Thị trường đồ chơi trẻ em: Hàng nội lên ngôi
Thời gian gần đây, các phụ huynh mặc định tâm lý cho con không mua đồ chơi Trung Quốc, chỉ mua đồ chơi có xuất xứ trong nước và một số nước Hàn Quốc, Đức, Thái Lan…
Trẻ em cũng từ chối
Vài năm trở lại đây, do lo ngại chơi đồ chơi xuất xứ Trung Quốc có khả năng bị nhiễm độc cao nên nhiều phụ huynh xây dựng được ý thức cho con không sử dụng loại đồ chơi này. Bé Nguyễn Đăng Khoa (lớp mẫu giáo nhỡ Trường Mầm non Sơn Ca, TP.Tam Kỳ) dù còn ngọng nghịu nhưng vẫn một hai cho rằng: “Con không chơi đồ chơi Trung Quốc vì có hại cho sức khỏe. Khi nào ba mẹ tìm được đồ chơi Việt Nam thì mua cho con”. Chị Nguyễn Thị Hoa - mẹ bé Khoa, nói: “Lúc nào không muốn đáp ứng nhu cầu của con hay biết nguồn gốc món đồ chơi thiếu an toàn, chúng tôi chỉ cần nói đó là đồ chơi Trung Quốc bé sẽ không đòi nữa”.
Giữa thế giới đồ chơi trẻ em, người lớn cần tỉnh táo chọn đồ chơi an toàn, hiệu quả.Ảnh: THỤC ANH |
Tận dụng cơ hội này, nhiều nhà sản xuất đồ chơi trong nước tung ra nhiều mẫu mã mới, phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu của con trẻ và phụ huynh. Khảo sát nhiều cửa hàng trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện đồ chơi trẻ em do Việt Nam sản xuất. Những sản phẩm như: máy bay, ô tô, robot… chạy bằng pin vốn chỉ thấy xuất xứ Trung Quốc nay đã có hàng Việt Nam. Theo chủ cửa hàng đồ chơi Quốc Ân (đường Phan Châu Trinh, TP.Tam Kỳ), khách hàng phần lớn ưu tiên chọn hàng Việt, sau đó đến hàng nhập khẩu từ Thái Lan, Hàn Quốc, Mỹ, Malaysia, Đức…
Tuy nhiên, giá đồ chơi nhập khẩu khá cao, một chiếc xe bằng sắt, bề ngoài được mô phỏng giống tới 70% xe thật, nhỏ bằng ba ngón tay xuất xứ từ Đức có giá dao động từ 80.000 - 100.000 đồng. Trước đây, những món đồ chơi này thường được cho rằng chỉ có con nhà khá giả mới đủ điều kiện mua nhưng giờ đây, tâm lý đó đã thay đổi nhiều. Các bậc phụ huynh tính toán, ở lứa tuổi ưa thích khám phá, chưa biết giữ gìn đồ chơi thì những món đồ chơi có độ bền cao, an toàn cho sức khỏe của con luôn là lựa chọn hàng đầu.
Đồ gỗ lên ngôi
Theo các chủ cửa hàng kinh doanh đồ chơi trong tỉnh, thời gian gần đây, mặt hàng đồ chơi bằng gỗ được lựa chọn nhiều. Khi đồ chơi Trung Quốc bị tẩy chay, các doanh nghiệp sản xuất đồ chơi trong nước đã vươn lên chiếm lĩnh thị trường, thuyết phục khách hàng nhí bằng mẫu mã, chất lượng và khả năng sử dụng. Trên thị trường hiện có hơn 60 loại đồ chơi khác nhau được sản xuất bằng vật liệu gỗ và phân thành nhiều nhóm. Nhóm đồ chơi mô phỏng nghệ thuật, thú vật, giúp trẻ phát triển trí thông minh, nhận biết các chữ cái, học số, ráp vần, ráp hình, ô tô, tàu lửa… Giá của các dòng sản phẩm này thường dao động từ 30.000 - 300.000 đồng/bộ. Được biết, ngoài ra còn có dòng sản phẩm đồ chơi bằng gỗ cao cấp giá lên đến trên 2 triệu đồng/bộ. Theo chị Nguyễn Thị Ân - chủ cửa hàng đồ chơi Quốc Ân thì đầu năm trở lại, các công ty sản xuất đồ chơi bằng gỗ liên tiếp đưa ra thị trường những mẫu mã mới, bắt mắt để thu hút khách hàng nhí. Ngoài độ tinh xảo, mẫu mã đa dạng, đồ chơi gỗ còn được kiểm định, dán tem đảm bảo chất lượng an toàn và có xuất xứ rõ ràng, tạo cảm giác yên tâm cho người sử dụng.
Chị Trần Thị Tài - quản lý nhà sách Fahasa Quảng Nam cho biết, đồ chơi Trung Quốc giá tuy rẻ nhưng gần đây người tiêu dùng ít mua nên nhà sách giảm nhập và chuyển qua đặt, nhận hàng đồ chơi trong nước, nhất là các loại đồ chơi thiên về phát triển kỹ năng cho bé. Ngoài kênh mua đồ chơi thông thường là các cửa hàng, nhà sách… hiện nay, một số phụ huynh trẻ có xu hướng đặt mua đồ chơi cho con thông qua các kênh bán hàng online như lazada.vn, winwintoys.com, tiki.vn… Ở những kênh bán hàng này, khách hàng được lựa chọn món đồ chơi cho con thoải mái mà không sợ hết hàng và được khuyến mãi hấp dẫn.
Tuy nhiên, đồ chơi xuất xứ Trung Quốc hiện vẫn được phụ huynh có mức thu nhập thấp lựa chọn cho con. Bởi giá thành của những loại đồ chơi này thường khá rẻ, một chiếc xe nhựa đẹp mắt có giá chỉ vài ngàn đồng. “Tôi cũng biết đồ chơi Trung Quốc mua cho con bày bán nhan nhản ngoài chợ có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng tiền nhà nông có hạn, đáp ứng niềm vui cho con được đến đấy thôi. Con chơi vài ngày rồi cũng hư, chắc không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe” - chị Nguyễn Thị Tới (thôn 5, xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh) nói. Chính vì vẫn có lượng khách hàng bình dân nên vẫn cần cơ quan quản lý thị trường vào cuộc, kiểm soát chất lượng đồ chơi để hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng không đáng có đến sức khỏe trẻ em từ những loại đồ chơi Trung Quốc, không rõ nguồn gốc.
CHIÊU THỤC ANH