Cần nâng cấp khu neo đậu tàu cá
Việc đưa vào sử dụng 2 khu neo đậu tránh trú bão Hồng Triều và An Hòa cho tàu cá trên địa bàn tỉnh từ cuối năm 2010 đến nay đã bộc lộ nhiều hạn chế. Quảng Nam đang đề xuất với Trung ương hỗ trợ vốn để kiện toàn lại các công trình này.
MẶC dù có thể đáp ứng được nhu cầu neo đậu cho 1.000 tàu thuyền, tuy nhiên âu thuyền Hồng Triều (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) không thể đảm bảo an toàn cho tàu cá có công suất hơn 350CV neo đậu trong mùa mưa bão. Công trình này có tổng mức đầu tư gần 44 tỷ đồng, được đánh giá là phù hợp với quy hoạch các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020. Thế nhưng cứ đến mùa mưa bão là các chủ tàu có công suất lớn trên địa bàn lại khó khăn tìm chỗ trú ẩn cho tàu cá. Bất cập ở công trình này biểu hiện ở cả hai mùa nắng nóng và mưa bão. Vào mùa nắng, mực nước xuống thấp trong khi luồng lạch cứ ngày một bị bồi tụ khiến tàu thuyền khó tìm đường vào neo đậu; còn khi lũ lụt, mực nước dâng quá cao ảnh hưởng đến an toàn cho tàu thuyền.
Giống như âu thuyền Hồng Triều, khu neo đậu tránh trú bão An Hòa (Tam Quang, Núi Thành) cũng không đảm bảo an toàn cho tàu cá neo đậu từ khi đưa vào sử dụng vào tháng 11.2010 đến nay. Do khu neo đậu nằm gần cửa sông, đà sóng rất rộng nhưng lại không có đê chắn sóng nên ngư dân gặp khó khăn khi đưa tàu cá vào neo đậu trong mùa mưa bão. Đến thời điểm này, luồng lạch từ cửa sông vào khu neo đậu đã bị bồi lắng nặng nề nên cạn và hẹp. Do hệ thống phao báo hiệu luồng không đảm bảo nên nhiều tàu cá đã bị mắc cạn, không thể vào khu neo đậu. Theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù đã được thiết kế, dự toán từ nhiều năm nay nhưng đến thời điểm này, đoạn luồng tại sông An Tân dẫn vào khu neo đậu dài gần 1,5km vẫn chưa được đầu tư nạo vét, cản trở hoạt động của tàu cá. Trao đổi với chúng tôi, nhiều ngư dân cho rằng, việc xây dựng trụ neo tàu tại khu neo đậu An Hòa có khoảng cách quá gần (50x50m), chỉ phù hợp cho tàu cá có công suất dưới 300CV neo đậu. Trong khi đó, số tàu cá có công suất hơn 400CV của huyện Núi Thành vào thời điểm này đã hơn 100 chiếc. Còn ông Nguyễn Tin - Chủ tịch UBND xã Tam Quang thì cho biết, bích neo tại các trụ neo tàu quá ngắn, chỉ đáp ứng 5 - 8 tàu cá neo đậu.
Ông Võ Văn Điềm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, để khắc phục các hạn chế, ngành thủy sản vừa gửi tờ trình, đề nghị UBND tỉnh thẩm định, phê duyệt dự án đê chắn sóng tại khu neo đậu tàu cá An Hòa. “Mục tiêu của dự án là chắn sóng trong mùa mưa bão để bảo vệ tàu cá trú ẩn tại khu neo đậu này. Cùng với đó là đảm bảo thoát lũ, đồng thời giảm thiểu bồi lắng luồng lạch, nâng cao hiệu quả hoạt động của công trình” - ông Điềm nói. Quy mô của dự án gồm xây dựng 2 tuyến đê chắn sóng ở phía bắc của khu neo đậu tàu cá, kè bảo vệ, đường công vụ ven bờ, nạo vét luồng lạch, bổ sung phao báo hiệu luồng và đèn báo hiệu tại cửa vào khu neo đậu tàu cá. Theo ông Điềm, dự án này có thể được triển khai dựa vào nguồn vốn từ Trung ương, qua cơ chế hỗ trợ từ Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản vừa được Chính phủ ban hành. Ngành thủy sản cũng đang đề xuất với Chính phủ có cơ chế hỗ trợ kinh phí hằng năm nhằm duy tu, bảo dưỡng công trình.
Đối với âu thuyền Hồng Triều, ngành thủy sản Quảng Nam cũng đang đề xuất Chính phủ quan tâm hỗ trợ vốn để kiện toàn lại công trình kết hợp với xây dựng bến cá Hồng Triều, đảm bảo công tác hậu cần nghề cá. “Âu thuyền được xây dựng mà chỉ đáp ứng nhu cầu neo trú của tàu thuyền dưới 350CV là không ổn. Nghề cá của Quảng Nam nói chung, trên địa bàn nói riêng ngày một phát triển, số tàu cá có công suất từ 350CV trở lên ngày càng được ngư dân đóng mới hoặc cải hoán nâng cấp. Điều quan trọng nhất khi nâng cấp công trình này là đảm bảo an toàn cho tàu cá có công suất từ 350CV trở lên vào neo đậu tại đây” - ông Nguyễn Trường Năm, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Nghĩa nói.
NGUYỄN QUANG VIỆT