Kỳ vọng kinh tế tư nhân
Kinh tế tư nhân phát triển đã đóng góp 2/3 nguồn thu ngân sách, giải quyết việc làm. Một trong những chiến lược để khôi phục tốc độ tăng trưởng nhanh chính là tạo điều kiện cần thiết để bảo đảm cho khu vực kinh tế này đổi mới, phát triển.
Năng lực nội sinh
Ô tô Trường Hải (Thaco) giới thiệu sản phẩm xe mới New Sorento 2014 và Kaito Xuân Thành xuất lô hàng đầu tiên ra thị trường, ký kết hợp đồng với 10 tổng đại lý phân phối xi măng ngay trong tháng 3.2014 được xem như là những chỉ dấu cho thấy sự tăng trưởng của kinh tế tư nhân Quảng Nam trên thị trường còn đầy khủng hoảng. Thaco hiện là doanh nghiệp có mức tăng trưởng ấn tượng. Nhà sản xuất, lắp ráp 100% vốn Việt Nam này luôn vượt qua các đối thủ lớn nước ngoài, dẫn đầu thị trường ô tô trong nước, chiếm 32,1% thị phần trong những tháng qua. Nếu Trường Hải đặt kế hoạch sản xuất, lắp ráp 32.200 xe, tăng 18% so với năm 2013 (bao gồm các dòng xe du lịch và xe thương mại, dự kiến nộp ngân sách 4.873 tỷ đồng, tăng 43% so với năm 2013… thì Tổng Giám đốc Nhà máy xi măng Xuân Thành Quảng Nam - ông Nguyễn Chí Kiên cũng loan báo nhà máy có tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng bằng công nghệ Nhật Bản sẽ cho ra đời lâu dài những sản phẩm xi măng chất lượng cao.
Thaco là doanh nghiệp tư nhân thể hiện sự tăng trưởng ấn tượng.Ảnh: T.DŨNG |
Bên cạnh Thaco vừa được chọn làm “sếu đầu đàn” để thí điểm xây dựng một khu công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí tại Chu Lai hay Kaito đang được kỳ vọng phát triển mạnh mẽ, kinh tế tư nhân vẫn còn nhiều cái tên sáng giá như Prime, Za Hung và các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác. Sở Kế hoạch - đầu tư Quảng Nam thống kê 10 năm qua, tốc độ đăng ký thành lập của doanh nghiệp tư nhân tăng bình quân 18,5%/năm, vốn đăng ký tăng 40,7%/năm. Bình quân mỗi năm có 475 doanh nghiệp đăng ký thành lập với tổng vốn đăng ký 2.105 tỷ đồng. Hiện đã có khoảng 6.000 doanh nghiệp với tổng vốn điều lệ hơn 21.000 tỷ đồng, trong đó có khoảng 95% doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm 36,8% lượng vốn. Số doanh nghiệp địa phương chiếm 73%. Năng lực nội sinh của kinh tế tư nhân thể hiện rõ qua các con số tăng trưởng sản xuất công nghiệp, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới, đóng góp ngân sách nhà nước và thu hút lao động luôn vượt xa các khu vực kinh tế khác. Nếu năm 2013, doanh nghiệp nhà nước trung ương và địa phương đóng góp hơn 610 tỷ đồng, doanh nghiệp FDI đóng góp 679 tỷ đồng thì khu vực kinh tế tư nhân đã bổ sung cho ngân sách nhà nước hơn 2.589 tỷ đồng. Một thống kê khác cho thấy gần 8 tháng qua, chỉ số công nghiệp của khối kinh tế này đã tăng trưởng trên 10%, đóng góp gần 2.000 tỷ đồng, gấp 3 lần so với 2 khu vực kinh tế (nhà nước trung ương và địa phương, FDI) gộp lại. Dự báo của các cơ quan quản lý, năm 2014, thu nội địa sẽ tăng 11,6% và tạo việc làm mới cho 41.000 lao động... đều dựa vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế tư nhân.
Doanh nghiệp tư nhân ngày càng thu hút lượng lớn lao động, đóng góp nhiều vào ngân sách. |
Theo đánh giá của Cục Thống kê Quảng Nam, động lực tăng trưởng kinh tế Quảng Nam trong gần 8 tháng qua đến từ các doanh nghiệp tư nhân. Khu vực kinh tế này đang được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì đà tăng mạnh mẽ trong những tháng cuối năm. Cục thống kê cùng cho biết trong điều kiện sản xuất kinh doanh khó khăn và so với những lợi thế của khu vực kinh tế nhà nước có được thì sự tăng trưởng này rất có ý nghĩa. Nếu điều kiện thuận lợi hơn, được đối xử công bằng hơn, kinh tế tư nhân sẽ còn phát triển mạnh mẽ, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội Quảng Nam.
