Tìm hướng cải thiện năng lực cạnh tranh
Tại hội nghị “Phân tích, đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh Quảng Nam 2013” tổ chức vào ngày 10.9, nhiều đại biểu cho rằng cần có những giải pháp cụ thể hơn để tiếp tục cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong thời gian tới.
Tụt hạng
Theo công bố của Phòng Thương mại – công nghiệp Việt Nam (VCCI), điểm tổng hợp PCI năm 2013 của Quảng Nam là 58,76 điểm, đã bị tụt đến 12 bậc, đứng vị thứ 27, rơi vào nhóm Khá. Chỉ số tiếp cận đất đai, tính minh bạch, năng động, chi phí thời gian tăng điểm, nhưng chỉ số gia nhập thị trường, chi phí không chính thức, hỗ trợ DN và đào tạo lao động lại bị rớt điểm. Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế VCCI nói tiếp cận đất đai, minh bạch và năng động của Quảng Nam đã được cải thiện. Rõ nét nhất là tính năng động được cải thiện sau nhiều năm sụt giảm với khoảng 74,4% doanh nghiệp (DN) khảo sát cho rằng địa phương đã nắm vững quy định trong khuôn khổ pháp luật, nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và khoảng 60,5% DN công nhận Quảng Nam đã thực sự năng động và sáng tạo giải quyết các vấn đề mới khi quy định của trung ương chưa rõ ràng. Kết quả điều tra cho thấy 5 vấn đề khó khăn lớn nhất về môi trường kinh doanh Quảng Nam mà DN đang gặp phải là vốn, lao động và chất lượng lao động, thủ tục hành chính, cơ sở hạ tầng và thuế. Khoảng 40% DN cho rằng thủ tục vay vốn phiền hà, 36% nói “bồi dưỡng” cán bộ ngân hàng là phổ biến, 64% DN nói lãi suất và điều kiện cho vay đối với DN tư nhân luôn khó khăn hơn so với DN nhà nước, 55% cho thấy ngân hàng thương mại áp đặt điều kiện tín dụng bất lợi cho DN và có đến 92% DN khảo sát cho rằng, không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp.
Trao đổi bên lề hội nghị. Ảnh: T.D |
Theo ông Đậu Anh Tuấn, DN tư nhân chưa nhận thức được những điểm tốt của môi trường kinh doanh tại địa phương là do sự chuyển đổi chưa đồng đều giữa lãnh đạo tỉnh xuống cấp thực hiện và giữa các sở, ngành; khoảng trống lòng tin giữa chính quyền, DN và truyền thông chưa chú trọng đúng mức. Khu vực tư nhân bị yếu thế, chưa được chú trọng và tạo điều kiện thuận lợi trong kinh doanh. Con số 46,38% DN cho rằng, tỉnh có những sáng kiến tốt nhưng chưa được thực thi ở các sở, ngành; hơn 37% DN cho biết, những chủ trương chính sách đúng đắn ở tỉnh lại không được thực hiện tốt ở cấp huyện; 75% DN nói hợp đồng đất đai và các nguồn lực kinh doanh khác rơi vào tay các DN có mối liên kết chặt chẽ với chính quyền và khoảng 35% DN cho biết Quảng Nam ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài hơn là phát triển DN tư nhân trong tỉnh… đã minh chứng cho sự bất xứng của môi trường kinh doanh. “Những con số thống kê không phải đúng hay sai mà là sự cảm nhận của cộng đồng DN. Lẽ ra chính quyền và DN là hai đối tác phát triển nhưng lại có sự định kiến, nên đã tạo ra khoảng trống. Sự đối thoại nhiều lần đã được tổ chức nhưng mang tính ngoại giao nhiều hơn. Hiện tại Quảng Nam vẫn là địa chỉ hấp dẫn nhà đầu tư nhưng phụ thuộc rất lớn vào thiên thời, địa lợi, nhân hòa hơn là hình ảnh môi trường đầu tư tốt. Việc thu hẹp khoảng cách, từ tháo gỡ sang tạo điều kiện thuận lợi cho DN là điều cần nhanh chóng thực hiện” - ông Tuấn nói.
