Tìm dự án FDI chất lượng

TÙY PHONG 01/09/2014 10:25

Xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án FDI chất lượng cao vẫn nằm trong kế hoạch gia tăng nguồn lực phát triển Quảng Nam.

Chưa thể lạc quan

Mười sáu dự án đầu tư có hàm lượng công nghệ cao đưa ra mời gọi FDI giai đoạn 2010 - 2015 đã không thể thực hiện được. Thu hút FDI sụt giảm liên tục trong vòng 5 năm qua. Mỗi năm không quá 10 dự án được cấp phép. Ngay cả 6 dự án được cấp phép trong vòng 7 tháng qua cũng chỉ là những dự án có hàm lượng công nghệ thấp và sử dụng lao động không nhiều. Các cơ quan quản lý cho hay, sự sụt giảm này không loại trừ khả năng khủng hoảng kinh tế, các nhà đầu tư buộc phải cơ cấu lại nguồn vốn, cân nhắc lựa chọn vùng đất và dự án để đầu tư. Còn những cuộc xúc tiến đầu tư, hội thảo “dọn sẵn” những dự án cụ thể cho nhà đầu tư vẫn chưa đủ thời gian để hấp thụ.

Các cơ quan quản lý cho rằng nhìn vào kết quả xuất khẩu của FDI luôn tăng đến 45% so với tổng giá trị xuất khẩu của cả 80 doanh nghiệp xuất khẩu tại Quảng Nam, xu hướng nộp ngân sách ngày càng nhiều, chiếm 15% tổng thu ngân sách địa phương và giải quyết hàng chục ngàn lao động cùng nhiều sản phẩm công nghiệp, du lịch tham gia chuỗi giá trị toàn cầu… đủ để chứng minh hiệu quả đầu tư của các doanh nghiệp FDI hiện tại. Theo phân tích của Sở Công Thương, Sở Kế hoạch - đầu tư và Cục Thuế Quảng Nam, chỉ số công nghiệp 7 tháng qua gia tăng chủ yếu đến từ khu vực kinh tế tư nhân và sức tăng của doanh nghiệp FDI. Theo các cơ quan này, sức đề kháng trong cơn khủng khoảng của doanh nghiệp FDI hơn hẳn doanh nghiệp nội địa nhờ tránh được những tác động của chính sách, bất ổn kinh tế vĩ mô... Khó khăn của doanh nghiệp nội địa là thiếu vốn đầu tư sản xuất thì FDI chủ yếu dựa vào nguồn vốn từ công ty mẹ và các ngân hàng nước ngoài (nơi có mức lãi suất thấp và ổn định hơn) nên họ không bị tác động bởi mức lãi suất cao của các ngân hàng trong nước. Các doanh nghiệp Việt Nam phải loay hoay tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, kể cả trong nước lẫn xuất khẩu thì doanh nghiệp FDI lại có thế mạnh về khâu này. Nguyên tắc của các doanh nghiệp FDI là khi có đầu ra cho sản phẩm mới quyết định đầu tư sản xuất. Vả lại, họ có sẵn hệ thống tiêu thụ tại nhiều nước, quy mô thị trường luôn ổn định...

Hiện tại, những dự án hiệu lực vẫn hoạt động tốt. Nhiều tập đoàn lớn vẫn rót vốn mở rộng đầu tư kinh doanh, một số dự án vượt qua khó khăn, chính thức triển khai trong bối cảnh kinh tế khó khăn là chỉ dấu tích cực của dòng vốn FDI. Tuy nhiên, nhìn vào 92 dự án FDI còn hiệu lực tại Quảng Nam với tổng vốn đầu tư trên 5 tỷ USD, phần lớn chỉ là những dự án nhỏ sau nhiều năm thu hút đầu tư. Vốn, thị trường, quản trị và quá trình chuyển giao công nghệ chưa như mong đợi. FDI mới chỉ dừng lại ở mức đầu tư, sử dụng nhân công giá rẻ cho hoạt động gia công, nguồn thu đem lại từ cho thuê mặt bằng là chính, thậm chí có đến 31/92 doanh nghiệp FDI còn nợ thuế khá nhiều… Đó là điều thực sự chưa đủ để lạc quan!

