Khai thông tín dụng
Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp (DN), tháo gỡ khó khăn cho DN, khai mở dòng tín dụng hợp lý, xử lý nợ xấu, kiểm tra, kiểm soát nội bộ tránh rủi ro… là những vấn đề chủ yếu được trao đổi tại cuộc giám sát mới đây của Đoàn Đại biểu Quốc hội Quảng Nam đối với hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh.
Tháo “van” tín dụng cho DN
Chiều 15.9.2014, Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh Quảng Nam (NHNN Quảng Nam) công bố đến cuối tháng 7.2014, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đạt hơn 24,4 nghìn tỷ đồng, đạt 88,54% kế hoạch tín dụng năm 2014, tăng 2,44% so với đầu năm và tăng 10,07% so với cùng kỳ năm trước. Vốn tín dụng tăng sau một thời gian khá dài trồi sụt, chủ yếu được rót vào DN và các lĩnh vực ưu tiên. Cụ thể, cho vay phát triển nông nghiệp và nông thôn theo Nghị định 41 hơn 7.800 tỷ đồng, chiếm 31,92%/tổng dư nợ; xuất khẩu 542,6 tỷ đồng; công nghiệp hỗ trợ 494,76 tỷ đồng và cho vay hỗ trợ DN nhỏ và vừa khoảng hơn 4.820 tỷ đồng, chiếm 19,7%/tổng dư nợ. Bức tranh tín dụng “hồng hào” này được cho là kết quả nỗ lực sẵn sàng nguồn vốn và các gói tín dụng ưu đãi của các ngân hàng thương mại, đáp ứng nhu cầu vay vốn của DN khi có phương án sản xuất kinh doanh khả thi.
Phát triển của doanh nghiệp có sự đóng góp rất lớn trong việc cung cấp tín dụng của các ngân hàng. Ảnh: T.D |
Điểm khác biệt lớn nhất trong việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng gần đây là hiệu quả của các chương trình kết nối. Không phải là những tiếng thở dài “càng gỡ, càng rối” như những diễn đàn trước đây, chương trình kết nối ngân hàng – DN được mở từ trung tuần tháng 7.2014 đến nay đã mang lại những kết quả khá bất ngờ. Các ngân hàng thương mại đã tích cực vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho DN, chủ động tìm kiếm các DN có nhu cầu vay vốn và có phương án sản xuất kinh doanh khả thi để tổ chức các cuộc kết nối và thực hiện chương trình cho vay thí điểm theo mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Thống kê cho thấy chỉ trong vòng một tháng rưỡi (từ ngày 15.7 - 30.8.2014), 179/782 DN và hộ kinh doanh đã được hỗ trợ, bao gồm: hoàn thiện điều kiện tín dụng, ký kết cho 164 DN và khách hàng khác vay mới 627 tỷ đồng, gia hạn nợ cho 15 DN và khách hàng với số tiền 120,8 tỷ đồng... Hiện có 3 chi nhánh ngân hàng thương mại cam kết tài trợ vốn cho 2 dự án theo mô hình chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp của Công ty CP Giống nông lâm Quảng Nam và Công ty CP Fococev Quảng Nam, với lãi suất 7%/năm đối với khoản vay ngắn hạn. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Diện, Giám đốc NHNN – chi nhánh Quảng Nam, mặc dù các ngân hàng đã mở rộng tăng trưởng tín dụng, tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất thấp để mở rộng sản xuất, những DN có tài chính tốt có thể vay với lãi suất 6 - 7%/năm ngắn hạn, nhưng khả năng hấp thụ vốn của DN thấp. Nhiều DN vẫn không thể tiếp cận được nguồn vốn do không đáp ứng các tiêu chuẩn cho vay theo quy định của ngân hàng, có nợ xấu hay không đủ tài sản thế chấp…Những vướng mắc ấy đã khiến dòng tín dụng bị nghẽn, dư nợ cho vay trên địa bàn Quảng Nam chưa đạt được mức tăng trưởng như kỳ vọng.
