Vốn vay ưu đãi cho người nghèo
Tăng trưởng tín dụng 100% kế hoạch, kéo nợ quá hạn xuống 0,08% là mục tiêu của Ngân hàng Chính sách – xã hội chi nhánh Quảng Nam để luôn trở thành bà đỡ, điểm tựa hay là một “chiếc phao cứu sinh” cho người nghèo.
Chất lượng tín dụng tốt
Ông Nguyễn Hữu Sanh ở Lệ Sơn (Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên) mỗi sáng, chiều đưa đàn bò về phía cánh đồng cuối con đường dẫn cầu Cửa Đại. Mấy năm gần đây, gia đình người nông dân nghèo như ông Sanh đã có thể hy vọng thoát nghèo từ sự gia tăng của đàn bò từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách – xã hội. Ông Sanh nói nhiều người dân địa phương cho rằng chính nguồn vốn ưu đãi này đã giúp những người nghèo có thêm điểm tựa, tự tin hơn khi lên các kế hoạch sản xuất, kinh doanh thay vì chỉ dựa vào kinh nghiệm như trước. Theo thống kê của Ngân hàng Chính sách – xã hội Quảng Nam, đến ngày 30.9.2014, tổng nguồn vốn ngân hàng đạt 3.158,174 tỷ đồng, tăng 65,779 tỷ đồng so với năm 2013. Tổng doanh số cho vay 9 tháng khoảng 490 tỷ đồng với 25.000 lượt khách hàng vay vốn. Tổng doanh số thu nợ ước đạt 425,621 tỷ đồng. Tăng trưởng dư nợ tập trung vào một số chương trình như chương trình cho vay hộ cận nghèo tăng 128,524 tỷ đồng, chương trình cho vay hộ nghèo tăng 17,531 tỷ đồng, chương trình cho vay nước sạch vệ sinh môi trường tăng 15,424 tỷ đồng và chương trình cho vay dự án WB3 tăng 14,364 tỷ đồng. Tổng dư nợ đến cuối tháng 9.2014 khoảng 3.143,174 tỷ đồng, tăng 64,379 tỷ đồng so với đầu năm và đạt 99,15% kế hoạch giao.
Người nghèo đã thay đổi tư duy về sản xuất và hoạch định kế hoạch sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh một phần nhờ vào nguồn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách – xã hội. |
Không chỉ huy động và tăng trưởng dư nợ cao, chất lượng tín dụng cũng đang ở ngưỡng an toàn. Hiện nợ quá hạn đến cuối tháng 9.2014 khoảng 2,672 tỷ đồng, chiếm 0,09%/tổng dư nợ, giảm 3,51 tỷ đồng so với năm 2013 và nợ khoanh 8,559 tỷ đồng, chiếm 0,27%/tổng dư nợ. Thông qua các đề án, phương án nâng cao chất lượng tín dụng, nhất là huyện có tỷ lệ nợ quá hạn từ 0,5% trở lên. Nỗ lực thu hồi nợ xấu tại các xã, tập trung phân tích nợ quá hạn để có giải pháp xử lý cương quyết, dứt điểm đã giúp hầu hết phòng giao dịch đều có số nợ quá hạn giảm nhanh so với đầu năm. Thông qua cuộc kiểm soát tại 14/18 huyện, 190/244 cấp xã đã bóc tách sai sót, tồn tại, tác động tích cực đến việc thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước, góp phần tạo điều kiện cho các đối tượng thụ hưởng tiếp cận và sử dụng nguồn vốn có hiệu quả. Ông Nguyễn Quang Dinh - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách – xã hội Quảng Nam khẳng định vốn tín dụng ưu đãi từ đơn vị đã thật sự trở thành phao cứu sinh cho người nghèo, giúp họ có vốn để cải thiện đời sống. Đơn vị thật sự là công cụ tài chính tích cực để địa phương đẩy nhanh mục tiêu giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Con số hộ nghèo giảm 2,5 - 3% mỗi năm ở Quảng Nam có đóng góp không nhỏ từ đồng vốn của ngân hàng. “Nguồn vốn hoạt động của chi nhánh đã cung cấp đầy đủ, kịp thời để giải ngân các chương trình tín dụng theo kế hoạch được giao. Tăng trưởng dư nợ đồng thời với chất lượng tín dụng và nợ quá hạn đã giảm mạnh so với đầu năm trên 50%” - ông Dinh nói.
