Tăng phí dịch vụ Cù Lao Chàm: Doanh nghiệp phản ứng

VĨNH LỘC 17/09/2014 08:21

Hoạt động du lịch tại Cù Lao Chàm lại “nổi sóng” khi doanh nghiệp quyết liệt phản ứng trước việc điều chỉnh tăng mức phí dịch vụ vừa được UBND TP.Hội An ban hành.

Không đồng tình

Theo phản ánh của ông Huỳnh Kim Ba – Giám đốc Công ty Du lịch Phú Lộc, việc tăng phí dịch vụ Cù Lao Chàm bắt đầu rộ lên từ cuối tháng 7.2014 khi UBND thành phố ban hành Quyết định 1715/QĐ-UBND (28.7.2014) điều chỉnh phí tham quan Cù Lao Chàm từ 10 lên 20 nghìn đồng (bao gồm phí vệ sinh, môi trường, bãi biển…), hiệu lực thi hành bắt đầu từ ngày 1.8. Trong một cuộc họp với UBND thành phố, các doanh nghiệp du lịch Cù Lao Chàm đã đề xuất ý kiến xin tạm dời việc tăng phí sang năm 2015 vì thời gian đã cuối mùa. Trong khi chờ phản hồi từ phía thành phố thì ngày 8.9 vừa qua các doanh nghiệp nhận được thông báo của UBND xã đảo Tân Hiệp yêu cầu đóng phí tham quan theo mức quy định mới, đồng thời bắt buộc doanh nghiệp phải hoàn thành trước ngày 15.9, nếu không sẽ bị ngưng cung cấp dịch vụ (không cho vận chuyển khách ra đảo). “Việc tăng phí vào cuối mùa du lịch Cù Lao Chàm khi mà lượng khách giảm như hiện nay là quá đột ngột, doanh nghiệp không thể xoay xở kịp” - ông Ba nói. Theo ông Ba, trong tình hình kinh doanh khó khăn và cạnh tranh như hiện nay, nhiều doanh nghiệp phải tăng cường khuyến mãi để thu hút khách thì việc tăng phí là áp lực rất lớn đối với doanh thu của các công ty vì mỗi tháng phải bỏ ra thêm 15 – 30 triệu đồng, riêng trong tháng 8 Công ty Phú Lộc phải đóng tiền phí, lệ phí là 36,2 triệu đồng, vượt 18,1 triệu đồng so với thời gian trước đây.

Khách du lịch Cù Lao Chàm tăng nhanh gây áp lực trong công tác vệ sinh, môi trường và an ninh trên đảo. Ảnh: V.L
Khách du lịch Cù Lao Chàm tăng nhanh gây áp lực trong công tác vệ sinh, môi trường và an ninh trên đảo. Ảnh: V.L

Ông Dương Văn Chiến – Giám đốc Công ty Du lịch Cù Lao Xanh cho rằng việc thành phố đột ngột tăng phí dịch vụ là bước đi mang tính áp đặt gây bức xúc cho doanh nghiệp. Hiện 38 đơn vị kinh doanh vận chuyển du lịch tại đây đã gửi văn bản kiến nghị đến HĐND, UBND thành phố và UBND xã đảo Tân Hiệp xem xét hoãn việc tăng phí tham quan Cù Lao Chàm, đồng thời thống nhất chưa nộp phí theo mức giá mới. “Đâu phải cứ muốn lấy tiền là lấy, phải báo trước thời gian để doanh nghiệp xây dựng bảng giá tour mới chứ không thể có chuyện đã rồi như vậy được” - ông Chiến nói. Ở chiều hướng khác, ông Trần Hưng – Giám đốc Công ty TNHH MTV Sông Hội nhìn nhận, việc tăng phí lên 20 nghìn đồng sẽ hợp lý nếu như có lộ trình, thời gian phù hợp, đặc biệt là chất lượng dịch vụ, vệ sinh tại đảo cũng được cải thiện tương ứng. “Chúng tôi sẵn sàng ủng hộ tăng phí nhưng không phải thời điểm này mà nên bắt đầu từ năm 2015 để doanh nghiệp hiệp thương lại giá tour mới bán cho khách. Ngoài ra, thành phố cũng nên tăng cường thường xuyên công tác vệ sinh môi trường, cung cấp nước ngọt đầy đủ cho khách tắm rửa….” - ông Hưng đề xuất.

Tiếp tục triển khai thu phí mới

Dù nhận được nhiều phản ứng gay gắt từ phía doanh nghiệp, nhưng theo ông Nguyễn Văn An – Chủ tịch UBND xã đảo Tân Hiệp, việc tăng phí là phù hợp và tuân thủ đúng chủ trương của thành phố vì với khoản phí, lệ phí hiện tại không đáp ứng được hoạt động dọn dẹp vệ sinh, môi trường tại đảo vì áp lực khách tăng quá nhiều. “Không có tiền thì lấy chi mua xăng dầu bơm nước, lấy chi trả công dọn vệ sinh, trả lương cho đội ngũ bảo vệ an ninh, trật tự” - ông An liệt kê. Theo ông An, hiện đội ngũ dọn dẹp vệ sinh trên đảo đã gần 20 người, chưa nói lực lượng an ninh trật tự vài chục người nữa. Đặc biệt, dù năm 2014 chưa hết nhưng số tiền chi phí cho các hoạt động trên đã thâm hụt hơn một trăm triệu đồng thành phố phải bù lỗ. “Tôi sẽ làm việc với Trung tâm Quản lý bảo tồn biển Cù Lao Chàm không cho tàu ra nếu chưa đóng phí tháng 8, nếu có ra chúng tôi cũng sẽ không bơm nước, không cung cấp dịch vụ” - ông An cương quyết.

Ông Trương Văn Bay – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An khẳng định, mức tăng phí 10 nghìn đồng không phải là nhiều nên doanh nghiệp cần hợp tác ủng hộ để thành phố có nguồn đầu tư các dịch vụ phục vụ khách tham quan đảo tốt hơn. Ngoài ra, ông Bay cũng thừa nhận, công tác vệ sinh, môi trường, cung cấp nước ngọt thỉnh thoảng có gián đoạn do bơm không kịp nhưng tất cả sẽ được khắc phục vào năm sau khi điện lưới được kéo ra đảo. “Bây giờ xã đã thu mức phí mới rồi thì nên để như vậy. Sang năm khi HĐND tỉnh thông qua mức phí gộp chung (dự kiến 40 nghìn đồng bao gồm phí vệ sinh, lệ phí bến bãi, tham quan, tắm biển…), chúng tôi sẽ tính toán cân đối lại” - ông Bay cho biết.

Như vậy, mức phí mới sẽ được thành phố tiếp tục duy trì mặc cho những phản đối của doanh nghiệp. Còn du lịch Cù Lao Chàm bên cạnh những vấn đề nổi cộm bấy lâu như sự áp lực tăng khách quá nhanh, dịch vụ yếu kém, sản phẩm nghèo nàn, doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh…, bây giờ lại xuất hiện vấn đề phí, lệ phí mới càng làm cho bức tranh du lịch nơi đây thêm “đa sắc màu” phức tạp. Điều đó càng khẳng định tính cấp thiết của việc  xây dựng một chiến lược, lộ trình quy hoạch phát triển du lịch Cù Lao Chàm cụ thể để hướng đến sự phát triển hài hòa và bền vững, đảm bảo lợi ích giữa các bên liên quan.

VĨNH LỘC

VĨNH LỘC