Khó thu hồi nợ tạm ứng
Nhiều hồ sơ nhà thầu nợ chây ì đã được chuyển đến các cơ quan thực thi pháp luật nhưng vẫn còn khoảng gần 70 tỷ đồng nợ đọng kéo dài khó có khả năng thu hồi.
Nợ đọng kéo dài
Tuyên bố giám sát chặt chẽ của các chủ đầu tư hay sự kiên quyết của cơ quan quản lý khi tính lãi trên số dư nợ đọng chỉ có tác động đến những nhà thầu thiện chí, còn các doanh nghiệp cố tình lảng tránh hay chây ì hiện vẫn chưa thể có cách giải quyết hữu hiệu. Theo công bố của Kho bạc Nhà nước Quảng Nam, hồ sơ dự án còn tồn đọng số dư tạm ứng xây dựng cơ bản từ kế hoạch năm 2010 trở về trước thuộc nguồn ngân sách tỉnh và vốn trái phiếu chính phủ khoảng gần 150 tỷ đồng. Nguyên nhân của nợ đọng kéo dài là chủ đầu tư “chưa chịu” thanh toán, vài dự án đã bị dừng đầu tư, thi công và một số đơn vị tư vấn, nhà thầu đã giải thể không tìm ra địa chỉ... Nhiều chủ đầu tư đã buộc phải chuyển hồ sơ nhà thầu sang cơ quan thực thi pháp luật hoặc xin “xóa nợ”, nhưng vẫn chưa có kết quả cuối cùng.
Dự án “Nạo vét thoát lũ khẩn cấp sông Trường Giang” khó có khả năng thu hồi nợ đọng.Ảnh: T.PHONG |
Cũng theo Kho bạc Nhà nước Quảng Nam, ngoài 76,19 tỷ đồng số dư tạm ứng của các hợp đồng còn hiệu lực và giá trị thanh toán chưa đạt 80% giá trị hợp đồng đang được gia hạn hoàn ứng vào tháng 3.2015, vẫn còn gần 70 tỷ đồng nợ đọng của 42 dự án của các hợp đồng đã hết hiệu lực. Danh sách “bảng phong thần nợ đọng” này là các dự án: Nạo vét thoát lũ khẩn cấp sông Trường Giang, hồ Suối Tiên, quốc lộ 14D - La ê, đường ô tô đến trung tâm xã Trà Tập (nguồn trái phiếu chính phủ) và dự án san nền tổ hợp ô tô than Việt Nam, khu dân cư phía tây đường An Hà - Quảng Phú, đường Thanh niên ven biển, khu đất phía bắc Khu công nghiệp Tam Hiệp, khu dân cư Tam Quang (Núi Thành), đường tránh khu du lịch Bãi Rạng, bến cảng số 3 cảng Kỳ Hà… Đó là chưa kể đến số tiền hơn 5,2 tỷ đồng ngân sách các huyện, thành phố như Tam Kỳ, Phú Ninh, Tiên Phước, Duy Xuyên, Hội An, Núi Thành bị buộc phải hoàn ứng trước ngày 31.12.2012 vẫn chưa thấy động tĩnh gì! Ông Nguyễn Quốc Tùng - Trưởng phòng Kiểm soát chi (Kho bạc Nhà nước Quảng Nam) nói số nợ tạm ứng nhiều năm này rất khó thu hồi, bởi hầu hết nhà thầu không chịu hoàn ứng hoặc bất hợp tác với chủ đầu tư. Điều này gây khá nhiều khó khăn cho việc quản lý vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Không thể để mất vốn
