Phát triển kinh tế tập thể: Kinh nghiệm từ các tổ chức quốc tế
Từ những kinh nghiệm, kiến thức tích lũy được trong quá trình phát triển kinh tế hợp tác, các tổ chức quốc tế đã triển khai nhiều chương trình đạt hiệu quả, tạo nhận thức mới cho xã viên hợp tác xã (HTX) trên toàn tỉnh…
Làn gió mới
Nằm trong chuỗi hoạt động phát triển kinh tế địa phương thông qua các dự án, tổ chức JICA (Nhật Bản) được biết đến là một trong những đơn vị có nhiều đóng góp phát triển kinh tế địa phương trong thời gian qua. Từ kinh nghiệm của TP.Minamiboso (Nhật Bản), tổ chức JICA đã hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể dựa trên cơ sở có sẵn từ địa phương. Một trong những mô hình được JICA tài trợ đang có kết quả khả quan là HTX rau Mỹ Hưng ở xã Bình Triều (Thăng Bình), làng dệt Nam Phước (Duy Xuyên), HTX bánh tráng Hương Huệ (Quế Sơn) hay đồ thủ công mỹ nghệ ở Tiên Phước… “Từ kinh nghiệm về phát triển mô hình HTX, tổ chức JICA đã áp dụng vào Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng. Họ hỗ trợ xây dựng một HTX hay tổ hợp tác theo từng bước, đầy đủ các công đoạn và đảm bảo chiến lược. Từ xây dựng sản phẩm, chiến lược quảng bá, kinh doanh cho đến đầu mối tiêu thụ đều được tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo được sự bền vững. Đó là điều mà trước nay chưa HTX nào chú trọng tới và làm được điều đó…” - ông Nguyễn Thanh Tài - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết.
Làng rau Mỹ Hưng đang có cơ hội để phát triển. Ảnh: T.L |
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng là một trong những tổ chức có đóng góp lớn cho việc phát triển kinh tế - xã hội ở Quảng Nam trong thời gian qua. Những hoạt động của tổ chức này chủ yếu là phát triển du lịch cộng đồng, nhưng hướng đến việc phát triển tổ hợp tác, HTX hoạt động ở lĩnh vực này. Các mô hình du lịch cộng đồng ở Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên), Bhơ Hôồng, Đhrồng ở huyện Đông Giang hay mới đây là làng Triêm Tây của Điện Bàn cũng được hướng đến sự phát triển theo mô hình HTX, tổ hợp tác du lịch. “Những dự án này chú trọng đến việc phát triển du lịch cộng đồng, tiến tới thành lập HTX hay tổ hợp tác chuyên về lĩnh vực này. Bên cạnh việc xây dựng cơ sở vật chất, ILO còn chú trọng đến việc đào tạo năng lực quản lý, chiến lược phát triển về lâu dài. Nếu có khúc mắc gì thì lập tức có sự trao đổi với Trung tâm Tư vấn HTX để cùng giải quyết, tạo hiệu quả cao…” - bà Ngô Thị Thiên, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn HTX (thuộc Liên minh HTX tỉnh) cho biết.
Phải có chiến lược
Là người gắn bó với các dự án của JICA tại Quảng Nam, ông Fumio Kato - Trưởng ban Dự án JICA cho rằng Quảng Nam có lợi thế để phát triển nền kinh tế tập thể. Tuy nhiên, những tiềm năng đó vẫn chưa được khai thác hết. Ông Fumio Kato nói: “Muốn làm được điều đó, các bạn cần phải có chiến lược, hoạch định cụ thể, biết đâu là lợi thế của mình. Tôi thấy có những sản phẩm nếu có sự đầu tư, sáng tạo thì sẽ thu hút được thị hiếu của người tiêu dùng. Như trầm hương ở Tiên Phước. Trước nay chỉ thuần về kinh doanh cây, gốc… chứ không hề nghĩ tới chuyện nên làm những đồ mỹ nghệ nhỏ như lược, móc chìa khóa hay những thứ khác…”. Cũng chính từ đó, tổ chức JICA khi tiến hành các dự án tại địa phương đều phải trải qua nhiều công đoạn, các chuỗi giá trị khác nhau, trong đó bao gồm cả đào tạo năng lực quản lý cho cán bộ thực hiện hay những lớp học dành cho chiến lược kinh doanh, quảng bá sản phẩm…
Mục đính, định hướng trong chiến lược phát triển HTX từ những kinh nghiệm của các nước lớn là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, vẫn còn đó những vướng mắc chưa thể tháo gỡ khiến cho tiến trình phát triển của những mô hình này vẫn chưa phát huy hiệu quả cao. Theo ông Nguyễn Thanh Tài, những kinh nghiệm, mô hình từ các tổ chức áp dụng để phát triển kinh tế hợp tác ở địa phương đều đúng đắn, nhưng khó khăn hiện tại chính là năng lực quản lý, điều hành của cán bộ chưa đảm bảo hiệu quả. Như ở HTX rau Mỹ Hưng, tuy đã được hướng dẫn kỹ về quy trình trồng rau sạch VietGAP, xây dựng nhà sơ chế, bảo quản và có Trạm dừng nghỉ Bình An làm nơi tiêu thụ nhưng vẫn chưa phát huy hiệu quả cao và có nguy cơ không thể phát triển, nhân rộng, điều này rất đáng tiếc… “Khi ở một trình độ cao hơn thì đòi hỏi các cán bộ phải có năng lực, tâm huyết để phát triển HTX. Hầu hết vẫn còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, của các tổ chức chứ chưa đặt mình vào trong guồng quay của bộ máy HTX. Nghĩa là khi có sự chỉ đạo, đôn đốc thì làm, còn không lại bỏ ngỏ. Muốn phát triển một HTX, xây dựng được thương hiệu thì phải mở rộng quy mô sản xuất, phát triển xã viên để nguồn vốn ngày càng lớn, từ đó có kinh phí để hoạt động, kể cả khi không có nguồn viện trợ nào. Có như vậy mới có thể phát triển được HTX về lâu dài được…” - ông Tài nói.
TUỆ LÂM