Phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở Đại Lộc
Dù đối diện với không ít khó khăn nhưng nhiều nông dân Đại Lộc đã vươn lên làm giàu chính đáng, đưa phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG) của địa phương phát triển sâu rộng.
Lan tỏa
Một tín hiệu lạc quan từ bức tranh kinh tế nông nghiệp của Đại Lộc là giai đoạn 2012 - 2014, toàn huyện bình chọn được 9.601 hộ nông dân SXKDG các cấp, tăng 2.000 hộ so với giai đoạn 2010 - 2012. Không chỉ phát triển về số lượng, 3 năm qua, phong trào nông dân SXKDG Đại Lộc còn phát triển cả về chất lượng khi số hộ đạt danh hiệu cấp tỉnh và trung ương chiếm tỷ lệ đáng kể trong tổng số hộ đạt danh hiệu các cấp (chiếm 268/9.601 hộ). Ông Huỳnh Văn Khải - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đại Lộc cho hay, sở dĩ phong trào có sức lan tỏa và phát triển sâu rộng trước hết là nhờ sự chỉ đạo, hỗ trợ của chính quyền cùng cơ chế chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, vai trò của ngành chức năng trong việc đầu tư hỗ trợ về khoa học kỹ thuật sản xuất. Và quan trọng hơn, nông dân huyện nhà luôn phát huy truyền thống cần cù, ham học hỏi, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm tăng năng suất, giá trị của sản phẩm.
Nông dân Đại Lộc vươn lên làm giàu từ mô hình chăn nuôi. Ảnh: B.L |
Cũng theo ông Khải, biểu hiện rõ nét của truyền thống lao động, sáng tạo của nhà nông Đại Lộc thể hiện ở việc xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất đem lại hiệu quả, năng suất cao với doanh thu từ hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng mỗi năm. Ví như mô hình nuôi gà đẻ trứng thương phẩm, gà thả vườn, dê, ba ba, cá nước ngọt; mô hình cải tạo vườn tạp, xây dựng nhà vườn trồng nấm… Nhiều nông dân cũng đã có thu nhập cao từ mô hình tiểu thủ công nghiệp và sản xuất kinh doanh dịch vụ. Ngoài ra, có thể kể tới mô hình luân canh cây trồng có giá trị trên 100 triệu đồng/ha, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, chuyển từ diện tích đất lúa sang các loại cây có giá trị cao… Một biểu hiện tích cực của nền kinh tế Đại Lộc khi kinh tế gia trại, trang trại có xu hướng phát triển tốt, chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, đi vào sản xuất hàng hóa. Cuối năm 2013, Đại Lộc có 7 trang trại và 60 gia trại, trong đó chủ yếu là các gia trại, trang trại đầu tư chăn nuôi. Đó là tín hiệu cho thấy nền kinh tế địa phương từng bước chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng của ngành chăn nuôi và giảm dần tỷ trọng của ngành trồng trọt. Từ những mô hình thành công, nhiều nông dân đã cải thiện thu nhập, vươn lên làm giàu, góp phần đem lại sự lớn mạnh của phong trào nông dân SXKDG của huyện.
Những mô hình hay
Nhờ phát huy tinh thần ham học hỏi, tiếp cận giống mới, kỹ thuật sản xuất mới nên tại Đại Lộc, nhiều hộ nông dân vốn khởi nghiệp từ gian khó đã từng bước vươn lên làm giàu chính đáng. Trong số đó, có thể kể tới tấm gương của nông dân Phan Tranh (Đại Hồng) với mô hình kinh tế trồng cây lâm nghiệp kết hợp chăn nuôi dê trên đất gò đồi. Ban đầu, ông Tranh trồng rừng kết hợp trồng dứa trên 3ha đất rừng, về sau chuyển sang trồng cây có múi nhưng liên tục thất thu. “Có lúc, tưởng như mình chùn bước, bỏ cuộc, song rồi tôi đã lấy lại tinh thần và mạnh dạn đầu tư chăn nuôi dê, mua giống, đầu tư chuồng trại kiên cố. Vừa nuôi tôi vừa học hỏi, rút kinh nghiệm, đến nay tổng đàn của tôi đã lên hàng trăm con cả dê bố mẹ, dê con bán giống lẫn bán thịt” - ông Tranh chia sẻ. Đến nay, mỗi tháng nguồn lợi nhuận từ bầy dê đem lại cho gia đình ông khoảng 15 triệu đồng.