Trước thực trạng chây ì, lần lữa không chịu hoàn ứng, Kho bạc Nhà nước Quảng Nam đã tỏ ra kiên quyết khi “buộc” các chủ đầu tư có nợ đọng tạm ứng từ năm 2010 trở về trước đã được UBND tỉnh gia hạn phải hoàn ứng trước ngày 31.12.2012, phải xử lý dứt điểm trong quý III.2013, thậm chí còn tuyên bố nếu nhà thầu không hợp tác sẽ chuyển các cơ quan chức năng xử lý. Thế nhưng, đã gần một năm ban hành “mệnh lệnh” đi qua, các chủ đầu tư và cơ quan quản lý vẫn không thể làm gì được với các “con nợ” này. Theo Kho bạc Nhà nước Quảng Nam, đứng trước áp lực thanh toán, cơ quan quản lý có danh sách dự án nợ đọng nhiều nhất là Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai cho biết đã nhiều lần làm việc với nhà thầu, gửi công văn yêu cầu Ngân hàng Đầu tư & phát triển Ninh Bình hoàn trả vốn đã tạm ứng 31,975 tỷ đồng trái phiếu chính phủ cho dự án “Nạo vét thoát lũ khẩn cấp sông Trường Giang” (đã bị ngừng triển khai theo chỉ đạo của UBND tỉnh) theo thư bảo lãnh còn hiệu lực cho Tập đoàn Xuân Thành, nhưng vẫn chưa có kết quả. Họ cũng đã đề nghị UBND tỉnh chuyển hồ sơ các nhà thầu không hợp tác như Công ty TNHH Minh Phú (xây lắp, san nền tổ hợp ô tô than Việt Nam và đường Thanh niên ven biển), Công ty 789 Bộ Quốc phòng (đường tránh khu du lịch Bãi Rạng) và Công ty TNHH MTV xây dựng Quảng Nam (khu dân cư phía tây đường An Hà – Quảng Phú) sang các cơ quan chức năng xử lý theo pháp luật và đề nghị xóa nợ các đơn vị tư vấn tạm ứng thực hiện công tác quy hoạch khu tái định cư Tam Thanh 2. Tuy nhiên, cam kết của chủ đầu tư sẽ thu hồi nợ đọng của 15 dự án ngay trong quý III.2013, đến nay vẫn chưa thể hoàn ứng được. Còn con số dự án nhà thầu không hợp tác, đề nghị chuyển cơ quan chức năng xử lý theo pháp luật ngày càng dài thêm.
Ông Nguyễn Quốc Tùng cho biết không ít hồ sơ chuyển cho cơ quan thi hành án để thu nợ, nhưng cơ quan này đã ra quyết định trả lại đơn yêu cầu vì không thể xác định được tài sản bởi công ty đã giải thể hoặc bán lại cho đơn vị khác. “Kho bạc cũng đã liên hệ chủ đầu tư, nhà thầu thì không ít đơn vị đã giải thể. Đưa ra tòa thì không biết kêu ai tới hầu, tài sản không có thì biết giải quyết làm sao? Khả năng số nợ đọng tạm ứng trước năm 2010 là không thể thu hồi được. Hiện các cơ quan quản lý giám sát chặt số dư tạm ứng các hợp đồng còn hiệu lực, buộc các chủ đầu tư, nhà thầu nhanh chóng thi công, nghiệm thu công trình và hoàn ứng đúng thời hạn. Hạn chế thấp nhất việc phát sinh số dư tạm ứng tồn đọng khi hợp đồng đã hết hiệu lực trong thời gian đến” - ông Tùng nói
chuyện thu hồi, chấm dứt tình trạng dây dưa, kéo dài nợ tạm ứng đã luôn nóng trên bàn nghị sự nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện được tiếp tục làm đau đầu các cơ quan quản lý. Vấn đề quan trọng nhất vẫn là việc cần làm rõ các sai phạm, quy trách nhiệm cho các chủ dự án không chịu hoàn ứng và có biện pháp xử lý triệt để những ai làm thất thoát. Nếu không xử lý rốt ráo việc này, nguy cơ mất vốn ngân sách sẽ tiếp tục xảy ra.
TÙY PHONG