Cần cơ chế linh hoạt, hiệu quả
Không phải khu vực kinh tế tư nhân không nhận được sự hỗ trợ gì từ chính quyền và các cơ quan quản lý. Trường hợp Thaco đã được phép gia hạn nộp thuế nhập khẩu linh kiện kể từ ngày 1.7.2013 đến ngày 30.6.2014, “tiết kiệm” được khoảng 140 tỷ đồng tiền lãi… là minh chứng rõ nhất của việc Nhà nước thể hiện sự chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp tư nhân. Nhưng không nhiều doanh nghiệp gặp may mắn như Thaco, dù họ cũng đã từng cầu cứu lên chính quyền, cơ quan quản lý về thực trạng sản xuất kinh doanh của mình.
Cục Thống kê Quảng Nam công bố theo số đăng ký cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đã xấp xỉ 6.000 doanh nghiệp, nhưng đến cuối năm 2013 chỉ còn lại khoảng hơn 3.300 doanh nghiệp. Cuộc khảo sát trên 130 doanh nghiệp mới đây cho thấy hiện chỉ 17% doanh nghiệp ổn định, thực sự tăng trưởng, 33% doanh nghiệp lãi nhỏ, 25% doanh nghiệp hòa vốn…nên khó có khả năng mở rộng sản xuất kinh doanh. Con số này đã khiến không ít người giật mình lo lắng cho tinh thần kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân đang trên đà “lao dốc”. |
Không ít ý kiến cho rằng kinh tế tư nhân Quảng Nam với 95% doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy mô manh mún, yếu vốn, không đủ sức đầu tư vào những công trình, dự án lớn. Tuy nhiên phải thừa nhận kinh tế tư nhân Quảng Nam còn chậm phát triển so với tiềm năng một phần lỗi do cơ chế, chính sách chưa đủ để khuyến khích, tạo thuận lợi cho họ phát triển. Không thiếu những chỉ thị, nghị quyết của Đảng bộ, chính quyền Quảng Nam yêu cầu các cấp chính quyền, cơ quan quản lý tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tư nhân được quyền tiếp cận vốn, được hỗ trợ về đào tạo, công nghệ. Tất cả những yêu cầu, chỉ thị này cho đến nay vẫn rất đúng đắn và nếu được thực hiện tốt chắc chắn sẽ tạo cho khu vực kinh tế tư nhân một khuôn mặt mới và tốt hơn. Nhưng thực tế không phải vậy. Nhiều đại diện doanh nghiệp tư nhân đã nói thẳng trong các cuộc đối thoại với chính quyền rằng những khó khăn, thách thức không phải đến từ bên ngoài mà từ những chính sách chưa công bằng và sự thiếu thuận lợi trong môi trường kinh doanh. Việc thể chế hóa nghị quyết chậm, chưa sát với thực tiễn, những cuộc đối thoại, giải đáp vướng mắc của cơ quan quản lý còn mang tính chiếu lệ. Một xu hướng đáng ngại, thay vì tìm cách hỗ trợ, đem lại những cơ hội làm ăn thì mối quan tâm của những người làm chính sách không còn là sự an nguy của doanh nghiệp nữa mà chỉ là sự thuận tiện cho công tác quản lý.
Ông Nguyễn Tâm - Giám đốc Công ty CP Đất Quảng nói vướng mắc lớn nhất làm khó doanh nghiệp không đến từ phía chính quyền và các cơ quan quản lý địa phương mà từ các chính sách vĩ mô. Chi phí đầu vào tăng nhưng thị trường ngày càng teo tóp. Doanh nghiệp không thể dựa được gì vào chính sách để tìm lối thoát. Chính quyền Quảng Nam đã chia sẻ, hỗ trợ nhiều cho doanh nghiệp, nhưng sự tồn vong của doanh nghiệp không chỉ cứ bám theo các quy định của Nhà nước cấp trên mà phải dựa vào thực trạng doanh nghiệp tại địa phương. Vì vậy, có những điều không trái pháp luật, có thể vận dụng, giải quyết được thì cũng nên vận dụng để cứu cho những doanh nghiệp gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp như Công ty TNHH Mỹ Hưng (Thăng Bình) chỉ xin cần một chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp để động viên, khuyến khích doanh nghiệp trụ lại thị trường và giữ chân người lao động không bị mất việc… nhưng cũng chỉ là mơ ước xa vời.
Một khi cộng đồng thiếu vắng tiếng nói và tinh thần lập nghiệp thì liệu nguồn ngân sách nhà nước có đủ nguồn lực để đầu tư phát triển? Thực tế đã chứng minh về nguồn lực đóng góp vào ngân sách nhà nước và với số doanh nghiệp hiện có và tăng thêm mỗi ngày, chỉ cần tuyển dụng 15 - 20 lao động/doanh nghiệp thôi cũng đủ tạo ra việc làm mới cho cả trăm ngàn lao động… đủ để thấy tầm quan trọng lớn lao của kinh tế tư nhân. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói chính quyền cam kết sẽ tiếp tục đưa ra những cơ chế ưu đãi cụ thể, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh, nhanh chóng phục hồi nền kinh tế Quảng Nam.
TRỊNH DŨNG