Sáng kiến minh bạch trong ngành khai khoáng (EITI): Quản trị thông minh

TRẦN HỮU PHÚC 30/08/2014 10:14

Quảng Nam có nhiều loại tài nguyên khoáng sản quý giá trong lòng đất, nhưng nguồn thu ngân sách từ việc khai khoáng để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Vì vậy, quá trình tiếp cận minh bạch trong ngành khai khoáng (EITI) là cách để quản trị nguồn tài nguyên hiệu quả.

Sát hạch kỹ càng

Theo Sở Tài nguyên – môi trường, trên địa bàn tỉnh hiện có hàng trăm mỏ và điểm khoáng sản như vàng, than đá, thiếc, đồng, uranium, đá vôi, felspat, cao lanh, cát trắng, titan, các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng, nước khoáng - nước nóng... Tuy nhiên, phần lớn mỏ có trữ lượng thấp, phân bố rải rác chủ yếu ở khu vực miền núi và trung du. Nhiều nhà đầu tư vẫn còn thói quen sử dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu nên khai thác rất lãng phí tài nguyên. Cũng như nhiều địa phương khác trong nước, Quảng Nam một mặt vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khai khoáng sản xuất, kinh doanh; mặt khác đòi hỏi doanh nghiệp (DN) phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định bảo vệ môi trường và hoàn tất các nghĩa vụ tài chính, thuế đối với Nhà nước. Lỗ hổng lớn trong quản trị tài nguyên chính là các cơ quan chức năng vẫn còn khá mơ hồ về trữ lượng khoáng sản trong lòng đất; không đánh giá được DN báo cáo kê khai sản lượng, sản phẩm làm cơ sở đóng thuế có trung thực hay không; việc thực thi chính sách pháp luật của cơ quan công quyền vẫn còn lơ là, thiếu cương quyết. Điển hình cho kẽ hở trên chính là việc Tập đoàn Besra, công ty mẹ của Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu và Công ty TNHH Vàng Phước Sơn dây dưa nợ thuế gần 300 tỷ đồng. Ở nhiều DN khai khoáng trên địa bàn, một số nguồn thu chính từ khai khoáng chủ yếu dựa trên quá trình đàm phán hợp đồng khai thác, đấu giá, cấp phép hoặc được tính toán dựa trên sản lượng khai thác do DN khai báo. Khi thiếu kiểm tra, giám sát, đương nhiên Nhà nước sẽ mất đi nguồn thu đáng kể. Một trong nguyên nhân dẫn đến yếu kém trong quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường là sự thiếu minh bạch. Từ thực trạng này, nhiều chuyên gia trong nước cũng đã cảnh báo nếu không minh bạch trong hoạt động khai khoáng thì không chỉ thất thoát tài nguyên và kinh tế, mà còn gây ra những hậu quả xấu cho môi trường và xã hội.

Khai thác than ở mỏ than Nông Sơn.Ảnh: HỮU PHÚC
Khai thác than ở mỏ than Nông Sơn.Ảnh: HỮU PHÚC

Tổ chức Liên minh Khoáng sản (bao gồm Phòng Thương mại & công nghiệp Việt Nam - Bộ Công Thương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản) đã bắt đầu vận động hành lang, đưa những nội dung trong sáng kiến EITI vào vận dụng thực tiễn đối với ngành khai khoáng. Dĩ nhiên, sáng kiến EITI đã cụ thể hóa chủ trương của Đảng, triển khai thực hiện rõ hơn Nghị quyết 02 ngày 25.4.2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nhiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo quan điểm khai thác và chế biến khoáng sản có hiệu quả, đảm bảo phát triển bền vững. Minh bạch hóa trong ngành khai khoáng sẽ đồng nghĩa với việc các thông tin liên quan đến giấy phép khai thác, sản lượng khai thác, đóng góp cho ngân sách trung ương, địa phương, tác động đến môi trường và xã hội đều phải được công bố công khai và được Liên minh Khoáng sản giám sát. Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – môi trường, sự giám sát của tổ chức dân sự như Liên minh Khoáng sản được cái lợi lớn là giúp Nhà nước quản trị thông minh toàn bộ nguồn thu, đẩy lùi nạn tham nhũng về lĩnh vực này.

