Phong trào thi đua nông dân sản xuất kinh doanh giỏi: Cần liên kết để phát triển
Trong 2 năm 2012 - 2014, phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi (SX-KDG) trên toàn tỉnh đã có những tiến bộ vượt bậc, mang lại bộ mặt mới đầy sức sống cho kinh tế nông nghiệp. Nhân dịp tổng kết phong trào nông dân SX-KDG giai đoạn 2012-2014, phóng viên Báo Quảng Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Vũ Văn Thẩm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh về những thành tựu và hướng đi trong thời gian tới.
Phong trào nông dân SX-KDG bắt đầu từ năm 1998 đến nay, là một trong những phong trào trọng tâm, mang lại nhiều tiến bộ cho kinh tế nông nghiệp trên toàn tỉnh. Riêng giai đoạn 2012 - 2014, phong trào nông dân SX-KDG đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng; nhiều nông dân mạnh dạn đầu tư vay vốn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, chăn nuôi. Qua tổng kết đã có hơn 155 ngàn hộ đăng ký, chiếm 63% so với số hộ nông dân và qua bình xét đã tôn vinh hơn 76 ngàn hộ đạt danh hiệu nông dân SX-KDG các cấp. Trong đó, cấp cơ sở 62.072 hộ; cấp huyện, thành phố 12.529 hộ; cấp tỉnh 2.310 hộ và trung ương 67 hộ. So với giai đoạn 2009 - 2011 số hộ nông dân đạt danh hiệu SX-KDG các cấp tăng lên 14.030 hộ (tăng 22%).
Phong trào thi đua Nông dân SX-KDG góp phần thay đổi đời sống nông dân trên toàn tỉnh. Ảnh: T.L |
Từ phong trào đã xuất hiện nhiều gương nông dân điển hình như: Mô hình kinh tế vườn gắn với chăn nuôi của hộ ông Nguyễn Thanh Tuấn (Tam Hiệp - Núi Thành) tổng doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm. Hộ bà Phan Thị Hải (Điện Ngọc - Điện Bàn) chăn nuôi heo quy mô trang trại, thu nhập bình quân gần 700 triệu đồng/năm; hộ anh Dương Văn Phú (phường Trường Xuân, TP.Tam Kỳ) mô hình nuôi heo sinh sản và heo thương phẩm theo quy mô trang trại, mỗi năm thu nhập 500 triệu đồng... Đặc biệt, đã có nhiều gương điển hình từ những vùng núi khó khăn như hộ gia đình Trần Quốc Trí (Ma Cooih, Đông Giang); Nguyễn Ngọc Anh (Trà Dơn, Nam Trà My) hay Hồ Văn Thịnh (Phước Cảnh, Phước Sơn); Alăng Rứih (A Xan, Tây Giang)...
- PV:Qua thực tiễn 14 năm thực hiện chương trình nông dân SX-KDG mang lại hiệu quả như thế nào, thưa ông?
- Ông Vũ Văn Thẩm: Điều đáng ghi nhận và khích lệ nhất là phong trào nông dân thi đua SX-KDG đã phát huy thế mạnh của mỗi vùng, từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, các cánh đồng mẫu lớn, xây dựng thương hiệu nông sản hàng hóa đặc trưng... Tiêu biểu như cánh đồng mẫu lớn với quy mô 30 - 40ha tại Bình Tú, Bình Giang (Thăng Bình), xã Đại Nghĩa (Đại Lộc), Điện Phước, Điện Hồng (Điện Bàn) để sản xuất lúa giống.
Thông qua phong trào, tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa các hộ nông dân SX-KDG với các hộ nông dân nghèo đã trở thành phổ biến trong sản xuất và đời sống văn hóa của cộng đồng nông thôn. Các hộ nông dân SX-KDG đã và đang giải quyết việc làm tại chỗ cho hơn 1.500 lao động, trong đó có hơn 700 lao động có việc làm thường xuyên; hơn 3.500 lao động có việc làm theo mùa vụ; giúp đỡ vốn, cây, con giống và kiến thức kinh nghiệm sản xuất cho hơn 5.000 lượt hộ nông dân; giúp hơn 4.500 hộ nông dân nghèo thoát nghèo và đang vươn lên làm ăn khá giả. Ngoài ra, các hộ nông dân SX-KDG đóng góp xây dựng hàng trăm nhà tình thương, nhà tình nghĩa; giúp cho hơn 500 hộ nghèo cải thiện điều kiện nhà ở và có thêm nguồn lực để phát triển sản xuất.
