Xử lý môi trường chăn nuôi bằng công nghệ vi sinh

BÍCH LIÊN 09/09/2014 09:21

Thời gian qua, tại Quảng Nam, đề tài/mô hình ứng dụng công nghệ vi sinh Supowa trong xử lý môi trường chăn nuôi tập trung bước đầu phát huy hiệu quả, được nhiều gia trại, trang trại đánh giá cao.

Ô nhiễm môi trường chăn nuôi và dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm là thực tế đáng báo động tại Quảng Nam nói riêng, cả nước nói chung. Mỗi  năm, Quảng Nam phải chi hỗ trợ khoảng 22.000 lít hóa chất phục vụ công tác phòng và dập dịch. Từ thực tế đó, Viện Công nghệ - môi trường đã triển khai đề tài “Nghiên cứu ứng dụng dung dịch khử trùng Supowa và cung cấp thiết bị xử lý môi trường chăn nuôi tập trung tại tỉnh Quảng Nam” và bước đầu được nhiều trang trại, gia trại đánh giá cao về hiệu quả. Theo đó, một số gia trại, trang trại chăn nuôi quy mô lớn tại Đại Lộc đã được lắp đặt thiết bị Supowa 301/h, được hỗ trợ dung dịch siêu oxy hóa Supowa và được tập huấn kỹ thuật pha chế, sử dụng dung dịch để xử lý môi trường chăn nuôi. Đây vốn là dung dịch được điều chế dựa trên công nghệ hoạt hóa điện hóa nước có độ khoáng hóa thấp để tăng cường vệ sinh chuồng trại, giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong chăn nuôi. So với một số chất khử trùng phổ biến có thể diệt được nhiều chủng vi sinh vật như natri hypoclorit hay anolit…, Supowa được xem là chất có hiệu quả khử trùng, khử khuẩn cao hơn, rẻ hơn, ít ăn mòn kim loại hơn anolit. Do Supowa được sản xuất từ nguyên liệu muối và điện nên giảm nguy cơ lưu trữ nhiều hóa chất độc hại trong môi trường chăn nuôi.

Việc ứng dụng công nghệ để xử lý môi trường được nhiều hộ chăn nuôi quan tâm. Ảnh: B.L
Việc ứng dụng công nghệ để xử lý môi trường được nhiều hộ chăn nuôi quan tâm. Ảnh: B.L

ThS. Nguyễn Lương Thoại (Viện Công nghệ - môi trường) cho biết đến nay đã lắp đặt thiết bị Supowa 301/h, tức thiết bị hỗ trợ việc sử dụng dung dịch Supowa (hay còn gọi là thiết bị phun khử trùng, bơm định lượng) để khử trùng nước tại các gia trại, trang trại của hộ ông Nguyễn Quý Thảo, Lê Công Nhược (Đại Tân), Hồ Công Toại (Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc). Đây là thiết bị do Viện Công nghệ - môi trường chế tạo, trước mắt thiết bị này phù hợp đối với những hộ chăn nuôi có quy mô hàng chục ngàn con, thời gian tới, viện sẽ nghiên cứu tạo ra những sản phẩm có công suất nhỏ hơn để nhiều hộ chăn nuôi có thể dễ đầu tư công nghệ. ThS. Nguyễn Lương Thoại khuyến cáo, trong vệ sinh chuồng trại, trước hết phải rửa hoặc phun sạch nền chuồng bằng nước để rửa trôi chất thải (phân, trấu) khỏi nền chuồng. Sau đó, đổ dung dịch khử khuẩn Supowa đã pha vào bồn chứa, dùng dụng cụ lấy nước từ bồn pha sẵn dung dịch để phun, rửa nền chuồng. Còn đối với chuồng trống, đất xung quanh khu vực chăn nuôi hay phương tiện vận chuyển trong chăn nuôi, có thể phun dung dịch nguyên chất 100% lên toàn bộ bề mặt nền, tường, trần, mái chuồng nuôi. Đối với dụng cụ chăn nuôi như máng ăn, máng uống còn thừa, cần khử khuẩn bằng dung dịch 100% trước khi đổ, xịt rửa dụng cụ bằng nước, ngâm bằng dung dịch 50% trong thời gian 30 phút, cọ rửa bằng xà phòng, để khô ráo…

Ông Nguyễn Quý Thảo (xã Đại Tân) cho biết, với quy mô 20.000 con gà đẻ trứng, trước đây ông phải dùng benkocid, vôi bột để xử lý môi trường rất cực nhọc. Tiếp cận công nghệ này, ông nhận thấy mùi hôi trang trại đã giảm đi đáng kể. Nếu trước, mỗi ngày trang trại phải vất vả cấp 4.000 lít nước đến đàn gà thì nay, nhờ lắp hệ thống thiết bị, ông đã giảm nhân công trong khâu này. Việc khử trùng nguồn nước uống cho gà (4 lít dung dịch/1.000 lít nước) còn giúp phòng bệnh gia cầm. Ông Đoàn Ngọc Quang, cán bộ Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Đại Lộc nhận xét: “Qua một thời gian triển khai tại một số hộ chăn nuôi quy mô tại Đại Lộc, chúng tôi nhận thấy đây là công nghệ mới và phát huy hiệu quả rất tốt. Viện Công nghệ - môi trường cần triển khai chuyển giao công nghệ rộng rãi đến nông hộ chăn nuôi để nhiều người được hưởng lợi. Song, điều đáng quan tâm là hiện giá thành thiết bị Supowa khá cao, hơn 70 triệu đồng/thiết bị, nếu việc sản xuất đại trà sẽ giúp hạ giá thành sản phẩm. Thay vì hỗ trợ mỗi năm 22.000 lít hóa chất để phòng và dập dịch trong chăn nuôi, thiết nghĩ Quảng Nam cần có cơ chế hỗ trợ để hộ chăn nuôi được tiếp cận với thiết bị và công nghệ trên trong phòng dịch bệnh và xử lý môi trường chăn nuôi”. Theo ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở Khoa học - công nghệ, thời gian tới đơn vị sẽ phối hợp với Sở Tài nguyên - môi trường tham mưu UBND tỉnh lập đề án nhân rộng thành quả nghiên cứu trên, đồng thời đề xuất cơ chế hỗ trợ một phần kinh phí cho hộ chăn nuôi trong việc tiếp cận công nghệ.

BÍCH LIÊN

BÍCH LIÊN