Đầu tư hạ tầng, tạo đà phát triển
Hạ tầng được đầu tư ngày càng đồng bộ đã tạo động lực lớn để huyện Thăng Bình phát triển kinh tế - xã hội.
Kênh tưới nước Ba Cù Hạ được đưa vào sử dụng từ đầu năm 2014 đến nay. |
Nhiều chuyển biến
Kênh tưới nước Ba Cù Hạ (thôn Bình Khương, xã Bình Giang) được UBND huyện Thăng Bình đầu tư và đưa vào sử dụng đã tạo thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Công trình này có chiều dài 618m, đáp ứng nhu cầu cung cấp nước tưới cho 15ha diện tích trồng lúa nước vốn phụ thuộc vào nước trời. Cũng tại xã Bình Giang, ao chứa nước nhỉ Dốc Mội (thôn Bình Hòa) cũng được được đưa vào sử dụng từ đầu năm 2014. Ao có diện tích hơn 1.200m2, phục vụ nước tưới cho 20ha lúa nước và hoa màu, giúp các nông hộ yên tâm canh tác. “Khi không chủ động được nguồn nước tưới thì khó có thể kỳ vọng vụ mùa bội thu. Hạ tầng trong lĩnh vực nông nghiệp được coi trọng và đầu tư đã giúp cho sản lượng và năng suất lúa, hoa màu của xã tăng đột biến so với các năm trước” - ông Nguyễn Văn Anh, Chủ tịch UBND xã Bình Giang nói. Theo UBND huyện Thăng Bình, đến nay, toàn huyện đã thực hiện bê tông hóa được 157km trong số 203km kênh mương cấp 1 và cấp 2. Đối với kênh mương nội đồng, huyện đã kiên cố được hơn 50km trong tổng số 500km.
Đến xã Bình Dương, hỏi đến chợ Lạc Câu, người dân đều phấn khởi. Từ nguồn vốn 500 triệu đồng của trung ương hỗ trợ phát triển các xã bãi ngang ven biển, xã đã xây dựng và đưa chợ Lạc Câu vào sử dụng gần 5 năm nay. Trong quãng thời gian này, xã Bình Dương tiếp tục đầu tư xây dựng đường giao thông, các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhờ xây dựng ao gom nước nhĩ ở các thôn 1 và thôn 3, sự trì trệ trong sản xuất nông nghiệp đã không còn, thay vào đó người dân thâm canh, tăng vụ sản xuất. Năng suất lúa tăng từ 40 tạ/ha lên 60 tạ/ha, diện tích canh tác tăng từ 80ha lên 130ha… Theo ông Cao Thành Phiện, Chủ tịch UBND xã Bình Dương, nhờ hoàn thiện các mặt về hạ tầng mà diện mạo kinh tế - xã hội của xã đã có nhiều khởi sắc. Hiện xã Bình Dương chỉ còn xấp xỉ 15% hộ nghèo so với 39% vào năm 2005. “Trong thời gian qua, Thăng Bình chủ động tiếp nhận các nguồn vốn từ các chương trình như hỗ trợ phát triển vùng bãi ngang ven biển, chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn, nguồn vốn ngân sách tập trung, nguồn vốn sắp xếp dân cư ven biển cũng như nguồn vốn trái phiếu chính phủ. Từ các nguồn lực đó cộng với sự đóng góp công sức của nhân dân, kết cấu hạ tầng trên địa bàn huyện đã được đầu tư và ngày một hoàn thiện dần. Điều đó đã tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của huyện, cơ cấu kinh tế thay đổi theo hướng tích cực, đời sống của người dân được nâng lên đáng kể” - ông Nguyễn Văn Ngữ, Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình khẳng định.
Tập trung đầu tư
Ông Nguyễn Văn Ngữ cho biết, trong thời gian đến, Thăng Bình tập trung đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội theo tiêu chí những dự án quan trọng, tạo sự đột phá và có tác động lan tỏa lớn đặt lên hàng đầu. Huyện huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực của xã hội, bảo đảm lợi ích hợp lý để thu hút các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội. Thăng Bình tiếp tục sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, tập trung đầu tư vào các công trình thiết yếu mà khó huy động các nguồn lực xã hội. Theo đó, ưu tiên của huyện là đầu tư để từng bước hoàn chỉnh các tuyến giao thông huyện, xã đảm bảo khớp nối với các tuyến giao thông ĐT và quốc lộ 1, 14E. Huyện phấn đấu, trong giai đoạn 2016 - 2020, hoàn thành các tuyến đường ĐH đồng thời đề nghị trung ương, tỉnh đầu tư tuyến quốc lộ 14E đi Tiên Sơn (Tiên Phước), tuyến giao thông liên xã Bình Đào - Bình Dương, tuyến giao thông liên xã Bình Nam - Bình Phục, tuyến quốc lộ 14E đi Bình Chánh, Bình Quế... “Huyện tranh thủ các nguồn vốn của trung ương và tỉnh để phối hợp triển khai thực hiện nâng cấp, hoàn chỉnh hạ tầng giao thông nông thôn. Đồng thời đầu tư các tuyến đường quan trọng phục vụ phát triển công nghiệp, làng nghề, du lịch” - ông Nguyễn Văn Ngữ nói.
Ông Phan Nghĩa, Bí thư Huyện ủy Thăng Bình cho biết, huyện đang tập trung hoàn thiện các quy hoạch làm cơ sở cho đầu tư hạ tầng trong thời gian đến. Đó là các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thăng Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, quy hoạch không gian hạ tầng và đô thị thị trấn Hà Lam, quy hoạch sử dụng đất gắn liền với xây dựng nông thôn mới. “Chủ trương của Thăng Bình là nâng cao năng lực quản lý đầu tư hạ tầng theo hướng quyết định đầu tư phải cân đối vốn trước khi phê duyệt dự án. Đầu tư hạ tầng đi đôi với nâng cao trách nhiệm giám sát của các chủ đầu tư, đặc biệt là giám sát của nhân dân, giám sát cộng đồng. Đầu tư hạ tầng ở các tuyến giao thông phải đảm bảo tính liên kết và đồng bộ giữa các xã, thị trấn, kết nối với các quốc lộ, tỉnh lộ. Đồng thời đẩy mạnh xây dựng giao thông nông thôn theo tiêu chí nông thôn mới” - ông Phan Nghĩa nói.
NGUYỄN QUANG VIỆT