Đóng góp xây dựng chợ Hội An: Cần chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn
Chợ Hội An được xây dựng nhờ nguồn vốn Nhà nước và nhân dân đóng góp, hiện trong giai đoạn hoàn thiện để chuẩn bị hoạt động vào cuối năm nay. Tuy nhiên, khi thực hiện xây dựng chợ đã nảy sinh một số ý kiến của tiểu thương mong muốn được giảm nhẹ mức đóng góp.
Năm 2008, UBND TP.Hội An quyết định tu bổ, tôn tạo chợ Hội An trên nền khu chợ Giếng với vốn đầu tư từ nguồn tạm ứng ngân sách trung ương và thành phố về trùng tu di tích. Tổng vốn đầu tư chợ Hội An ước tính là 59,8 tỷ đồng. Theo quy hoạch, tổng diện tích sàn xây dựng chợ là 6.445m2 và tổng diện tích thuần bố trí kinh doanh các khu chợ là 2.236,16m2. Theo kế hoạch, chợ Hội An mới sẽ khánh thành và đi vào hoạt động trước Tết Nguyên đán 2015. Để đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành chợ đúng kế hoạch, thời gian qua, Ban di dời và bố trí mặt bằng kinh doanh chợ Hội An kêu gọi các tiểu thương, hộ kinh doanh đóng góp kinh phí xây dựng chợ theo Quyết định 553 và 579 của UBND TP.Hội An về phương án đóng góp xây dựng chợ và phân kỳ thực hiện đóng góp.
Nhiều cửa hàng quần áo may sẵn ở chợ tạm Hội An rơi vào tình trạng ế ẩm. |
Theo phương án đóng góp, với những ngành hàng vải vóc, quần áo may sẵn, bán vé các điểm tham quan du lịch, bán vé máy bay, vàng bạc sẽ đóng góp 30 triệu đồng nhân với hệ số 1,2, tức là 36 triệu đồng/hộ. Tuy nhiên, một số hộ kinh doanh mặt hàng quần áo may sẵn không đồng tình với mức đóng góp như trên. Lý do, số tiền đóng góp như vậy quá lớn so với thu nhập và tình hình kinh doanh thực tế của họ. Chị N.T.H.V. (một tiểu thương kinh doanh quần áo may sẵn) chia sẻ: “Từ khi di dời buôn bán qua chợ tạm, mặt hàng quần áo may sẵn được bố trí trên tầng 2 nên tình trạng kinh doanh rất ế ẩm. Nhiều cửa hàng thậm chí 3 - 4 ngày vẫn không có khách đến mua nên ngày càng thâm hụt vốn. Cán bộ thuế nhiều người cũng tỏ thái độ cảm thông với chúng tôi. Theo tôi, việc đánh đồng giữa mặt hàng vải vóc, vàng bạc, vé máy bay… thực sự làm khó tiểu thương kinh doanh quần áo may sẵn. Bởi, mặt hàng vải nhiều năm nay được bố trí tại tầng 1 của chợ tạm, lại kinh doanh khá tốt do có người nước ngoài thường xuyên mua sắm, may đo. Còn tụi tôi vừa bố trí tầng 2 kinh doanh không tốt, lại chuyên mua bán quần áo may sẵn cho đối tượng là người dân có thu nhập thấp trong vùng nên việc áp hệ số đóng góp như trên thực sự gây khó cho những người buôn bán mặt hàng này, vốn xuất thân là phụ nữ nghèo”.
Căn cứ vào quyết định của UBND tỉnh, Ban quản lý di dời và bố trí mặt bằng kinh doanh chợ Hội An áp dụng mức phí đóng góp xây dựng chợ cho các hộ kinh doanh là 30 triệu đồng, tùy nhóm ngành hàng sẽ áp dụng hệ số đóng góp tương ứng. Theo đó, ngành hàng thuộc nhóm 2 như vải, quần áo may sẵn… sẽ có hệ số đóng góp cao nhất là 1,2; nhóm hàng ăn uống, nước giải khát, thực phẩm tươi sống… hệ số 1.0; nhóm lương thực, ngũ cốc, trứng gia cầm, đồng hồ, chổi… hệ số 0,7. Hệ số áp phí đóng góp thấp nhất là 0,4 cho mặt hàng muối, dưa chua, mắm... |
Trong khi đó, theo ý kiến phản hồi từ Ban di dời và bố trí mặt bằng kinh doanh chợ Hội An, phương án đóng góp này đã được UBND TP.Hội An cân nhắc kỹ và ra quyết định. Không vin lý do khó khăn để xin đóng góp ít hơn trong mức mặt bằng đóng góp chung của toàn chợ. Bởi, quần áo may sẵn cùng chất liệu với ngành vải, và khi đi vào hoạt động thì cơ sở vật chất phục vụ cho kinh doanh ngành hàng vải, áo quần là ngang nhau. Bà Đinh Thị Hường - Trưởng ban Quản lý chợ Hội An, thành viên Ban di dời và bố trí mặt bằng kinh doanh chợ Hội An, cho biết: “Các chị ở trong diện hộ nghèo, cận nghèo thì được giãn thời gian đóng góp xây dựng chợ cho đến khi nào thoát khỏi diện nghèo, cận nghèo mới đóng góp. Thời gian đóng góp theo phương án phân kỳ, chia làm 4 đợt trong vòng 24 tháng cũng không thực sự gây khó khăn lắm cho các hộ kinh doanh”.
Cũng theo bà Đinh Thị Hường, chợ Hội An dự kiến khi đi vào hoạt động sẽ có 938 hộ tham gia kinh doanh, buôn bán. Trong đó, riêng mặt hàng áo quần may sẵn có 79 hộ, đến nay đã có 48 hộ nộp tiền đóng góp xây dựng chợ, điều này cho thấy nhiều hộ kinh doanh mặt hàng áo quần may sẵn đã thông suốt tư tưởng và nhận thấy lợi ích khi đóng góp xây dựng chợ. Dù phương án đóng góp và phân kỳ đóng góp là khá rõ ràng, hợp lý, tuy nhiên theo tìm hiểu của chúng tôi, trong số 79 hộ kinh doanh mặt hàng áo quần may sẵn vẫn còn khá nhiều hoàn cảnh khó khăn nên Ban quản lý chợ cần quan tâm chia sẻ, hỗ trợ các tiểu thương này về lộ trình đóng góp xây dựng chợ và có một phương án kinh doanh hợp lý.
CHIÊU THỤC ANH