Không thể hạ chuẩn cho vay
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải cho rằng hệ thống ngân hàng đã góp phần tích cực vào sự phát triển Quảng Nam, nhưng đang có lỗ hổng trong quản lý nên cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ. Quảng Nam đang rất kỳ vọng vào sự phát triển của DN nhỏ và vừa nên ngân hàng cần tháo gỡ khó khăn, đồng hành, ủng hộ và giúp đỡ họ mở rộng tăng trưởng sản xuất… Ngân hàng cần nâng cao trình độ, khả năng thẩm định dự án đầu tư, phân loại và xử lý nợ. Nếu DN khó khăn nhất thời thì ngân hàng cần xem xét và hỗ trợ cung cấp tín dụng cho họ vượt qua khó khăn trong hiện tại và tập trung vốn cho những công trình, dự án kinh tế lớn phát huy hiệu quả. |
Áp lực tăng trưởng dư nợ rất lớn nên các tổ chức tín dụng đang tìm mọi cách đưa vốn ra thị trường nhưng DN không thể tiếp cận là vấn đề lại được xới lên. Giới ngân hàng tham gia cuộc giám sát cho hay họ không thiếu vốn, nhưng bí đầu ra, thậm chí nhân viên ngân hàng phải dùng cả lương để tiếp thị, khuyến mại DN có dự án khả thi vay vốn, nhưng không thể đầu tư ồ ạt cho bất kỳ dự án nào. DN muốn vay cũng cần phải có điều kiện, phải chứng minh phương án sản xuất hiệu quả, dòng tiền trở về và khả năng trả nợ ngân hàng đúng hạn. Ngân hàng không thể hạ chuẩn cho vay vì sợ sẽ gây ra rủi ro tín dụng và nguy cơ nợ xấu chồng nợ xấu. Mối quan tâm của ngân hàng hiện thời không phải là ở con số phần trăm tăng trưởng tín dụng mà là năng lực quản lý rủi ro, hóa giải kịp thời những nguy cơ, tháo gỡ nhanh chóng những nút thắt cho nền kinh tế của ngân hàng. DN không đáp ứng được yêu cầu, điều kiện tín dụng thì vẫn khó có cơ hội tiếp cận vốn giá rẻ. Suy cho cùng, chất lượng tín dụng, dòng tiền chảy đến nơi cần chảy mới quan trọng hơn là những con số tăng trưởng nhiều hay ít!
Ông Nguyễn Quang Việt - Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Quảng Nam kiêm Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh cho rằng giới ngân hàng đã có bước tiến dài về giảm lãi suất cho vay. Tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh hiện tại là một cố gắng lớn. Các DN tốt hầu như không gặp khó khăn nào về tiếp cận vốn. Phần lớn DN than phiền đều là những DN khó khăn, thua lỗ. Ngân hàng huy động vốn mà không cho vay được thì sẽ có nguy cơ lỗ, nhưng cũng không thể đưa vốn ra thị trường bằng mọi giá được. Bà Hồ Thị Xuân Lan – Giám đốc Ngân hàng Công Thương Quảng Nam cho hay tất cả DN tốt đều được mời chào, còn có những DN được khảo sát không đủ chuẩn, đang vướng nợ xấu cả chục tỷ đồng thì ngân hàng nào dám cho vay. Không cần tài sản thế chấp, chỉ cần DN chứng minh số liệu đáng tin cậy thì ngân hàng sẵn sàng mở cửa cho vay vốn.
Ông Nguyễn Văn Diện cho rằng ngân hàng sẽ mở rộng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tích cực xử lý nợ xấu. Ngoài ra, sẽ tiếp tục triển khai chương trình kết nối ngân hàng - DN, tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn vay với lãi suất hợp lý, giảm bớt khó khăn về vốn và chi phí lãi vay, đồng thời giúp ngân hàng đẩy nhanh và đạt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tín dụng hiệu quả.
TRỊNH DŨNG