Tăng cường giám sát

EITI là một sáng kiến do cựu Thủ trướng Anh Tony Blair sáng lập nhằm hỗ trợ kiểm soát hiệu quả tình hình tham nhũng trong lĩnh vực khai khoáng, chống thất thoát, lãng phí tài nguyên. Nguyên tắc chung của EITI là tăng cường sự giám sát của công chúng trong hoạt động khai thác khoáng sản. Trên thế giới hiện có 44 quốc gia cam kết thực thi EITI để cải thiện công tác quản trị tài nguyên, trong đó có 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Đông Timor, Indonisia, Philippines và Myanmar. Việt Nam tiếp cận EITI từ năm 2007 thông qua việc tham dự hội nghị EITI toàn cầu lần thứ 4 tại Doha, Qatar. Năm 2013, Bộ Công Thương nghiên cứu về việc tham gia EITI của Việt Nam và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Đầu tháng 8, Liên minh Khoáng sản, Trung tâm Con người và thiên nhiên phối hợp cùng Diễn đàn các nhà báo môi trường Việt Nam tập huấn điều tra báo chí lĩnh vực quản trị tài nguyên khoáng sản thông qua tiếp cận bộ tiêu chuẩn EITI.

Tại các điểm mỏ trong tỉnh, người dân cho biết họ không được thông báo về dự án, không được góp ý kiến tham vấn cộng đồng. Trước đây, hầu hết chủ dự án lấy ý kiến chỉ theo hình thức qua đại diện chính quyền. Tuy nhiên, nếu tiếp cận EITI, khi chủ dự án gửi văn bản thuyết minh về dự án, chính quyền địa phương và người dân sẽ xem xét dự án ở nhiều phương diện lợi - hại, được - mất... Thực tế, trước đây việc cấp phép tràn lan đã để lại hệ lụy xấu về môi trường, khai thác lãng phí nguồn tài nguyên. Việc tiếp cận sáng kiến EITI sẽ giúp xây dựng chiến lược quản lý, giám sát toàn diện; mọi thông tin giữa DN, Nhà nước và các khoản thu đều phải công khai, minh bạch.

Một thống kê chưa chính thức cho thấy, có 30% nộp về ngân sách nhà nước là các khoản thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu. Trong khi đó, 70% còn lại là các khoản nộp thuế tài nguyên, phí cấp phép, phí bảo vệ môi trường, phí hoàn thổ môi trường, thuế sử dụng đất hay thuế sử dụng mặt nước, chi phí cho xã hội và các khoản lệ phí, chi phí khác là nộp về ngân sách địa phương. Tuy nhiên, thông tin về các khoản thuế và phí này rất thiếu minh bạch, không ai biết sử dụng ra làm sao. Theo UBND tỉnh, đến nay toàn tỉnh có 74 giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản còn hiệu lực (Bộ Tài nguyên – môi trường cấp 11, UBND tỉnh cấp 63). Năm 2013, các đơn vị khai khoáng đã nộp ngân sách hơn 40,5 tỷ đồng, chủ yếu các khoản thuế tài nguyên, thuế xuất khẩu, ký quỹ phục hồi môi trường và hơn 10 tỷ đồng đóng góp xây dựng hạ tầng. Nguồn thu về khai khoáng có xu hướng giảm mạnh trong thời gian gần đây. Đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo luật hiện hành đã tránh cơ chế “xin – cho”, hạn chế sử dụng công nghệ lỗi thời…

TRẦN HỮU PHÚC

TRẦN HỮU PHÚC