Chuyển 100% vốn người nghèo
Ông Nguyễn Quang Dinh cho biết toàn hệ thống sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát chặt nợ đến hạn, không để nợ quá hạn mới phát sinh. Xử lý triệt để các khoản nợ nhận bàn giao. Phấn đấu đến ngày 31.12.2014 giữ vững tỷ lệ nợ quá hạn ở mức dưới 0,08%. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2014, ngân hàng này phải tăng số dư huy động tiết kiệm khoảng 10 tỷ đồng. Song hiện tại, ngân hàng không thể cạnh tranh với các ngân hàng thương mại trên địa bàn, nên sẽ khó bảo đảm chỉ tiêu về huy động vốn tiết kiệm. Một khó khăn khác vẫn chưa thể “gỡ bỏ” được là chất lượng tín dụng dù tốt vẫn chưa đồng đều giữa các đơn vị bởi nợ quá hạn nhận bàn giao hiện còn 356 món với 564 triệu đồng chậm được xử lý rốt ráo. Nguồn vốn chương trình giải quyết việc làm vốn ngân sách thường xuyên không giải ngân được vì cơ chế cho vay chưa phù hợp, dù nhu cầu vay vốn của các hộ rất nhiều nhưng lại không thuộc đối tượng của cơ chế. Kế hoạch của ngân hàng này là chuẩn bị đủ nguồn vốn để giải ngân với chương trình học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, chương trình cho vay dự án phát triển lâm nghiệp và tích cực huy động tiết kiệm theo chỉ tiêu được giao.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Thanh nói hệ thống ngân hàng đã kết nối được chính sách đến người dân rộng khắp và hiệu quả, tín dụng an toàn, đáp ứng vốn vay kịp thời cho người dân. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả của đồng vốn Nhà nước, Ngân hàng Chính sách – xã hội chi nhánh Quảng Nam cần tăng cường kiểm tra chất lượng tín dụng, xử lý dứt điểm nợ quá hạn vào cuối tháng 10.2014, phổ biến chính sách tín dụng cho người dân, rà soát chính xác đối tượng, nhu cầu vay vốn để điều hòa vốn sát thực tế, kiện toàn mạng lưới tín dụng đến tận cơ sở và hoàn thiện chế độ thống kê và phân tích số liệu hiệu quả vốn vay…
Tín dụng chính sách là giải pháp, công cụ để thực hiện mục tiêu giảm nghèo một cách cơ bản và bền vững trên tiến trình phát triển kinh tế - xã hội Quảng Nam. Đó là lý do Ngân hàng Chính sách – xã hội Quảng Nam cần huy động mọi nguồn lực để đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn. Hướng đầu tư tín dụng vào miền núi, khu vực nông thôn, vùng nghèo, vùng khó khăn..., đưa đồng vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng và phát huy hiệu quả và thực hiện thông tin tuyên truyền để mọi người dân nắm bắt các chế độ chính sách tín dụng của Nhà nước để thực hiện đúng. Ông Dinh cam kết ngân hàng sẽ phấn đấu đảm bảo nhu cầu tín dụng ưu đãi đến 100% hộ nghèo và chính sách có nhu cầu vốn (và đủ điều kiện) tăng trưởng nguồn vốn và dư nợ khoảng 12%/năm, tỷ lệ nợ quá hạn dưới 1% vào năm 2015, bởi một khi người nghèo có một điểm tựa vững vàng về nguồn vốn, kiến thức và niềm tin, họ sẽ nhanh chóng vượt thoát đói nghèo.
TRỊNH DŨNG