Doanh nghiệp du lịch Cù Lao chàm: Thừa lượng, thiếu chất

ĐÕ HUẤN 05/09/2014 09:13

Các doanh nghiệp tham gia kinh doanh du lịch trên tuyến Cù Lao Chàm (TP.Hội An) được đánh giá là chưa đạt chất lượng; nếu không kịp thời chấn chỉnh, tăng cường quản lý sẽ tác động xấu đối với hoạt động du lịch.

Hơn 5 năm qua, kể từ ngày được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới (26.5.2009 – 26.5.2014), Cù Lao Chàm đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Lượng khách đến tham quan tăng bình quân hằng năm gần 42%. Tuy có nhiều biến động về thị trường du lịch nhưng lượng khách đến Cù Lao Chàm nửa đầu năm nay vẫn đạt 111.000 người, tăng gần 24.400 người so với cùng kỳ năm trước, riêng khách nước ngoài tăng hơn 4.500 lượt. Mặc dù lượng khách Trung Quốc đã giảm đáng kể nhưng trong vài tháng gần đây bình quân mỗi ngày Cù Lao Chàm cũng đón khoảng 1.500 khách.

Chính vì vậy, trong 5 năm qua, số lượng đơn vị tham gia kinh doanh lữ hành, dịch vụ du lịch Cù Lao Chàm phát triển nhanh chóng với khoảng 40 doanh nghiệp và hơn 110 chiếc ca nô vận chuyển đường thủy (tuyến Cửa Đại – Cù Lao Chàm). Sự gia tăng nhanh với số lượng lớn doanh nghiệp và phương tiện tuy bước đầu đáp ứng được nhu cầu phục vụ du khách song hiện tại đã bộc lộ nhiều hạn chế, non kém. Ông Trần Tấn Dũng – Bí thư Đảng ủy xã đảo Tân Hiệp (TP.Hội An) cho biết: “Chất lượng các doanh nghiệp làm du lịch ở Cù Lao Chàm hiện tại là “tay ngang”, không chuyên nghiệp. Ai có 200 triệu đồng, vay thêm 200 triệu nữa mua chiếc ca nô là trở thành nhà lữ hành. Người ta làm du lịch theo kiểu “bốc lủm” nên kiến thức về du lịch rất hạn chế. Vì muốn thu hồi vốn lại ngay nên không quan tâm đến công tác quản lý. Tiền thì họ lấy nhưng có tai tiếng là địa phương chịu hết!”.

Theo phản ánh của những người trong ngành, hoạt động của các công ty tham gia du lịch ở Cù Lao Chàm hiện rất “bát nháo”, nhiều công ty không quan tâm tới chất lượng phục vụ mà chỉ quan tâm tới lợi nhuận; xảy ra tình trạng chèo kéo, bắt khách. Giá vé bán tour mỗi doanh nghiệp mỗi giá, sản phẩm phục vụ khách nghèo nàn, đơn điệu (chỉ có tắm biển, lặn ngắm san hô, thưởng thức ẩm thực hải sản), kiến thức hướng dẫn viên du lịch sơ sài, thiếu chính xác... Kiểu làm ăn đó đã phá vỡ thương hiệu Cù Lao Chàm.

Không thể để “con sâu làm rầu nồi canh”, có doanh nghiệp đã đề nghị lãnh đạo TP.Hội An sớm có biện pháp chấn chỉnh để nâng cao chất lượng tour du lịch Cù Lao Chàm. Bà Nguyễn Thị Hường Em (Công ty Du lịch Hội An Xanh) nói: “Tại sao thành phố hằng năm không tổ chức bình chọn qua mạng những công ty làm ăn có hiệu quả và chất lượng, đưa khách đi an toàn để tuyên dương, quảng bá. Làm như vậy, chắc chắn những công ty làm ăn không ra gì sẽ “sợ” vì khi đã biết, khách sẽ chọn những công ty được bình chọn ở tốp đầu, còn những công ty bị tai tiếng, phục vụ khách không tốt thì khách sẽ loại trừ, không dám đến với công ty đó nữa”.

Đã đến lúc Nhà nước phải tăng cường quản lý, kiểm soát, đưa hoạt động của các doanh nghiệp vào “quỹ đạo chung” để chất lượng du lịch Cù Lao Chàm ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu đa dạng và khó tính của du khách. Du lịch chỉ thực sự phát triển bền vững khi lợi nhuận từ du lịch mang lại đồng đều cho cả cộng đồng. Ông Hồ Tấn Cường – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL chia sẻ: “Nói đến du lịch trước hết là nói đến các công ty du lịch. Các công ty du lịch nếu không biết phải làm gì để hưởng lợi lâu dài thì chiếc tàu mấy trăm triệu đồng chỉ trong vài ba năm nữa là không dùng nữa đâu. Vì du khách tới để làm gì nếu Cù Lao Chàm cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, thiếu tính hấp dẫn, không có thời gian lưu trú. Người dân phải hưởng lợi thì họ mới hợp tác!”.

ĐÕ HUẤN

ĐÕ HUẤN