Mục tiêu tăng trưởng GRDP 11,5%: Không dễ hoàn thành

TRỊNH DŨNG 06/08/2014 09:34

Tăng trưởng GRDP đến cuối tháng 7 của Quảng Nam đã có sự cải thiện nhẹ, nhưng dự báo sẽ không dễ dàng đạt được mục tiêu tăng trưởng cho cả năm 2014 khi đang tồn tại những chỉ số có dấu hiệu đảo chiều.

Một số tín hiệu khả quan

Số liệu từ Cục Thống kê Quảng Nam cho thấy, GRDP của tỉnh 7 tháng đầu năm, đạt mức 11,2%. Đây là tín hiệu tích cực, song đà hồi phục của nền kinh tế Quảng Nam vẫn còn nhiều khó khăn. Giới doanh nghiệp cho rằng các con số thống kê chưa thể phản ánh đúng thực trạng khó khăn của thị trường và nền kinh tế. Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, nổi bật tăng trưởng GRDP 7 tháng qua là sự đóng góp của khu vực công nghiệp và dịch vụ khi chỉ số sản xuất tăng đến 9,5% so cùng kỳ. Đây là khu vực duy nhất duy trì được đà tăng trưởng liên tiếp trong nhiều năm trở lại đây, cho dù mức tăng trưởng 7 tháng đầu năm nay đã có phần chậm lại. Động lực chính cải thiện khá ấn tượng của khu vực công nghiệp và dịch vụ là ngành chế biến, chế tạo (tăng hơn 21%), cấp nước, xử lý nước thải, rác thải (tăng 9,7%)… đang có xu hướng tăng trưởng khá nhanh và ổn định trong 3 năm gần đây. Diễn biến này chủ yếu xuất phát từ nhu cầu của các thị trường bên ngoài đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam vì phần lớn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đều gắn liền với hoạt động xuất khẩu các mặt hàng điện tử, may mặc, da giày, gỗ…

Sản xuất may mặc tăng trưởng chậm. Ảnh: T.DŨNG
Sản xuất may mặc tăng trưởng chậm. Ảnh: T.DŨNG

Khu vực còn lại là xuất nhập khẩu và nông – lâm – thủy sản cũng đang lấy lại đà tăng trưởng với những tín hiệu khá tích cực. Xuất khẩu tăng 12,6%; trong đó, hàng dệt may tăng gần 39%, linh kiện điện tử và các sản phẩm gỗ tăng 29%, giày các loại tăng gần 10% và hàng thủy sản tăng 9%. động lực tăng trưởng kinh tế Quảng Nam trong vòng 7 tháng qua đến từ các doanh nghiệp dân doanh và FDI. Khu vực kinh tế này đang được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì đà tăng mạnh mẽ trong những tháng cuối năm.

Nhiều khó khăn

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh cho rằng, nếu không quyết liệt đầu tư xây dựng cơ bản thì khó đạt kế hoạch. Vốn đưa vào nền kinh tế ngày càng giảm sút; doanh nghiệp lớn đang xúc tiến đầu tư, chưa thấy kết quả gì và nhiều doanh nghiệp chưa thể mở rộng so với kế hoạch. Cắt hay điều chuyển vốn các công trình chậm giải ngân; bảo đảm giải ngân các nguồn vốn đầu tư kế hoạch 2014, nhất là với vốn đầu tư từ ngân sách, trái phiếu chính phủ, chương trình hỗ trợ mục tiêu, vốn chương trình mục tiêu quốc gia; ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách, vốn vay và vượt thu năm 2014 để thực hiện các nghị quyết của HĐND... là những giải pháp để đạt tăng trưởng như kế hoạch.

HĐND tỉnh khóa VIII, Kỳ họp thứ 11 đã ban hành Nghị quyết bổ sung nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh 6 tháng cuối năm; trong đó giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng GRDP 11,5% như đã ấn định  hồi đầu năm 2014. Nhiều nhà quản lý khẳng định, xu hướng cải thiện là điều chắc chắn vì quý III và IV luôn là mùa cao điểm về sản xuất kinh doanh. Nhưng, để đạt mức tăng trưởng 11,5% cho cả năm 2014 thì GRDP trong những tháng còn lại phải đạt được mức tăng trưởng trên 11,8%. Đây là thử thách lớn khi vẫn còn nhiều doanh nghiệp khó khăn, loay hoay tìm cách chống đỡ với nguy cơ phá sản và nhiều doanh nghiệp không mạo hiểm vay vốn khi đứng trước “núi” hàng tồn kho chưa biết giải quyết như thế nào. Nhiều chỉ số được công bố vào cuối tháng 7 khiến nhiều người không thể yên tâm khi chỉ số tồn kho đã tăng 16% so với cùng kỳ. Những sản phẩm có mức tồn kho lớn như chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng hơn 10 lần, chế biến thực phẩm tăng 2 - 3 lần, xe tải KIA tăng 90% và xe bus tăng 35%.

Chỉ số tiêu thụ công nghiệp tháng 7 giảm đến 27% so với tháng trước; một số sản phẩm có mức tiêu thụ giảm mạnh như sản xuất giường tủ, bàn ghế (giảm gần 73%), sản xuất da giày các loại giảm trên 70%, sản xuất đồ uống giảm 11%... Sự hồi phục vẫn diễn ra nhưng tốc độ còn khá chậm khi doanh số bán lẻ hàng hóa chỉ tăng 4%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong năm 2014 dự kiến ở mức 30% GRDP, nhưng tình hình giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản chỉ hơn 2.670 tỷ đồng (52%) đang mang nhiều lo ngại. Mặt khác, thu hút đầu tư giảm mạnh (chỉ thu hút 7 dự án đầu tư FDI), giải ngân vốn FDI không đáng kể và tăng trưởng tín dụng chỉ đạt mức 3,4%, quá thấp so với yêu cầu tăng trưởng tín dụng từ 12 - 14%/năm 2014. Hiện tại vẫn còn quá nhiều dự án có tỷ lệ giải ngân bằng 0, nhiều dự án có tỷ lệ vốn lớn cũng chỉ mới đạt tỷ lệ giải ngân dưới 30%. Hệ quả là tiền “đông cứng” trong kho bạc trong khi nền kinh tế không thể hấp thụ vốn và ít đóng góp vào tăng trưởng của nền kinh tế. Trong khi đó, từ một góc nhìn khác cho thấy, chi tiêu ngân sách Quảng Nam đã đạt 55,4% dự toán năm. Nhưng trong cơ cấu chi thì chi cho đầu tư phát triển có xu hướng giảm (khoảng 2.033 tỷ đồng), chi thường xuyên cho bộ máy và chi trả nợ có dấu hiệu tăng mạnh. Điều này cho thấy tổng mức chi tiêu ngân sách Quảng Nam tăng nhiều, nhưng tác động lan tỏa, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế lại không lớn... Đây là những trở ngại làm cho GRDP năm 2014 khó tăng trưởng như kế hoạch.

TRỊNH DŨNG

TRỊNH DŨNG