"Trôi chảy" cát trắng

TRẦN HỮU 04/11/2014 08:52

Ở nhiều địa phương ven biển, tình trạng tận thu khoáng sản cát trắng rất phức tạp, đặc biệt một số cá nhân, doanh nghiệp đã khai thác lén lút, trốn thuế tài nguyên môi trường, gây thất thoát lớn nguồn ngân sách nhà nước.

Dấu vết khai thác cát trắng còn mới tại địa bàn xã Tam Thăng TP.Tam Kỳ. Ảnh: TRẦN HỮU
Dấu vết khai thác cát trắng còn mới tại địa bàn xã Tam Thăng TP.Tam Kỳ. Ảnh: TRẦN HỮU

“Rút ruột” tài nguyên

Con đường cứu nạn cứu hộ từ TP.Tam Kỳ đến huyện Thăng Bình chạy song song với tuyến Thanh niên ven biển đang thi công dang dở, ở hai bên đường, đoạn qua thôn Kim Đới (xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) đã bị đào bới lấy cát sâu 5 - 7m, rộng như ao hồ nuôi tôm. Theo người dân địa phương, tình trạng ngoạm lấy cát này không phải để phục vụ cho xây dựng công trình đường mà do các đối tượng “sa tặc” lén lút tận thu vào ban đêm. Trong vài tháng trở lại đây, cứ vào khoảng nửa đêm, các xe tải lớn nhỏ đã tắt đèn pha, tranh thủ dừng xe ở các vị trí thuận lợi xúc cát lên đem tiêu thụ cho các cơ sở cung cấp vật liệu xây dựng trên địa bàn. Cát trắng bán với giá dao động 70 - 100 nghìn đồng/m3. Con đường cứu nạn cứu hộ ven biển (đoạn từ xã Tam Phú đến Tam Thăng) đã mở thông thoáng, xẻ qua khu rừng phòng hộ Pasca, xung quanh không có nhà cửa, lợi dụng đêm tối nên các xe cơ giới tăng công suất chở cát trắng. Việc lấy cát trắng đã ăn sát vào chân cống, bi bê tông vỉa hè, rất dễ gây ra hiện tượng sạt lở đường vào mùa mưa. Nhiều địa điểm đã bị băm nát kéo dài từ bên đường vào rừng phòng hộ ven biển hơn cả 1km. Tại hiện trường, chúng tôi ghi nhận, sát đường cứu nạn cứu hộ qua địa bàn thôn Kim Đới có vị trí lấy cát rộng như sân vận động, còn nguyên dấu bánh xe. Để “đại công trường” không bị nước ứ đọng thành ao, hồ gây khó cho công đoạn khai thác, các đối tượng đã tự tạo các đường thoát nước chảy trực tiếp vào chỗ thấp trũng trong rừng phòng hộ, vì thế các loại cây mới trồng đã trơ gốc, chết la liệt.

Ông Châu Thanh Phong - Chủ tịch UBND xã Tam Thăng cho biết, tình hình khai thác cát trên địa bàn rất phức tạp, chính quyền đã có tổ an ninh (gồm dân phòng và công an) thường xuyên phục kích vào ban đêm, nhưng các đối tượng vẫn hoạt động tinh vi, trắng trợn. Đến nay, địa phương đã tịch thu hơn 100m3 cát trắng, xử phạt hành chính hàng chục triệu đồng, hầu hết đều phát hiện tại bãi chứ đối tượng vận chuyển trên đường ĐT615, xã không có thẩm quyền xử lý. Nhiều vụ khi thấy lực lượng chức năng đến kiểm tra, truy quét, đối tượng đã nhanh tay bỏ cát tại chỗ nên không thể xử lý được.

Trước phản ảnh của người dân, rạng sáng 30.10, tổ công tác thuộc Công an TP.Tam Kỳ phục kích, phát hiện 4 xe tải tham gia chở cát trắng trái phép trên đường cứu nạn cứu hộ ven biển thuộc xã Tam Thăng. Các xe tải do Nguyễn Xuân Lộc (30 tuổi), Đỗ Minh Thắng (30 tuổi), Đồng Thiên Minh (29 tuổi) và Nguyễn Tấn Dương (29 tuổi, cùng trú TP.Tam Kỳ) điều khiển chở trên xe tổng cộng hơn 11m3 cát trắng. Đáng nói, các đối tượng này đều từng có hành vi khai thác, vận chuyển cát trái phép từ một đến ba lần.

