Nhân Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14.10): Đối thoại với nông dân

NGUYỄN DƯƠNG 14/10/2014 09:20

Hội Nông dân tỉnh và Sở NN&PTNT vừa tổ chức cuộc đối thoại nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp nông dân có điều kiện sản xuất, phát triển kinh tế.

Buổi đối thoại thu hút 150 nông dân trên toàn tỉnh. Phát biểu tại buổi đối thoại, nhiều nông dân đề cập vướng mắc mà họ đang gặp phải khi phát triển kinh tế nông nghiệp, trong đó chủ yếu là vốn vay và đất dành cho sản xuất nông nghiệp. Ông Lê Đức Rí (xã Bình Minh, huyện Thăng Bình) cho biết, gia đình vay 9,5 tỷ đồng để đóng tàu vươn khơi, tuy nhiên bắt đầu từ năm thứ 2, ông phải trả cả gốc lẫn lãi là 1 tỷ đồng (900 triệu đồng tiền gốc, 100 triệu đồng tiền lãi) nên rất khó khăn. “Để có một số tiền lớn như vậy trả cho ngân hàng thì rất khó bởi không phải khi nào cũng thuận buồm xuôi gió, thu nhập ổn định. Trong khi số tiền đầu tư này là tiền chết chứ không phải là vốn lưu động. Vậy có cách nào để giảm bớt được số tiền phải trả hay không?” - ông Rí nói.

Nguồn vốn vay vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu của nông dân.Ảnh: N.DƯƠNG
Nguồn vốn vay vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu của nông dân.Ảnh: N.DƯƠNG

Có cùng quan điểm, ông Dương Văn Phú (TP.Tam Kỳ) cho rằng, để đầu tư mở rộng sản xuất cần phải có một số vốn rất lớn, nhất là đối với các trang trại chăn nuôi quy mô. Nhưng cơ chế để hỗ trợ vốn vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu của nông dân. “Bên cạnh đó, việc thiếu vắc xin phòng chống dịch hiện nay vẫn còn xảy ra. Nhiều lúc dịch bệnh xảy ra, trang trại muốn mua vắc xin về tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm rất khó khăn. Có thể nói là xin không cho mà mua thì không có. Giải quyết vấn đề tại chỗ hoàn toàn bị động, rủi ro từ đó cũng rất cao đối với người chăn nuôi. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần sớm chủ động trong việc cấp phát, bán vắc xin để người chăn nuôi có thể phòng chống bệnh cho đàn gia súc của mình…” - ông Phú kiến nghị.

Giải thích về vấn đề này, ông Huỳnh Tấn Đức - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, việc vay vốn theo mức lãi suất hỗ trợ cho nông dân hiện tại là thấp hơn so với mặt bằng chung ở các ngân hàng. “Ở mức mỗi năm chỉ phải trả 10% tiền lãi thì vẫn chấp nhận được. Hơn nữa, năm đầu cũng chưa bắt đầu thu mà để cho nông dân ổn định sản xuất rồi mới hoàn trả vốn và lãi. Ở trường hợp của anh Rí là do vay với số tiền quá lớn nên tiền gốc phải trả cũng nhiều. Nhưng đây chỉ là trường hợp rất ít, còn lại thì vẫn có thể chấp nhận được…” - ông Đức nói. Riêng vấn đề vắc xin phòng chống dịch bệnh, đại diện ngành chức năng cho biết sẽ sớm kiến nghị với UBND tỉnh để có hướng giải quyết kịp thời cho người chăn nuôi.

Bên cạnh những thắc mắc về vốn, những vấn đề liên quan đến đất dành cho mở rộng sản xuất nông nghiệp cũng được quan tâm. Nông dân Phan Thị Hải (xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn) cho biết, hiện tại việc thuê đất để mở rộng cơ sở sản xuất trang trại cũng đang gặp khó khăn khi thời gian thuê đất quá ngắn. Bà Hải nêu ý kiến: “Đầu tư xây dựng trang trại hàng tỷ đồng nhưng chỉ được thuê đất trong 5 năm thì rất khó cho người chăn nuôi. Trong khi đó, các dự án không khả thi khác lại được ưu tiên thuê đất để rồi bị treo, bỏ hoang phí. Có cách nào để giúp nông dân có thể yên tâm mở rộng sản xuất hay không?”. Trong khi đó, ông Đặng Xuân Hà (xã Tam Phước, Phú Ninh) cho rằng đất dành cho sản xuất nông nghiệp vẫn còn bị hạn chế. “Đất thường được dành cho các dự án. Chúng tôi khi thuê đất đảm bảo tính khả thi còn cao hơn các dự án bởi đất không bị bỏ không mà liên tục sản xuất, sinh lời…” - ông Hà nói. Ông Huỳnh Tấn Đức cho biết, đất quy hoạch cho việc sản xuất nông nghiệp với cây ngắn ngày thì cũng đã được 10 năm, còn bình thường thì cũng 20 năm. Việc thuê đất chỉ có thời hạn 5 năm có lẽ là ở phần đất thuộc quỹ đất 5% của địa phương. Thời gian đến, sở sẽ đề nghị xem xét để hỗ trợ cho nông dân được thuê đất để mở rộng kinh doanh, sản xuất…

Những vấn đề khác như hỗ trợ khoa học kỹ thuật cho nông dân hay việc liên kết giữa “4 nhà” để có được đầu ra ổn định… cũng được các nông dân kiến nghị tại buổi đối thoại. Ông Vũ Văn Thẩm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết đã ghi nhận những kiến nghị, đóng góp này để kịp thời điều chỉnh, xem xét hỗ trợ nông dân thời gian tới có điều kiện hơn nữa để phát triển kinh tế.

NGUYỄN DƯƠNG

NGUYỄN DƯƠNG