“Sự gia tăng cả về chất lẫn lượng của phong trào nông dân SXKDG là tín hiệu đáng hoan nghênh tại Đại Lộc. Trong bối cảnh nền nông nghiệp cả nước nói chung đứng trước tình cảnh khó khăn, bị trì trệ, sản xuất nông nghiệp cũng là ngành sản xuất đầy rủi ro trước tình trạng biến động của giá cả, thời tiết do tác động của biến đổi khí hậu… thì những tấm gương nông dân điển hình vượt khó đi lên, đạt danh hiệu nông dân SXKDG các cấp ở Đại Lộc là điều hết sức đáng quý”. (Vũ Văn Thẩm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh) |
Gia trại tổng hợp của ông Nguyễn Đình Hương (Đại Hiệp) lâu nay đã trở thành địa chỉ quen thuộc để nông dân trong và ngoài huyện đến tham quan, trao đổi kinh nghiệm. Trên 3ha rừng đồi, ông Hương đã đa dạng hóa vật nuôi, cây trồng. Ông kể, năm 2012, bên cạnh thả nuôi 1.000 con cá giống đủ loại, 50 con dê, 100 gà thả vườn, 5 con bò và trồng keo lá tràm, hồ tiêu, ông còn đầu tư nuôi 250 cá thể ba ba. Ông phải lặn lội vào tận Bình Dương để tìm hiểu, mua giống nuôi thử nghiệm. Do lúc đầu ao hồ chưa kiên cố nên chỉ sau một trận mưa, ba ba thất thoát ra ngoài hết 60 con, còn 190 con giống, ông chăm sóc rất kỹ, ao hồ được kiên cố trở lại. Chỉ sau 1 năm là ba ba sinh nở và đến thời điểm hiện tại, ông đã có trong tay 1.000 con ba ba vừa lấy thịt vừa nuôi đẻ, đã bán ra thị trường 4.000 ba ba con và ba ba giống. “Tôi đã tìm kiếm được đầu ra cho sản phẩm, mỗi tuần nhà hàng ở Đà Nẵng lên tận nơi thu mua một lần với giá từ 300 - 350 nghìn đồng/kg. Nguồn thu từ ba ba đem lại cho gia đình tôi mỗi năm khoảng một trăm triệu đồng” - ông Hương tâm sự.
Đầu tư chăn nuôi theo hướng trang trại tổng hợp, nhờ làm chủ được kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh cũng như tiếp cận được thông tin thị trường và đầu ra ổn định, nông dân Võ Ngọc Sơn (Đại Minh) đã vươn lên làm giàu chính đáng. Mỗi năm, nguồn thu nhập từ chăn nuôi đã đem lại cho gia đình anh hàng tỷ đồng. Với phương châm đa dạng con giống để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường ở các mùa trong năm, anh Sơn đã phát triển đàn vật nuôi lên tới hàng chục ngàn con trên diện tích khoảng 10ha. Trang trại của anh đến nay đã có 200 heo thịt, 60 heo nái, 15 con trâu, 10.000 gà đẻ, thỏ sinh sản… với giá trị nguồn thu mỗi năm xấp xỉ 1,5 tỷ đồng. Không chỉ có nguồn thu tốt, trang trại của anh Sơn còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động với mức lương bình quân 3 triệu đồng/tháng/người.
BÍCH LIÊN