Bảo hiểm tàu cá: Cấp thiết nhưng chưa thông suốt
Mua bảo hiểm tàu cá có thể giúp ngư dân bù lại những thiệt hại để tái sản xuất khi không may gặp rủi ro nhưng đa số ngư dân trên địa bàn tỉnh thiếu mặn mà.
Như Báo Quảng Nam đã thông tin, do phương tiện bị cháy nhưng không có bảo hiểm nên chủ tàu cá QNa-05949 (thôn Hòa Bình, xã Bình Minh, Thăng Bình) rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất. “Chúng tôi sản xuất ở tuyến bờ và tuyến lộng. Nghề biển tiềm ẩn nhiều rủi ro nên chúng tôi cũng định mua bảo hiểm cho tàu nhưng thấy quá tốn kém, anh em đồng chủ tàu cứ bàn tán nên đến thời điểm này vẫn chưa mua bảo hiểm. Anh em chúng tôi vay gần 1 tỷ đồng để đầu tư phương tiện, chừ không biết sẽ làm ăn thế nào để trang trải nợ nần” - ông Nguyễn Anh, một trong số 5 người góp vốn đầu tư phương tiện QNa-05949 cho biết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến thời điểm này, chỉ riêng các chủ tàu khai thác hải sản xa bờ trên địa bàn tỉnh là có mua bảo hiểm tàu cá vì được hỗ trợ của Nhà nước. Ngư dân sản xuất ở tuyến bờ và tuyến lộng thường không mua hoặc mua bảo hiểm với tỷ lệ rất thấp (tối đa là 30% giá trị con tàu) vì tự nguyện chứ không bắt buộc. Theo Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam, sở dĩ ngư dân không mặn mà là do các thủ tục thanh toán bảo hiểm quá rườm rà, chậm chi trả. Ông Trần Văn Ảnh (thôn Đông An, xã Tam Giang, Núi Thành), chủ tàu cá QNa-91298 bị cháy tàu trong năm vừa rồi, nói: “Khi mua bảo hiểm cho tàu cá, gia đình chúng tôi thanh toán ngay cho cơ quan bảo hiểm hàng chục triệu đồng. Vậy mà, khi tàu cá bị cháy thì cơ quan bảo hiểm cứ năm lần bảy lượt viện cớ điều tra, không chịu làm thủ tục thanh toán bảo hiểm. Hơn một năm trời mỏi mòn chờ đợi thanh toán bảo hiểm, gia đình chúng tôi không có tâm trí đâu mà nghĩ đến kế sinh nhai”.
Ông Trần Văn Hưng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cho biết, mặc dù đã được khuyến cáo rất nhiều nhưng các chủ tàu khai thác hải sản ở tuyến lộng và gần bờ trên địa bàn vẫn ít quan tâm đến bảo hiểm thân tàu. Các trường hợp thoái thác, thiếu trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xảy ra trên địa bàn huyện trong thời gian qua đã phần nào khiến ngư dân thiếu niềm tin vào dịch vụ bảo hiểm. Còn ông Trần Văn Việt - Trưởng phòng Quản lý tàu cá (Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam) thì cho rằng, tâm lý của chủ tàu là rất sợ tốn kém khi mua bảo hiểm, trong khi đó không biết ngành bảo hiểm có chi trả “sòng phẳng” khi có sự cố xảy ra. Bởi vậy, để ngư dân yên tâm mua bảo hiểm thì công tác tư vấn khách hàng của các công ty bảo hiểm cần phải được đặt lên hàng đầu.
Theo ông Nguyễn Đức Thành, Trưởng phòng Giám định - bồi thường (Chi nhánh Bảo Việt Quảng Nam), thực hiện dịch vụ bảo hiểm cho tàu cá có tỷ lệ rủi ro nhất trong các loại hình bảo hiểm. Công ty áp dụng bảo hiểm cho thân tàu là chủ yếu, ngư lưới cụ thì không được bảo hiểm. “Thực tế cho thấy kinh doanh bảo hiểm tàu cá không đem lại lợi nhuận cho chúng tôi khi giá trị đền bù là quá lớn. Điều khó khăn với chúng tôi là thẩm định giá trị tàu cá vì chất lượng của phương tiện luôn giảm xuống trong quá trình sử dụng. Bởi vậy, ngư dân cũng cần hiểu cái khó của chúng tôi để dịch vụ được thông suốt” - ông Thành nói.
VIỆT QUANG