Trang bị kỹ năng nhận biết hàng giả

THỤC ANH - THỤY VŨ 08/11/2014 14:48

Để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái hoặc kém chất lượng, người tiêu dùng (NTD) cần trang bị kỹ năng mua sắm để nhận biết các mặt hàng trên.

Có thể nói, chưa bao giờ trên thị trường xuất hiện hàng giả, hàng nhái nhiều như hiện nay. Gần như các loại hàng giả chất lượng đều kém, không vệ sinh, không an toàn cho NTD. Hàng giả, hàng nhái theo Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) là những loại hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý, hàng hóa xâm phạm quyền SHTT. Hàng giả, hàng nhái rất đa dạng, phổ biến từ loại hàng có giá trị thấp đến cao, từ mặt hàng đơn giản đến mặt hàng công nghệ cao, từ hàng hóa phục vụ sản xuất đến hàng hóa tiêu dùng.

Tác hại của hàng giả

Theo luật sư Nguyễn Minh Hương - Phó Chủ tịch Hội chống gian lận thương mại và hỗ trợ người tiêu dùng (AFCA), tình trạng hàng hóa giả, hàng nhái, xâm phạm quyền SHTT gần đây ngày càng gia tăng, gây tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe và quyền lợi NTD. Theo nghiên cứu mới đây của AFCA - một tổ chức xã hội uy tín hoạt động trong lĩnh vực chống gian lận thương mại, người dân đang bị thiệt hại nhiều mặt khi mua và sử dụng hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền SHTT. Trước hết là thiệt hại về kinh tế và nguy hiểm hơn, rất nhiều loại hàng giả gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người sử dụng vì phần lớn đây là những hàng hóa không đảm bảo chất lượng.

Người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ sản phẩm để biết cách phân biệt hàng thật hay giả.Ảnh: THỤC ANH
Người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ sản phẩm để biết cách phân biệt hàng thật hay giả.Ảnh: THỤC ANH

Không chỉ người dân, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính cũng là đối tượng chịu nhiều thiệt hại nhất do tệ nạn sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng nhái. Các loại hàng này làm lu mờ hình ảnh nhãn hiệu và gây mất lòng tin đối với NTD. “Không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà nghiêm trọng hơn, hoạt động sản xuất kinh doanh hàng giả đang triệt tiêu động lực sáng tạo của doanh nghiệp nói riêng và toàn xã hội nói chung. Doanh nghiệp có thể bị phá sản, người lao động mất việc làm, nền kinh tế bị đình trệ và đất nước có thể không thu hút được đầu tư nước ngoài” - luật sư Nguyễn Minh Hương - Phó Chủ tịch AFCA khẳng định.

Hàng giả, hàng nhái xuất xứ từ nhiều nguồn, cả trong và ngoài nước. Điểm đáng lưu ý nhất về hàng giả, hàng nhái là khâu bảo hành. Thường người dân khi mua nhầm hàng giả, hàng nhái không được bảo hành, chất lượng hàng hóa không ổn định và phần lớn không được hướng dẫn sử dụng chi tiết từ đơn vị bán hàng. Một chuyên viên phụ trách văn phòng xử lý khiếu nại NTD AFCA cho biết, hàng giả hàng xâm phạm quyền SHTT có xu hướng làm giống hàng thật nên người dân thường khó phát hiện. Hàng giả ngày càng được sản xuất tinh vi nên càng khó phân biệt hơn. Bao bì sản phẩm hàng giả, hàng nhái luôn thay đổi, theo sát mẫu hàng thật dễ gây nhầm lẫn cho NTD.

Cần kỹ năng mua sắm

Ở thời điểm nhất định, đối với mỗi mặt hàng có dấu hiệu phân biệt hàng thật - hàng giả riêng biệt nhưng các dấu hiệu này luôn được nhà sản xuất thay đổi. Vì vậy, khó có thể nắm bắt được đầy đủ dấu hiệu phân biệt hàng thật với hàng giả lưu thông trên thị trường. Theo kinh nghiệm, nếu chỉ nhìn bằng mắt thường khi có mẫu so sánh thì hàng giả thường có bao bì in không rõ, không đầy đủ, đặc biệt chữ in có thể có lỗi chính tả. Tuy nhiên, cũng có nhiều sản phẩm mà giữa hàng thật và hàng giả bằng mắt thường không phân biệt được. Ngoài ra, thông thường mọi người không có mẫu hàng thật trong tay khi mua hàng cũng hạn chế để nhận biết, phân biệt. Nếu so sánh về giá thì hàng giả sẽ rẻ hơn hàng thật. Trên thực tế hàng giả các sản phẩm giải trí như băng đĩa, sản phẩm thời trang có giá bán rẻ hơn hàng thật hàng chục lần.

Do đó, theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, NTD nên mua hàng hóa ở những địa điểm, cửa hàng tin cậy đã được thẩm định. Khi mua nhầm hàng giả, hàng nhái, NTD nên giữ nguyên hiện trạng hàng hóa và các chứng cứ liên quan để có thể liên hệ người đã bán hàng cho mình yêu cầu đổi hoặc hoàn trả tiền, bồi thường đồng thời thực hiện trách nhiệm công dân nên thông báo cho cơ quan quản lý thị trường, cơ quan công an nơi gần nhất. Trường hợp người bán hàng không đổi hàng, không bồi thường hay không hoàn trả tiền thỏa đáng, người dân nên làm đơn tố cáo và chuyển toàn bộ tang vật và chứng từ liên quan của hàng hóa đó cho cơ quan quản lý thị trường, công an nơi gần nhất để yêu cầu xử lý. Bên cạnh đó, khi mua hàng hóa, người dân nên đọc kỹ thông tin trên nhãn hàng hóa và luôn yêu cầu người bán hàng cung cấp hóa đơn mua hàng trên đó có ghi rõ, tên, địa chỉ người bán hàng.

THỤC ANH - THỤY VŨ

THỤC ANH - THỤY VŨ