Chọn nhà đầu tư chất lượng

Chưa có một con số thống kê cụ thể về số lượng dự án chậm hay chưa giải ngân, hoặc số vốn thực hiện của các dự án FDI ít được nói tới. Chưa có một nghiên cứu độc lập đánh giá liệu các cộng đồng dân cư nghèo ven biển buộc phải hy sinh nhà cửa, ruộng vườn để nhường chỗ cho những dự án có được đền bù thỏa đáng hay không, có tìm được việc làm hậu giải tỏa hay không? Ít người biết đến cái giá phải trả để mời gọi một dự án là đắt hay rẻ so với lợi ích thực mà dân địa phương đó được hưởng từ dự án, nhưng nguồn vốn FDI vẫn được xem là kênh quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng Quảng Nam. Ông Đoàn Ngọc Minh – Trưởng phòng Hợp tác đầu tư (Sở Kế hoạch – đầu tư) cho biết nhà đầu tư nước ngoài chỉ cần 1% lãi là đã khiến họ không ngần ngại đầu tư. Nhưng địa phương có đủ cơ sở để tạo ra 1% ấy cho doanh nghiệp không mới là việc quan trọng. Nếu các doanh nghiệp nội địa mong muốn được hưởng lợi và trông chờ vào những tác động ưu đãi thuế, môi trường pháp lý thì 1% lãi của nhà đầu tư FDI chính là trông chờ vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng. Đó cũng là lý do, sức ép lớn nhất của FDI khi thương thảo với chính quyền trước khi quyết định có mở rộng đầu tư hay không.

Trong khi chờ đợi một cuộc cải tổ, dấu hiệu khả quan của nền kinh tế, ưu tiên hàng đầu hiện thời của Quảng Nam là tập trung chất lượng của các dự án còn hiệu lực. Cam kết đầu tư cơ sở hạ tầng và đưa ra các dự án đầu tư có hàm lượng công nghệ cao để xúc tiến FDI… đã thể hiện rõ quan điểm của chính quyền: cần dự án đầu tư thực chất hơn! Không dự báo tốc độ thu hút nhưng các cơ quan quản lý cho biết chính quyền đang hướng đến những quan hệ hữu nghị, kết nghĩa, những cuộc hợp tác, xúc tiến đầu tư tại Nhật, Hàn Quốc được mở những năm gần đây. Những chuyến thăm và khảo sát của một số đoàn doanh nghiệp Nhật tới Quảng Nam hay nhiều đường bay tới các khu vực này được mở đã mang theo hy vọng đón làn sóng đầu tư mới. Theo quan điểm của các nhà kinh tế, hướng tới các nhà đầu tư Hàn, Nhật vốn có trình độ công nghệ cao là lựa chọn có tính quyết định. Nhưng hiện tại, trình độ lao động, cơ sở hạ tầng Quảng Nam chưa thể đáp ứng yêu cầu nên khả năng sẽ chỉ thu hút được những dự án dịch vụ. Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Trần Văn Tri cho biết Quảng Nam đang tập trung vốn để đầu tư hạ tầng cơ bản, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị quỹ đất sạch, đào tạo công nhân kỹ thuật. Tất cả thủ tục đầu tư được giải quyết theo cơ chế “một cửa liên thông” với thời gian rút ngắn tối đa so với quy định chung. Nhà đầu tư không phải nộp bất kỳ chi phí dịch vụ nào trừ những khoản lệ phí theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, cải cách để xây dựng một “chính quyền thân thiện”, bảo đảm cả hệ thống được vận hành thông suốt, khoa học và kết quả xúc tiến đầu tư sẽ phải mất nhiều thời gian và công sức, thậm chí cả chục năm sau nữa mới có thể đạt được hiệu quả nhất định.

TÙY PHONG

TÙY PHONG