 1/5 nhu cầu. Chưa kể HDV du lịch, đội ngũ đầu bếp, phục vụ buồng phòng, nhân viên bàn, lễ tân cũng đang thiếu hụt. Tỷ lệ lao động được đào tạo chuyên môn về du lịch còn thấp, chiếm khoảng 40,6% số lao động toàn ngành. |
Nhìn từ thực tế hiện nay, ý thức của đội ngũ HDV và những người điều hành du lịch về tầm quan trọng của công việc mà họ đang làm chưa cao. Họ chưa thực sự thấy được vai trò của mình trong hoạt động du lịch. Cụ thể là vai trò trong khâu thiết kế và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo ra sản phẩm mới cũng như việc thực hiện các sản phẩm du lịch. Như vậy, cần có sự kết hợp đan xen giữa các chương trình đào tạo mới cũng như đào tạo lại với việc giáo dục về ý thức của đội ngũ HDV, thường xuyên cập nhật thông tin về điểm du lịch cho họ. Bên cạnh đó, đội ngũ điều hành cũng phải phối hợp chặt chẽ với HDV để cùng nhau tiến hành tổng hợp, nghiên cứu, đưa ra những chương trình mới hấp dẫn và phù hợp với du khách hơn. Đặc biệt, với truyền thống “văn hóa xứ Quảng”, người dân Đà Nẵng thể hiện đậm nét sự trung thực, tính trung hậu, cách ứng xử đàng hoàng, trên nền tảng nhân văn trọng khách và hiếu khách. Du khách trong nước và quốc tế đến Đà Nẵng được đón tiếp chu đáo, an toàn, thân thiện và sạch sẽ; nạn chèo kéo khách, ăn xin, tội phạm đường phố được hạn chế tối đa so với các thành phố lớn của Việt Nam. Điều đó, làm cho Đà Nẵng trở thành một thành phố đáng yêu và đáng sống hơn.
VĂN SANH