Hàng năm, phong trào đã đóng góp hàng tỷ đồng cho các nguồn quỹ ở địa phương. Phong trào cũng đã đóng góp một phần không nhỏ làm giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 17,93% (2012) xuống còn 13,91% (2014). Thông qua phong trào SX-KDG, hội đã tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân đóng góp hơn 5,7 tỷ đồng và trên 365.000 ngày công cho xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, trong đó đã làm mới và sửa chữa 1.000km đường giao thông nông thôn, xây mới và cải tạo 500km kênh mương, 100 cầu, cống phục vụ cho đi lại và sản xuất…
- PV: Đấy là những mặt được, còn những khó khăn hiện nay mà nông dân đang gặp phải là gì?
Tuyên dương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2012 – 2014 Tối qua 7.10, Hội Nông dân tỉnh tổ chức Lễ tổng kết phong trào Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2012 - 2014; tuyên dương, vinh danh nông dân tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong làm kinh tế cũng như tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho gia đình và cộng đồng. Tại lễ tổng kết, Hội Nông dân tỉnh đã trao giấy chứng nhận cho 150 nông dân đạt danh hiệu thi đua Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; khen thưởng 5 tập thể và 65 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thời gian qua. Dịp này, Hội Nông dân tỉnh trao hỗ trợ 23 con bò giống (tổng trị giá 428 triệu đồng) cho 23 hộ nông dân nghèo.(NGUYỄN DƯƠNG) |
- Ông Vũ Văn Thẩm: Phải thừa nhận, trải qua quá trình dài nhưng tính bền vững của kinh tế hộ nông dân vẫn chưa đạt được. Họ chưa thể làm chủ được khoa học kỹ thuật để áp dụng vào thực tiễn một cách nhuần nhuyễn. Từ đó chất lượng sản phẩm cũng như đầu ra thị trường chưa cao. Hầu hết, nông dân hiện tại vẫn chưa mang tính chất sản xuất lớn, quy mô nhỏ, thiếu tính chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, việc hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn tín dụng để đầu tư ban đầu, mở rộng quy mô sản xuất vẫn còn rất khó khăn đối với những hộ nông dân SX-KDG muốn đầu tư lớn. Chuyển giao khoa học kỹ thuật chưa đi đôi với giúp đỡ nguồn vốn và cơ chế để tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân phát triển sản xuất...
- PV: Trong thời gian tới, hội có những biện pháp gì để hỗ trợ nông dân khắc phục tình trạng trên?
- Ông Vũ Văn Thẩm: Để khắc phục việc sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún như hiện nay, hội đã và đang vận động tuyên truyền cho bà con tiếp cận với khái niệm mới: kinh tế tập thể. Chỉ có liên kết với nhau tạo thành một khối vững chắc mới giảm thiểu được những rủi ro trong sản xuất cũng như tìm thị trường đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp, tránh bị tư thương ép giá. Để kế hoạch đạt kết quả, các hộ phải liên kết với nhau theo các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác hay nhóm, các câu lạc bộ...
Trong thời gian tới, hội sẽ vận động, tuyên truyền xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế gia trại, trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên doanh, liên kết nhóm hộ và các doanh nghiệp bằng nhiều hình thức để sản xuất nhiều sản phẩm nông sản, thực phẩm có chất lượng và giá trị kinh tế cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bền vững với môi trường, xây dựng thương hiệu có uy tín và có đầu ra ổn định. Đặc biệt chú trọng đến chất lượng, phát huy giá trị, hiệu quả và tính bền vững của phong trào.
- PV: Xin cảm ơn ông!
TUỆ LÂM (thực hiện)