Soi mình để cải thiện
Tăng cường cung cấp thông tin minh bạch cho báo chí, mở rộng truyền thông Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải cho rằng, Quảng Nam cần trả lời cho được câu hỏi tại sao những mục tiêu, giải pháp nâng năng lực cạnh tranh đưa ra chưa được thực hiện có hiệu quả? Năm nào cũng bàn biện pháp cải thiện nhưng càng ngày năng lực cạnh tranh và cải cách hành chính lại tụt hạng thấp? Việc nâng cao năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế không chỉ là vinh dự cá nhân mà là của cả vùng đất anh hùng này. Vì vậy, cần tăng cường giám sát, có tiếng nói độc lập để chỉ ra những yếu kém nội tại của địa phương, cải tiến dịch vụ hỗ trợ DN. Chính quyền và cơ quan quản lý cần cung cấp thông tin minh bạch cho báo chí, củng cố và mở rộng kênh truyền thông chính thống tại địa phương. Quan trọng nhất là giải quyết những khó khăn, hỗ trợ tích cực cho DN, nhất là DN vừa và nhỏ để khu vực kinh tế này ngày càng lớn mạnh. Xây dựng năng lực kinh tế địa phương trước tiên phải nằm trong kế hoạch và là trách nhiệm của lãnh đạo trong chiến lược phát triển nền kinh tế và phải có sự tổng hợp sức dân và DN trên địa bàn, xem họ có hài lòng với chất lượng điều hành hay không. Nếu không thay đổi tư duy, không chuyển hướng từ nền hành chính sang hướng nền hành chính phục vụ thì khó có thể cải thiện môi trường đầu tư. |
Hầu hết DN tham dự hội nghị phân tích chỉ số PCI năm 2013 đều rất muốn thấy sự thay đổi về cơ chế, chính sách, môi trường đầu tư, thực hiện tốt hơn cơ chế một cửa liên thông, công khai, minh bạch các thủ tục đầu tư tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn cho DN và duy trì cơ chế đối thoại giữa chính quyền và DN. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh cho rằng Quảng Nam đã thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng và đầu tư nguồn nhân lực, cải cách hành chính thông qua mô hình “một cửa liên thông”, tạo điều kiện thu hút đầu tư và thuận lợi cho DN sản xuất kinh doanh, nhưng kết quả xếp hạng vẫn chưa ổn định. Chính quyền và các cơ quan quản lý cần tự soi mình để cải thiện, đưa ra những tồn tại, đánh giá năng lực lãnh đạo, xem xét trách nhiệm của từng cá nhân, nhất là các cơ quan hành chính hãy “quên đi” chuyện gây phiền hà, tạo dựng niềm tin cho dân chúng và DN. Những kiến nghị của DN cần phải được giải đáp kịp thời. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Kim Hùng cho rằng hiện tại trình độ năng lực của cán bộ tiếp nhận hồ sơ đầu tư quá yếu. Cải cách hành chính không phải chỉ là sự rút ngắn thời gian, giấy tờ mà cái chính là phải đúng hạn, đúng giờ, chính xác. Việc hỗ trợ DN phải thực sự minh bạch, tạo thuận lợi và giúp DN vượt qua khó khăn mới quan trọng hơn là ưu đãi thuế, cơ chế…
Có thể hiểu được rằng PCI như một quá trình xét nghiệm máu để chính quyền và cơ quan quản lý biết tình trạng cơ thể để “kê đơn, bốc thuốc”. Đó không phải là cuộc đua thứ hạng mà chỉ số PCI cần phải được xem như một quá trình nhìn lại bản thân để nỗ lực nâng cao chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh. Không có năng lực nội sinh này mọi thúc ép đều trở nên vô nghĩa. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói chính quyền băn khoăn trước những chỉ số bị tụt hạng. Những góp ý của cộng đồng DN sẽ giúp tỉnh soi mình, năng động hơn để thay đổi và cải thiện môi trường đầu tư. Những tồn tại sẽ được mổ xẻ, phân tích, thay đổi tư duy phục vụ với trách nhiệm mang lại sự thông thoáng, thuận lợi cho nhà đầu tư, DN và nâng cao mức sống của người dân, không để DN đầu tư mang cảm giác “đi xin” hơn là hợp tác.
TRỊNH DŨNG