Nhiều sai phạm

Hầu hết mỏ cát trắng được khai thác trên địa bàn tỉnh ở dạng lộ thiên. Ngoài đối tượng lén lút, tình trạng lợi dụng giấy phép để tận thu trái phép phổ biến ở các huyện Quế Sơn, Thăng Bình và Núi Thành. Các hình thức mua bán hóa đơn, trốn thuế tài nguyên, không nộp phí bảo vệ môi trường với số lượng và giá trị lớn, gây thất thoát đáng kể ngân sách nhà nước. Vì quản lý lỏng lẻo, nhiều doanh nghiệp đã khai thác vượt khối lượng cho phép, hợp thức hóa hồ sơ mua bán cát trắng không rõ nguồn gốc. Cụ thể, ngành chức năng của tỉnh vừa phát hiện Công ty CP Xuất nhập khẩu dịch vụ và đầu tư Việt Nam chi nhánh miền Trung tại Núi Thành (Chi nhánh Vicosimex miền Trung) đã khai thác vượt khối lượng theo giấy phép khai thác mỏ được UBND tỉnh cấp ngày 12.12.2008 và không đưa vào sổ sách khối lượng cát trắng đã khai thác tại mỏ xã Tam Anh Bắc là hơn 10.565m3. Theo kết luận thanh tra ngày 18.12.2013 (số 140/KL-TTT) của Thanh tra tỉnh, do Phó Chánh Thanh tra tỉnh - ông Phan Tấn Nghị ký cho thấy, năm 2013, thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường phải nộp đối với khối lượng cát trắng mua ngoài của Chi nhánh Vicosimex miền Trung đã được hợp thức nguồn gốc cát trắng của ông Phan Văn Minh (Giám đốc Công ty TNHH MTV Phan Văn Minh) thông qua các cơ sở kinh doanh của bà Võ Thị Kim Trọng, Nguyễn Thị Minh Hóa và Nguyễn Thị Kim Anh khối lượng 23.367m3 là hơn 759 triệu đồng. Toàn bộ số tiền bán cát với khối lượng 23.367m3 trị giá hơn 4,1 tỷ đồng được chuyển vào tài khoản ông Phan Văn Minh và tài khoản bà Tăng Thị Tố Diễm (vợ ông Minh) được xác định là tài sản bất hợp pháp vì không ai chứng minh được nguồn gốc.

Thanh tra Công ty CP Kỹ nghệ khoáng sản Quảng Nam (gọi tắt Công ty Minco), cơ quan chức năng cũng xác định, thuế tài nguyên (gồm cát, đất, nước ngầm) và phí bảo vệ môi trường (cát, đất, nước thải công nghiệp) từ ngày 1.1.2008 đến 31.8.2013, buộc doanh nghiệp này phải nộp hơn 1 tỷ đồng. Còn các khoản thuế và phí tài nguyên doanh nghiệp này đã hợp đồng mua cát trắng với một số đối tác mua trôi nổi không rõ nguồn gốc, kê khai nộp thuế không đúng và hợp thức hóa thủ tục pháp lý về nguồn gốc với khối lượng cát trắng mua ngoài 143.352m3 là hơn 3,1 tỷ đồng. Đối với Công ty TNHH MTV Phan Văn Minh, thông qua việc bán hơn 15.584m3 cát san lấp cho Công ty Minco, doanh nghiệp này đã trốn thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường hơn 444 triệu đồng từ cát trắng xuất khẩu sang cát san lấp, cát san nền. Cơ quan chức năng còn chứng minh 30.457m3 cát trắng trị giá hơn 5,2 tỷ đồng mà Công ty TNHH MTV Phan Văn Minh bán cho Chi nhánh Vicosimex miền Trung và Công ty Minco là tài sản bất hợp pháp, không rõ nguồn gốc. Tương tự, theo kết luận thanh tra, các Công ty TNHH Lan Anh và Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Phú Lan Anh (có trụ sở đều đóng ở huyện Núi Thành) đã khai thác, mua bán trái phép 251.437m3 cát trắng, trị giá hơn 24 tỷ đồng... Đáng nói, ngoài đề xuất xử lý về kinh tế, Thanh tra tỉnh cũng kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh chuyển Cơ quan cảnh sát điều tra (Công an tỉnh) xử lý hình sự đối với một số cá nhân, đơn vị tận thu cát trắng bất hợp pháp.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU